Dữ liệu cũ
Thứ tư, 29/05/2019, 17:11 PM

Alipay và Wechat Pay sẽ bị “tẩy chay”?

(NTD) - Thanh toán bằng Alipay và WeChat Pay trở nên thông dụng trong đời sống xã hội ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mã QR gây hệ lụy cho chính Trung Quốc và các nền kinh tế khác. Nhưng liệu thế giới sẽ đương đầu với các hoạt động xâm lấn tài chính này như thế nào?

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam khi thăm chùa Phật Ngọc ở Thượng Hải, Trung Quốc vào đầu tháng 5/2019 đã ngạc nhiên: Cúng dường không cần tiền mặt, chùa có mã quét QR để nhận tiền! Các mặt hàng bán tại chùa cũng được thanh toán bằng mã QR.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện lớn trong đất nước khổng lồ này. Từ hàng rong, ăn xin, ma chay cưới hỏi, dịch vụ công cho đến... tù nhân, tất cả đều sử dụng mã QR để chi trả và thanh toán.

Hệ thống mã QR được xây dựng và thử nghiệm từ năm 1994. Ngày nay, Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ thanh toán qua mã QR và cả số người sử dụng. Bằng cách xây dựng nền tảng tích hợp giữa mạng xã hội, thương mại và ngân hàng, hai tập đoàn công nghệ Alibaba và Tencent đã lấn lướt mạng lưới ngân hàng truyền thống, đồng thời hiện diện trong mọi ngóc ngách sinh hoạt đời thường của đất nước gần 1,4 tỷ dân. Thị trường thanh toán công nghệ mới ở Trung Quốc có giá trị lên đến 43.800 tỷ USD, trong đó Alipay của Alibaba chiếm 53,7%, WeChat Pay của đối thủ Tencent chiếm 38,8%.

thongdoc
Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob: “ASEAN cần sớm xây dựng nền tảng thanh toán điện tử chung”. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Hệ lụy 

Việc sử dụng QR rộng rãi cũng để lại hệ lụy cho chính người dân nước này và cả những đất nước khác khi người Trung Quốc đi du lịch.

Mỗi khi khách hào phóng quét mã QR cho tiền người ăn xin thì lập tức số điện thoại, email và thông tin cá nhân của họ đã được lưu trữ. Các công ty mua lại dữ liệu này với giá 0,7-1,5 tệ, khoảng 2.200-4.500 đồng. Số tiền bán dữ liệu này cùng với số tiền khách cho giúp người ăn xin có được thu nhập ngang ngửa các ngành nghề “hot” ở Trung Quốc nếu chịu khó. Bên cạnh đó, thị trường mua bán dữ liệu bất hợp pháp cũng tăng vọt.

Tệ lừa đảo cũng diễn ra. Tòa án Trung Quốc từng phạt tù một nhóm ba người dùng mã QR của mình dán chồng lên mã thanh toán của người khác hay doanh nghiệp để lấy tiền.

Tình trạng “tour 0 đồng” là hệ quả xấu của mã QR. Du khách Trung Quốc chi trả bằng mã QR tại các cửa hàng do người Trung Quốc dựng nên đã khuấy đảo nền kinh tế du lịch ở Đông Nam Á và các nước khác.

Ngay cả hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ cũng e ngại trước công nghệ thanh toán của Trung Quốc vì nó có thể quét sạch thị trường và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng của nước này. Hãng tin Bloomberg nói 97,25% lợi nhuận sẽ thuộc cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán bằng thẻ, 2% dành cho các ngân hàng phát hành thẻ và phần còn lại cho ngân hàng tiếp nhận thẻ và hệ trung gian khác. Phí phát hành thẻ và phí duy trì tài khoản ngân hàng tạo ra nguồn thu hàng tỷ USD mỗi năm.

thongdoc2
Mã QR tại chùa Phật Ngọc, Thượng Hải. (Ảnh: Vũ Khánh).

Hành động dũng cảm đầu tiên

Nepal là nước đầu tiên chính thức cấm sử dụng hai thể thức thanh toán Alipay và WeChat Pay. Hành động của đất nước này được xem là “dũng cảm” bởi lượng khách Trung Quốc chiếm 15% trong tổng số một triệu du khách đến đây.

