Thứ bảy, 02/10/2021, 19:08 PM

Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức ký thỏa thuận về kiểm soát khai thác thương mại gỗ hợp pháp

(CL&CS) - Ngày 1/10, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức ký thỏa thuận về kiểm soát khai thác thương mại gỗ hợp pháp, Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam.

Đại diện ký bản thỏa thuận này, về phía Chính phủ Việt Nam là Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và về phía Chính phủ Hoa Kỳ là Trưởng đại diện thương mại (USTR) Katherine Tai.

Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ để khép lại vụ Điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

1

Việc ký Thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 Bên, là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ,  góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 đạt mức 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt mức 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020. 

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, phù hợp với các quy định liên quan của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phía Hoa Kỳ đánh giá cao Thỏa thuận này vì đây là Thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, và là hình mẫu cho Hoa Kỳ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và toàn cầu.

Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.

Trước đó, Đại diện USTR Katherine Tai đã công bố về bản Thỏa thuận này và khẳng định Bản thỏa thuận nhằm giải quyết các mối quan ngại của Hoa Kỳ trong cuộc điều tra theo Mục 301 về Gỗ Việt Nam.

Đây là cuộc điều tra 301 đầu tiên nhằm giải quyết những quan ngại về môi trường, được USTR bắt đầu vào tháng 10 /2020 theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.

Thỏa thuận đảm bảo các cam kết nhằm ngăn chặn gỗ khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp tham gia chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Đại sứ Tai xác định Thỏa thuận đưa ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và chưa có biện pháp thương mại nào được đưa ra vào thời điểm này. Trong tương lai, USTR sẽ giám sát việc thực hiện Thoả thuận của Việt Nam.

Thỏa thuận có cam kết của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến gỗ bất hợp pháp, bao gồm cải thiện Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; xử lý gỗ bị tịch thu (là gỗ bị thu giữ do vi phạm luật pháp trong nước hoặc quốc tế) ra khỏi chuỗi cung ứng thương mại; xác minh tính hợp pháp của gỗ khai thác trong nước bất kể nơi xuất khẩu; và làm việc với các quốc gia có nguy cơ cao để cải thiện việc kiểm tra hải quan tại biên giới và hợp tác thực thi pháp luật.

Đại sứ Tai nói: “Gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng gây tổn hại đến môi trường toàn cầu và tài nguyên thiên nhiên mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào đó và không công bằng đối với các công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ không sử dụng những loại gỗ đó. Việc USTR lần đầu tiên sử dụng Mục 301 trong cuộc điều tra này cho thấy sức mạnh của việc sử dụng công cụ này để giải quyết các mối quan tâm về rủi ro môi trường hoặc việc thực thi luật môi trường.”

 “Tôi khen ngợi Việt Nam đã cam kết giải quyết những quan ngại của chúng tôi liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. Với Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ cung cấp một mô hình - cho cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu – về tăng cường thực thi pháp luật toàn diện đối với gỗ bất hợp pháp. USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, bao gồm cả việc thông qua Nhóm công tác về Gỗ mới được thành lập.”

(Đại sứ KatherineTai)

Thanh Thanh

Bình luận

Nổi bật

Nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng

Nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Nhằm nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng (VLXD), ngày 01/11/2024 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD như một giải pháp đảm bảo chất lượng công trình và nâng cao vị thế ngành trên thị trường quốc tế.

Tiêu chuẩn ISO 22000: Bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm

Tiêu chuẩn ISO 22000: Bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 21:46

(CL&CS)- Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như nâng cao uy tín, tuân thủ pháp luật và cải tiến quy trình quản lý.

Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14

(CL&CS)- Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang vừa có công văn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.