An Giang: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất

(CL&CS)- Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở TX. Tân Châu, tỉnh An Giang đã trở nên phổ biến. Từ lúa, cá, rau màu, cây ăn trái, nông dân đều tận dụng tốt nhất các loại công nghệ để phục vụ sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang có diện tích đất sản xuất trên 12.000ha, trong đó diện tích hoa màu 1.250ha, cây ăn trái 1.400ha, còn lại là đất trồng lúa (lúa chất lượng cao trên 90%). Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năng suất lúa bình quân trên địa bàn không ngừng tăng lên, đạt 6,7 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập của người dân đạt 67 triệu đồng/người/năm, tăng 6,25 lần so năm 2009.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học - công nghệ được địa phương xác định là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, đột phá để đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo phương châm “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Bà Võ Thị Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp tăng sản lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất…

Ông Nguyễn Văn Gom, nông dân xã Phú Vĩnh cho biết: Hiện nay gia đình ông đang ứng dụng các công nghệ được lựa chọn để đưa vào ứng dụng, gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ tuần hoàn nước, công nghệ cảm biến, tự động hóa… Từ đó, giúp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tôi chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm của người tiêu dùng trong mọi lúc, mọi nơi và chất lượng nông sản được nâng lên đáng kể, góp phần phát triển kinh tế nông hộ, nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường.

Trên lĩnh vực trồng trọt, nông dân gia tăng trồng giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao; áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa; tăng cường phân bón hữu cơ vi sinh… Địa phương phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi nhằm cải thiện đàn giống gia súc, gia tăng chất lượng, giảm thời gian chăn nuôi, tăng chu kỳ vòng quay đồng vốn.

Về thủy sản, thị xã đang phát triển vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao đối với giống cá tra 3 cấp tại cồn Vĩnh Hòa. Có 2 doanh nghiệp lớn tham gia, gồm: Tập đoàn Việt - Úc (126,8ha), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (đang khai thác 46,7ha, dự kiến mở rộng thêm khoảng 45ha). Năng lực sản xuất của các đơn vị 160 triệu con giống/năm, cung cấp giống cá tra chất lượng cao cho ngư dân trong và ngoài tỉnh để nuôi thương phẩm.

“Chương trình bước đầu chọn lọc được đàn cá bố mẹ thế hệ G3 với các tính trạng vượt trội, như: Cá hoàn toàn sạch bệnh, tỷ lệ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống tăng từ 15 - 20% so với thế hệ liền kề trước đó; chất lượng thịt ngon hơn…” - ông Võ Minh Khôi (Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang) chia sẻ.

“Nông nghiệp vùng biên giới muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chỉ tính riêng mô hình “1 phải, 5 giảm”, đã mang đến cho nông dân ít nhất là 5 lợi ích, như: Tăng năng suất, chất lượng; giảm chi phí sản xuất; bảo vệ được môi trường; nâng cao thu nhập cho nông dân; phù hợp với xu hướng sản xuất bền vững” - ông Trịnh Văn Dứt (Giám đốc HTXNN Tân Phú A1, xã Tân Thạnh) khẳng định.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản. Để nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới, bắt buộc phải có sự chuyển đổi công nghệ, giải pháp IoT trong nông nghiệp hiệu quả. 

TIN LIÊN QUAN