Bất động sản công nghiệp được tung hô: Công ty đầu tiên báo cáo quý 2 với lợi nhuận lao dốc

(CL&CS) - Trong thời gian gần đây, bất động sản công nghiệp liên tục được tung hô có nhiều tiềm năng đột phá. Thế nhưng, công ty đầu tiên trong ngành công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận lao dốc.

Lợi nhuận sau thuế giảm sâu

Bất động sản công nghiệp là một trong những lĩnh vực "hot" nhất kể từ sau Tết Nguyên đán 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Thông tin dòng vốn FDI được dịch chuyển sang Việt Nam và nhiều ông lớn rót vốn "khủng" vào bất động sản công nghiệp khiến ngành này nóng lên từng ngày và cổ phiếu ngành đua nhau tăng vọt.

Thế nhưng, CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đại diện đầu tiên của ngành đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 với kết quả kém lạc quan. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế bốc hơi mạnh.

Lợi nhuận VRG lao dốc trong quý 2.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của VRG, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ đồng, tương đương 64% so với quý 2/2019. Nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này vẫn tăng mạnh từ 4,8 tỷ đồng lên 7,1 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 2 của VRG giảm sâu bất chấp doanh thu cải thiện đáng kể. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 4,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 4 tỷ đồng quý 2/2019, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng, tương đương 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính đẩy VRG vào nghịch lý này chính là doanh thu tài chính đang hao hụt mạnh. Doanh thu hoạt động tài chính quý 2/2020 chỉ đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 2,5 tỷ đồng, tương đương 36% so với quý 2/2019. Tất cả doanh thu hoạt động tài chính đều đến từ tiền gửi ngân hàng. 

Lãi tiền gửi giảm sâu khi VRG đẩy mạnh rút tiền gửi ngân hàng. Tại thời điểm cuối kỳ, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền giảm sâu từ gần 58 tỷ đồng xuống chỉ còn 6,9 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chỉ còn 6,9 tỷ đồng, giảm sâu so với 57 tỷ đồng hồi đầu năm. Có thể thấy, tiền của VRG chủ yếu nằm ở tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19?

Giữa đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không hoạt động và kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, lợi nhuận VRG giảm sâu chủ yếu do doanh thu tài chính đi lùi, còn doanh thu vẫn tăng trưởng.

Để hỗ trợ đối tác, nhiều chủ mặt bằng đã giảm giá thuê. Nhưng có vẻ như VRG không hưởng ứng phong trào đó. Doanh thu kinh doanh bất động sản của VRG giảm rất nhẹ, từ 3,15 tỷ đồng của kỳ trước xuống 3,07 tỷ đồng kỳ này. Trong đó, doanh thu từ cho thuê cơ sở hạ tầng giữ nguyên ở mức 2,076 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong đại dịch Covid-19, lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, từ đó khiến chi phí quản lý doanh nghiệp thu hẹp lại nhưng chi phí này tại VRG lại có xu hướng đi lên, tăng từ 3,2 tỷ đồng lên 4,1 tỷ đồng. Chi phí cho nhân viên không bị ảnh hưởng nhiều, giảm rất nhẹ từ 699 triệu đồng xuống 656 triệu đồng nhưng dự phòng phải thu khó đòi tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 1,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu bứt phá mạnh

Giữa đại dịch Covid-19, cùng với toàn thị trường chứng khoán, cổ phiếu VFG giảm sâu, thậm chí xuống đáy 9.200 đồng/CP thiết lập ngày 13/3. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp bất động sản trở nên "nóng" nhờ dòng vốn FDI, VRG tăng mạnh cùng nhiều cổ phiếu ngành này.

Cụ thể, so với đáy, đóng cửa phiên 14/7, VRG dừng ở mức 17.500 đồng/CP, tăng 8.300 đồng/CP, tương đương 90%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường VRG có thêm 215 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà lao dốc của lợi nhuận sau thuế của thể tác động tiêu cực tới đà tăng của VRG. Trong sáng 15/7, VRG giảm nhẹ, giảm 400 đồng/CP xuống 17.000 đồng/CP.

Hà Phương

Nên đọc