Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 08/05/2015, 11:04 AM

Xi măng dò dẫm tìm đường xuất khẩu

(NTD) – Mặc dù đứng trong Top 5 các nước xuất khẩu xi măng nhưng thời điểm hiện tại các doanh nghiệm xi măng trong nước vẫn phải tìm nguồn xuất khẩu.

Chưa nói đến việc xi măng VN cạnh tranh với xi măng thế giới, ngay bản thân các DN trong nước cũng đang “mạnh ai lấy làm”, không chú trọng đến cạnh tranh chất lượng mà chỉ “nhăm nhăm” cạnh tranh về giá thành.

Các DN còn dè chừng nhau

Với  74 dây chuyền đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 – 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%, ngành xi măng VN được đánh giá là TOP 5 thế giới, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.

Từ một nước phải nhập khẩu, Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu từ năm 2010. Theo thống kê, năm 2014, số lượng tiêu thụ xi măng là 70,58 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, xuất khẩu được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so với 2013 và gấp 10 lần so với 4 năm trước đó. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước sản xuất xi măng nhiều nhất thế giới.

T8-xi-mang

Nếu chỉ cạnh tranh nhau về giá thành thì khó có thể đạt được chất lượng

 “Quan điểm của tôi là ủng hộ XK vì tiềm năng trong nước còn rất lớn. Tuy nhiên, ngành xi măng cần giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững, cũng như ít tác động đến môi trường” - Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định.

Điều ông Nam muốn tưởng như dễ nhưng thực ra rất khó bởi ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc XK chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự được coi trọng. Còn cách tính toán của các DN, vẫn chưa thoát ra được những toan tính mang tính riêng lẻ từng DN, chưa thực sự có tính liên kết vì mục tiêu chung.

Tại cuộc hội thảo về XK xi măng gần đây, ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách - Tổng Cty  Xi măng VN (Vicem) chia sẻ: Hiện trong số 106 DN sản xuất và kinh doanh có 5 đơn vị XK chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả. XK chủ yếu vẫn thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading. Và, thị trường chính vẫn là các nước: Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia.

Theo ông Quân, mặc dù nhà nhập khẩu không của DN nào, nhưng nhiều khi các DN VN không chịu chia sẻ thông tin với nhau. Ông dẫn chứng, Có thời điểm khi giá thị trường giảm chỉ 0,5 USD  nhưng sản phẩm VN giảm tới 2 USD. Còn khi thị trường tăng tới 4 USD nhưng DNVN lại chỉ tăng 1 USD. "Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng các nhà XK VN đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá" - ông Quân cho biết.

Theo Bộ Công Thương, việc tìm ra được giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam không phải tăng về khối lượng và sản lượng xi măng xuất khẩu mà cần phải được đánh giá kỹ lưỡng.

Hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam cần được đánh giá một cách cẩn trọng cũng như làm một cách toàn diện và gắn với thực tế của Việt Nam. Trên thực tế xuất khẩu là việc cần thiết vì trong vòng 4 năm nay, công suất sản xuất thực tế của xi măng Việt Nam đã vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Với thực tế như vậy thì giải pháp đặt ra đối với việc tiêu thụ xi măng hàng năm bắt buộc phải tính đến yếu tố xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Trước mắt việc xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng như thời gian vừa qua và gắn với việc giá cả trên thị trường thế giới ổn định. Vì vậy, có thể nói trước mắt mặt hàng xi măng chưa phải là mặt hàng trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam, tuy đã có vị thế nhất định và quan trọng hơn cả là đã góp phần đưa ra giải pháp cho việc tiêu thụ đối với ngành xi măng của Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động xuất khẩu xi măng đang vướng ba vấn đề, thứ nhất là các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau theo hướng hạ giá thành chứ không cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, tiếp thị, thương hiệu, mở rộng thị trường. Thứ hai xi măng là vật liệu xây dựng rất nặng nhưng lại đang thiếu một hệ thống logistics kho bãi, cầu cảng và tàu vận chuyển chuyên dụng. Thứ ba chưa chủ động tìm kiếm thị trường mới, xuất khẩu xi măng hiện nay phần lớn là do các nhà nhập khẩu.

Xã hội hóa đầu tư cảng XK xi măng

Mặc dù năm 2014, kim ngạch XK xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD tăng gần gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên VN XK xi măng. Dự kiến trong năm 2015  sản lượng XK sẽ đạt khoảng 4 - 5 triệu tấn. Nhưng xi măng VN vẫn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khiến đầu ra bị “tắc”.

Theo tính toán, lượng xi măng tiêu thụ trong nước hiện đang dư thừa khoảng 10 triệu tấn (đã trừ đi lượng ximăng tiêu thụ trong nước khoảng 52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 72 triệu tấn). Như vậy, rõ ràng tương lai của ngành xi măng đang phụ thuộc phần lớn vào bài toán đầu ra XK.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, có hai “nút thắt” mà các bộ, ngành và Hiệp hội Xi măng cần quan tâm để có thể đẩy mạnh XK. Thứ nhất, với một nước có tiềm năng sản xuất xi măng lớn như VN, cần phải có cảng chuyên dụng để bốc xếp sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30.000 tấn trở lên. Để làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải nên ưu tiên vốn, thậm chí có cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng XK sản phẩm xi măng; Thứ hai, tăng cường tính liên kết DN, kết hợp tốt giữa các DN trong vận chuyển

Chẳng hạn, hiện nay Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực có nhu cầu lớn nhập khẩu than từ Indonesia, trong khi các DN xi măng lại có nhu cầu XK lớn sang thị trường Philippines. Rõ ràng, nếu có cơ chế trao đổi, kết hợp hàng hai chiều, xuất xi măng sang Philippines, nhập than từ Indonesia sẽ giảm giá cước cho cả hai bên.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cũng nên chủ động nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định.

Tin tức mới nhất về thị trường độc giả có thể đọc tại đây.

Cao Phong

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.