Áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tại các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp

(CL&CS) - Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có bước tiến rõ rệt với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện, nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá sản xuất, phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; mở rộng vững chắc thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quan, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ước đạt 83.757 ha, trong đó 63.207 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 379.000 tấn, nhằm bảo quản được thời gian dài, tăng giá trị sản phẩm và phục vụ xuất khẩu, tỉnh đã tăng cường đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các cơ sở chế biến, đến nay toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đưa vào chế biến và tiêu thụ ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị và giá thành sản phẩm nông nghiệp; quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp chế biến ngày càng được mở rộng, từng bước áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại; đối với các dự án đầu tư mới đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường; sản phẩm của các cơ sở chế biến ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt cho thị trường và phục vụ xuất khẩu, ngày càng khẳng định được giá trị nông sản Sơn La.

Trình độ công nghệ trong các cơ sở chế biến sản phẩm từ nông nghiệp có bước phát triển mới; lực lượng lao động công nghiệp ngày càng được tăng về số lượng, nâng cao về trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật lao động thể hiện tính chuyên nghiệp hơn. Sản phẩm công nghiệp chế biến ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt, một số mặt hàng có tiêu chuẩn chất lượng cao, được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đón nhận và phản hồi tích cực, như các sản phẩm chè, cà phê, sữa, tinh bột sắn, đường, hoa quả sấy khô,.. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Cà phê xuất sang Đức, Malaysia; Chè sang Nhật Bản, Đài Loan, Afganitan,...; tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada; long nhãn sang Trung quốc, Hàn quốc,...

Công nghiệp chế biến đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6-10 triệu đồng/tháng; đã tiêu thụ phần lớn sản lượng nông sản của tỉnh và một số tỉnh lân cận như: chế biến 100% sản lượng chè tươi, cà phê tươi, sữa, mía đường; chế biến trên 40% sản lượng sắn củ; trên 20% sản lượng quả các loại,... góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ bền vững và nâng cao giá trị hàng nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, tăng thu ngân sách cho địa phương đồng thời vừa là động lực vừa trụ đỡ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN