Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021, toàn quốc có 22,89% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 56,69% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 18,69% hoàn thành nhiệm vụ, và 1,73% không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng trong năm 2021, có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật - chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Nhấn mạnh về các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cho nên, việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân. Theo đó, Bộ Nội vụ đưa ra 6 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và xử lý cán bộ, công chức vi phạm.
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; cho phép ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, thực hiện xét nâng ngạch đối với các trường hợp đã được bổ nhiệm vào vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời, đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm thì thực hiện xét thăng hạng.
Thứ ba, hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ tư, rà soát, sửa đổi và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm. Tiếp tục rà soát văn bằng, chứng chỉ, cắt giảm tối đa các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết, không thực chất, không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực, chất lượng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; triển khai tổ chức hiệu quả các khoá bồi dưỡng tại nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá theo định lượng dựa trên kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, xây dựng bộ công cụ đánh giá bảo đảm khoa học, khách quan, công khai và minh bạch.
Thứ tám, trình Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đó là những giải pháp hết sức căn cơ trong thời gian tới để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. - Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, trong đó cắt giảm tối đa quy định về chứng chỉ. Cụ thể, không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Đặc biệt, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. |