Ông Laxmi Prapanna Niroula, người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương Nepal, nhấn mạnh Nepal đang mất đi “hàng núi ngoại tệ” vì tiền chỉ chảy ngược về Trung Quốc. “Chúng tôi quyết định cấm Alipay và WeChat Pay bởi việc sử dụng hai ví điện tử này khiến ngành du lịch Nepal thất thu. Chúng tôi sẽ hành động nếu phát hiện bất kỳ người nào còn sử dụng hai nền tảng này” - ông Niroula khẳng định.

Tuy nhiên, người dân Nepal có vẻ không đồng tình. “Du khách Trung Quốc thường yêu cầu thanh toán bằng ví điện tử. Cấm cũng đồng nghĩa người dân chẳng làm ăn được gì nữa” - Sushil Koirala, chủ một tiệm trà ở Thamel, khu đông du khách nhất của thủ đô Kathmandu, than thở với AFP.

thongdoc1
Mã QR xuất hiện trong mọi ngóc ngách sinh hoạt của người dân Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

ASEAN hướng tới nền tảng thanh toán QR chung

Mức độ tổn hại của ví điện tử đến nền tài chính tiền tệ trong khối ASEAN là một chủ đề chính của hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào đầu tháng 5/2019 tại Fiji.

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob cảnh báo về các thách thức đến từ việc chuyển mạnh sang nền tài chính điện tử. Các hoạt động ngân hàng trực tuyến và thanh toán bằng mã QR đã trở nên phổ biến ở Đông Nam Á. Khách hàng đã bỏ qua các hoạt động tài chính truyền thống như giao dịch trực tiếp tại quầy và thẻ tín dụng. Tại Thái Lan, trên 70% người dùng Internet thực hiện các giao dịch ngân hàng qua mạng - đây là tỷ lệ cao nhất thế giới.

Ông Veerathai nhấn mạnh sự quan trọng về tiêu chuẩn hóa các dịch vụ như vậy tại ASEAN. “Thật đáng khích lệ khi thấy nhiều nước thành viên ASEAN đang hợp tác để hướng đến sử dụng cùng mã QR tiêu chuẩn hóa. Người Thái hiện có thể dùng mã QR ở Thái Lan để thực hiện các giao dịch ngân hàng di động” - ông phát biểu.

Khi các nền tảng thanh toán số như Alipay, WeChatPay hoặc Line Pay mở rộng trong khu vực, Ngân hàng Thái Lan đã phát triển nền tảng riêng của mình với tên PromptPay. Các nước như Singapore, Malaysia và Indonesia cũng có hành động tương tự.

Ông thống đốc giải thích rằng PromptPay là nỗ lực ngăn chặn hệ thống thanh toán của Thái Lan bị “vỡ vụn” khi sử dụng trên nền tảng của đối tác thứ ba. Sự đổ vỡ đó sẽ dẫn đến việc khách hàng bị chặn ngay chính trên PromptPay. “Chúng tôi muốn duy trì giá trị của hệ thống thanh toán của Thái Lan” - ông khẳng định.

Thái Lan sẽ là chủ tịch luân phiên chủ trì các cuộc họp đa phương của ASEAN trong năm nay. Hợp tác an toàn mạng hệ thống ngân hàng cũng là một ưu tiên. Ông Veerathai nói các cơ quan chức năng của một nước không thể đương đầu với “nguy cơ xuyên biên giới”.

ASEAN đang xem xét xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin mạng. “Các nền tảng hiện nay được xây dựng cho khu vực tư nhân hơn là cơ quan kiểm soát trung ương. Hình thành nền tảng mới cho các ngân hàng trung ương trong khu vực là chủ đề các cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trong năm nay” - Thống đốc Veerathai thông báo. Nếu có sự đồng thuận của tất cả các thành viên ASEAN, một nền tảng thanh toán chung trong khối sẽ hình thành vào cuối năm nay.

 Ricky Hồ

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.