Bất động sản là sân chơi thu hút nhóm doanh nghiệp ngoài ngành

Bất động sản là một thị phần có sức hấp dẫn lớn với nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên cả nước. Dù thị trường hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng sóng phục hồi đang dần trở nên rõ nét hơn, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch định hướng phát triển, nhất là doanh nghiệp ngoài ngành như thép, ngành vận tải, công nghệ hay ngành thực phẩm như tôm, sữa… cũng lấn sân sang thị phần bất động sản.

Bất động sản – một thị phần béo bở

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới công bố, CTCP Tôn Đông Á cho biết sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, nông nghiệp với tỷ lệ đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ hoặc 10% vốn chủ sở hữu tại từng thời điểm đầu tư.

Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Tôn Đông Á nói về kế hoạch này. Trong tài liệu ĐHĐCĐ những năm trước đây, doanh nghiệp đã nhiều lần đề cập kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ nét trên thị trường.

Hay như thông tin Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.

Trước đó, trong năm 2023, Tập đoàn này từng trúng thầu 2 dự án đô thị ở Hưng Yên và Phú Thọ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát cũng "tham vọng" đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.

Ngành thép còn có tập đoàn Hoa Sen, TCP Ống thép Việt Đức VG PIPE cũng lên kế hoạch triển khai các dự án bất động sản.

Bên cạnh ngành thép, ông lớn ngành thực phẩm cũng muốn lấn sân sang thị trường này. Đơn cử như CTCP Tập đoàn TH cũng vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng. Theo quy hoạch, đây sẽ là dự án có tổng diện tích gần 4.000 ha, gồm một phần diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và một phần thuộc phường 7, TP. Đà Lạt. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 30.313 tỷ đồng.

Hay như vua tôm Minh Phú cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề "kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.

Trước đó, MPC đã công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo công bố, đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 17,6 ha được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại 13,5 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

CTCP TCO Holdings (HoSE: TCO) - công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải, CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC cũng lên kế hoạch từng bước lấn sân vào lĩnh vực bất động sản.

Cuộc đua săn đất ngày càng nóng

Thị trường bất động sản hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp "mạnh vì gạo bạo vì tiền" gia tăng quỹ đất, M&A những dự án tiềm năng với mức giá tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện một lớp đại gia bất động sản mới.

Chuyên gia cũng nhận định, việc xuất hiện những “tân binh” có tiềm lực tài chính trên thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và các năm sau.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá: "Hàng loạt dự án mới được triển khai kỳ vọng sẽ góp phần phá băng thị trường, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài".

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho các “tân binh” gia nhập thị trường cần tỉnh táo xem xét, phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản. Từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng, vì trước đó, đã không ít những ông lớn ngoài ngành phải tạm gác “giấc mộng” vào bất động sản để tập trung cho ngành kinh doanh cốt lõi.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam, "ông trùm" tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho rằng, trong ngắn hạn, thông tin mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thường tạo kỳ vọng về sự đột phá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Để kỳ vọng này được xây dựng trên một nền tảng chắc chắc, nhà đầu tư cần xem xét, tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chiến lược đầu tư cụ thể ra sao...

TIN LIÊN QUAN