Tại hội thảo Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, việc kiểm định phải theo sự phát triển của khoa học công nghệ, nếu kiểm định thủ công, không số hóa được các dữ liệu thì không thể nâng cao được chất lượng.
Bà Trần Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, thực tế cho thấy, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn là nội dung mới ở Việt Nam. Việc triển khai kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các trường tự xem xét chính mình để thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình từ đó có phương hướng, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Áp dụng KHCN trong kiểm định chất lượng dạy nghề
Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã làm từ 70 năm nay còn ở Việt Nam mới bắt đầu trong những năm gần đây nên việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường.
“Nhận thức của cán bộ quản lý các cấp (cơ quan chủ quản, Sở LĐTB&XH), của lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tầm quan trọng, cần thiết xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ hoặc chưa thể hiện quyết tâm cao, chưa dành nguồn lực hỗ trợ cần thiết để cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định hệ thống bảo đảm chất lượng theo Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết thêm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nội dung mới chưa được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN
Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở GDNN.
“Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đánh giá, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng. Việc nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý các cấp là hết sức quan trọng”, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhận định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, cho biết để nâng cao chất lượng công tác kiểm định thì Thông tư 27/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần bổ sung vấn đề “đưa ra những khuyến cáo cho các nhà trường” trong quá trình kiểm định chất lượng. Vì bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu điểm, nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp để trường sửa đổi phù hợp, tuy nhiên hiện nay trong thông tư 27 chưa đề cập đến vấn đề này.
Hiện nay, lực lượng, nhân sự thực hiện công tác kiểm định chất lượng vẫn còn thiếu. Theo thống kê, mới có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở GDNN rất lớn nên khó thực hiện được chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 100% số cơ sở GDNN chất lượng cao xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng, kết nối thông suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia…
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về kiểm định viên là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, việc đào tạo kiểm định viên ngoài vai trò của Tổng cục GDNN thì các trung tâm kiểm định cũng có vai trò không nhỏ trong việc lựa chọn người, lên kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp để có thể đào tạo ra những kiểm định viên giỏi, có kỹ năng, năng lực.