Thứ sáu, 16/02/2024, 14:29 PM

Việt Nam - Sự lựa chọn của các nhà đầu tư công nghệ cao

(CL&CS) - Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam thăng hạng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghệ chip bán dẫn.

1

Nhiều cơ hội phát triển

Trong bối cảnh khó khăn chung, thu hút FDI đã trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm qua, vốn đầu tư FDI vào nước ta đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD, xếp thứ 3 về số vốn đăng ký giai đoạn 2008 - 2023.

Dòng vốn ngoại được các chuyên gia dự báo tiếp tục "chảy" nhiều vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ cao, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu - Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia (cùng với Singapore, Malaysia) vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Cũng theo HSBC, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này đã khuyến khích các “gã khổng lồ” công nghệ khác, đặc biệt là Apple mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, hãng Apple đang có một số sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, như Macbook, iPad, Apple Watch, thu hút hàng nghìn lao động tại chỗ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện tại, có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng.

Minh chứng, trong năm qua, các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Vừa qua, nhà máy bán dẫn lớn thứ hai miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD tại khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025.

Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) của Hà Lan đã được ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 2/11/2023. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được đầu tư với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), thời hạn hoạt động là 50 năm. Dự kiến nhà đầu tư sẽ lắp đặt thiết bị, tuyển dụng lao động vào năm 2024 và vận hành vào quý 1/2025.

Cuối tháng 10/2023 vừa qua, mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã đi vào hoạt động, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới. Từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực

Song theo các chuyên gia, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhân lực nội địa chất lượng cao.

Mới đây, trong những ngày cuối năm 2023, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã ký kết hợp tác với Công ty Ansys (Hoa Kỳ) về phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Sự hợp tác này có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC), góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TPHCM cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Rafiq Somani, Phó Chủ tịch Ansys khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á, dòng phần mềm của Ansys bao gồm RedHawk, Sherlock, HFSS, Power Artist mang đến những khả năng độc đáo để giúp các công ty điện tử và bán dẫn, nhà nghiên cứu và sinh viên đẩy nhanh quá trình thiết kế và đổi mới sáng tạo cho các sản phẩm công nghệ cao thế hệ tiếp theo. Phần mềm này được nhiều công ty và trường đại học hàng đầu thế giới sử dụng để nâng cao năng lực của các sản phẩm công nghệ cao. Phần mềm hàng đầu trong mô phỏng và thiết kế cùng kiến thức chuyên môn toàn cầu của Ansys trong lĩnh vực này sẽ giúp SHTP hiện thực hóa mục tiêu phát triển kỹ năng mô phỏng và khả năng thiết kế cho các ngành công nghệ cao.

Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đang có hoạt động mạnh ở khu vực phía Nam của Việt Nam. Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ tập trung ở trong nước mà phải thiết lập, liên kết với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Khi có cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư tốt cùng với sự đáp ứng tốt về nhân lực là những điều kiện, yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Hoa Kỳ cân nhắc, lựa chọn đầu tư vào chuỗi cung ứng của mình.

Ông John Neuffer cho biết, trên bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, Việt Nam hiện đã có vị thế về khâu kiểm thử, đóng gói cũng như về thiết kế back-end. Thời gian tới, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thêm các khâu khác trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn, trong đó, việc tập trung đầu tư vào khâu thiết kế có nhiều thuận lợi hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Thời điểm thay đổi cục diện đầu tư

2
 
 

Trải qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam dần trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn các dự án FDI ban đầu "đổ" vào hai lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp nhưng thu hút nhiều lao động là dệt may và da giày thì đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái, Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất chip và chất bán dẫn, những lĩnh vực mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được đánh dấu bằng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, trong đó hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một bước đột phá.

Bên cạnh đó, việc phái đoàn 50 tập đoàn lớn của Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có những tên tuổi đáng chú ý như Apple, Microsoft, Boing, Meta, Google... cũng tạo ra cơ hội lớn với Việt Nam, đây là thời điểm vàng để thay đổi cục diện đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024 Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Việt Nam có lợi thế về đất hiếm trong hợp tác với Mỹ, nên đây là thời cơ có lợi cho cả hai bên.

Một trong những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là đất hiếm. Cuộc chiến của ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra rất gay gắt và nó gắn liền với đất hiếm. Theo ước tính, trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Hiện Việt Nam có trữ lượng đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Xếp sau Việt Nam là Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn)…

Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, chúng ta đã ký liên doanh với Hàn Quốc để thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi. Hy vọng đến năm 2024, chúng ta có thể sản xuất được để cung cấp cho thế giới một lượng đất hiếm không thua kém Trung Quốc hiện đang đạt khoảng 220.000 tấn/năm.

Về cách thức khai thác, Việt Nam không phải xuất khẩu đất hiếm mà coi đó là một lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vào công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước cứ điểm của sản xuất thế giới. Từ tất cả những tín hiệu ấy, tin tưởng rằng thu hút FDI sắp có bước đột phá không chỉ tăng thêm vài tỷ USD mà còn có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong năm 2024.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA): Các DN Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư, hợp tác với Việt Nam về công nghiệp bán dẫn

3
 
 

Được thành lập năm 1997, SIA là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này. Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Hoa Kỳ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng thắt chặt quan hệ, thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, nhất là đào tạo các nhân tài, nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia cùng có lợi.

Nhiều doanh nghiệp thành viên của SIA đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam như: Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC): Việt Nam cần ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao

4
 
 

Hoa Kỳ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ô tô, bán dẫn… và hiện tại có rất nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Những chính sách gần đây của Mỹ như: Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Hoa Kỳ sang các đối tác thân thiện) đã coi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản hỗ trợ không nhỏ từ Đạo luật Chip sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Hiện Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, mỗi kỹ sư cần đến 4 năm đào tạo và nếu chờ thế thệ kỹ sư mới ra trường, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, trong vài năm tới, Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhiều kỹ sư, ít nhất là gấp 5 lần so với hiện nay.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Ghé thăm 'vịnh Hạ Long của Tây Nguyên', tham quan hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á

Ghé thăm 'vịnh Hạ Long của Tây Nguyên', tham quan hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á

sự kiện🞄Thứ năm, 19/09/2024, 16:51

Mặc dù không phải là hồ tự nhiên, nhưng vẻ đẹp độc đáo của hồ này đã tạo nên sức hút đặc biệt cho du khách.

Chi tiết 11 trường hợp áp dụng Bảng giá đất từ ngày 1/1/2026

Chi tiết 11 trường hợp áp dụng Bảng giá đất từ ngày 1/1/2026

sự kiện🞄Thứ năm, 19/09/2024, 16:51

Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026 và điều chỉnh từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Huyện phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh sắp xây dựng homestay đầu tiên

Huyện phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh sắp xây dựng homestay đầu tiên

sự kiện🞄Thứ năm, 19/09/2024, 16:50

Homestay là một loại hình lưu trú, du khách sẽ đặt chỗ và nghỉ tại nhà của người dân địa phương trong chuyến du lịch.