Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 20/05/2024, 12:04 PM

Vị Đại tướng trăm tuổi duy nhất của Việt Nam còn sống: 102 tuổi vẫn minh mẫn, đọc sách báo hàng ngày, một trong những cái tên kiệt xuất của lịch sử dân tộc

Ông cũng là nguyên Phó Chủ tịch nước lớn tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Từ đợt phong hàm tướng đầu tiên (năm 1948) đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có 16 vị Đại tướng. Trong đó, chỉ có một người duy nhất đã hơn trăm tuổi và vẫn còn sống, đó là Đại tướng Nguyễn Quyết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tuổi 23

Đại tướng Nguyễn Quyết sinh năm 1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Quyết tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn và đầy nhiệt huyết (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Báo Lao Động

Đại tướng Nguyễn Quyết tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn và đầy nhiệt huyết (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Báo Lao Động

Do cuộc sống ở quê hương nghèo khó nên vừa sang tuổi 15, Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội để tìm việc làm. Ông xin được vào làm thư ký kiêm phát hành báo cho Báo Đuốc Tuệ của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ, trụ sở ở chùa Quán Sứ. Ngoài giờ làm việc ở tòa soạn báo, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều người thuộc các giới và tầng lớp khác nhau.

Đúng thời gian này, cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh, Nguyễn Quyết đã nhanh chóng bị lôi cuốn vào các hoạt động của phong trào này. Được gần gũi với nhiều công nhân, người lao động thành phố, ông hiểu tình cảnh của họ và nhận ra rằng thân phận người dân mất nước thì ở nông thôn hay thành thị, đều bị bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước đè nén, áp bức, bóc lột và chịu sự bất công, bất bình đẳng như nhau.

Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và được thử thách trong công việc được giao, năm 1940, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây, ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Mùa hè năm 1944, Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự một lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Quyết (Xuân 1949). Ảnh: Báo QĐND

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Quyết (Xuân 1949). Ảnh: Báo QĐND

Từ kinh nghiệm của Hưng Yên, ông đã cùng với Thành ủy Hà Nội quyết định phải xây dựng cơ sở vững chắc, an toàn, vững từ ngoại thành, tiến dần vào nội thành. Chỉ với mấy chục đảng viên tuổi đời còn rất trẻ, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết 23 tuổi; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nguyễn Khang, 26 tuổi; Trưởng ban Thanh vận Vũ Oanh, 17 tuổi... nhưng Thành ủy đã lãnh đạo quần chúng cách mạng đứng lên đánh đuổi thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân…

Chính những kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội với vai trò hết sức quan trọng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố, những nơi có quân Nhật chiếm đóng. Thắng lợi ở Hà Nội tạo thành hiệu ứng domino kéo theo sự rung động và tan rã hệ thống chính quyền thân Nhật ở nhiều vùng trong cả nước…

Con đường binh nghiệp vẻ vang

Năm 1945, được phân công phụ trách quân sự trong Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cuộc đời binh nghiệp của tướng Nguyễn Quyết sau này. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hoàn thành việc xây dựng, củng cố 5 tiểu đoàn chủ lực ở Hà Nội và 2 chi đội ở các tỉnh lân cận, ông đề nghị Trung ương được vào Nam chiến đấu.

Từ năm 1946-1950, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, ông đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh như đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của ông và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.

Đồng chí Nguyễn Quyết (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 320B (390) sau thắng lợi năm 1972. Ảnh: Báo QĐND

Đồng chí Nguyễn Quyết (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 320B (390) sau thắng lợi năm 1972. Ảnh: Báo QĐND

Trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954), ông là một trong bộ ba chỉ huy chiến dịch, được phân công trực tiếp chống chiến dịch Át-lăng, chiến dịch lớn chưa từng có của Pháp nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để vơ vét nhân tài, vật lực và làm bàn đạp đánh chiếm chiến trường chính Bắc Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 5, các tỉnh vùng tự do vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, vừa chiến đấu quyết liệt, vừa huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ kịp thời cho mặt trận chính Tây Nguyên, các tỉnh vùng bị chiếm của Liên khu 5 và cả Đông Miên tới Hạ Lào.

Chiến cuộc kết thúc thắng lợi giòn giã, đồng bộ, là thắng lợi lớn nhất ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, giải phóng phần lớn Bắc Tây Nguyên, nhiều vùng rộng lớn ở Nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển, giữ vững vùng tự do, làm phá sản kế hoạch Nava, phối hợp hiệu quả với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Nguyễn Quyết được điều về làm Chính ủy Sư đoàn 305 (một trong hai sư đoàn chủ lực của Liên khu 5), đưa đơn vị ra miền Bắc tập kết...

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Quyết (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu quốc tế. Ảnh: Báo QĐND

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Quyết (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu quốc tế. Ảnh: Báo QĐND

Năm 1990, ông được phong hàm Đại tướng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách như Bí thư Trung ương Đảng: Khóa VI; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa IV, V, VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1987-1991); Đại biểu Quốc hội các khóa IV, VII, VIII.

Năm nay, Đại tướng Nguyễn Quyết đã 102 tuổi, vẫn minh mẫn mỗi lần được các cán bộ, lãnh đạo nhà nước đến thăm hay được báo chí phỏng vấn. Hiện tại, tướng Nguyễn Quyết là nguyên Phó Chủ tịch nước lớn tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam.

Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng...

Đại tướng Nguyễn Quyết nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Ảnh: Việt Hà/Báo Lao Động

Đại tướng Nguyễn Quyết nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Ảnh: Việt Hà/Báo Lao Động

Ngày 19/1/2024, Đại tướng Nguyễn Quyết đã vinh dự nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Tham khảo:

- Đại tướng Nguyễn Quyết - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng

- Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng - Báo QĐND

- Đại tướng Nguyễn Quyết nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng - Báo Lao Động

- Hồ sư tư liệu: Đại tướng Nguyễn Quyết - TTXVN

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Phát hiện hòn đảo 'ma thuật' giữa biển, khách được chữa bệnh miễn phí

Phát hiện hòn đảo 'ma thuật' giữa biển, khách được chữa bệnh miễn phí

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 22:46

Nơi đây được ví như một "trung tâm ma thuật" với những bài thuốc chữa bệnh theo phương pháp của người dân bản địa.

Đi khám 3 lần, người đàn ông mới phát hiện mắc 'vi khuẩn ăn thịt người'

Đi khám 3 lần, người đàn ông mới phát hiện mắc 'vi khuẩn ăn thịt người'

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 22:45

Mới đây, người đàn ông 60 tuổi phát hiện mắc "vi khuẩn ăn thịt người" sau 3 lần đi khám.

Máy bay Boeing rơi tự do 1.200m/phút, chỉ cách mặt biển 122m do lỗi nghiêm trọng của phi công

Máy bay Boeing rơi tự do 1.200m/phút, chỉ cách mặt biển 122m do lỗi nghiêm trọng của phi công

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 22:43

Mới đây, thông tin về chiếc máy bay Boeing suýt rơi xuống biển nhận được nhiều sự quan tâm.