Trong văn bản mới phát đi, Bộ Tài chính đã có phản hồi trước đề nghị miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022. Bộ Tài chính từ chối giảm 100% thuế môi trường cho các hãng hàng không.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, Bộ đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết quy định giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trừng đối với nhiên liệu bay (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít). Tổng thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường theo 2 Nghị quyết là 17 tháng (từ 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021).
Tiếp sau đó đến ngày 31/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thông qua nghị quyết đã tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50%. Thời gian giảm được thực hiện cho đến hết năm 2022.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng so với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung. Ví dụ như chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT (từ 10% xuống 8% trong năm 2022); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN...), gia hạn tiền thuê đất hay chính sách miễn giảm một số khoản phí, lệ phí...
"Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, chiến lược như chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ nhất định với nhà nước", Bộ Tài chính cho biết.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3 đạt 41.700 lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kịch bản khả thi nhất của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42 - 43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019.