Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 18/03/2024, 00:24 AM

Vị chúa Việt Nam có công lớn mở mang lãnh thổ về phía Nam, đặt nền móng cho vương triều Nguyễn, 74 tuổi vẫn xông pha trận mạc

Ông không những mở mang bờ cõi mà còn tìm nhiều ra phương cách hay giúp cho người dân được an cư lạc nghiệp ngay sau khi di trú đến vùng đất mới.

Thu phục lòng dân, dựng nghiệp ở phương Nam

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, mất ngày 20/7/1613, quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, ngày nay là Gia Miêu Ngoại Trang, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông xuất thân từ dòng dõi công thần, có ông nội là Nguyễn Văn Lưu - một trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê, cha là Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim - người có công lớn trong việc phục hưng triều Lê (Lê trung hưng). Nguyễn Hoàng là người khởi dựng quyền lực tại phương Nam, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn sau này (1802-1945).

Nhằm thoát khỏi âm mưu của Thái sư Trịnh Kiểm trong việc loại bỏ anh em trong gia tộc Nguyễn Kim, sau khi Nguyễn Uông (anh Nguyễn Hoàng) mất đột ngột với nhiều nghi vấn bị sát hại, ông đã tìm cách thoát thân bằng việc xin vào trấn đất Thuận Hóa. Từ sự lựa chọn này, Nguyễn Hoàng đã tạo nên một cột mốc quan trọng trong quá trình mở mang bờ cõi của dân tộc.

Tháng 10 năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng đem gia đình, thân thuộc, quân bản bộ và cơ đội thủy binh của mình ra cửa Đại An (Nam Định – Ninh Bình) xuôi đường biển tiến vào Nam. Sau chuỗi ngày rong ruổi, đoàn quân Nam tiến dừng chân ở Cửa Việt. Nguyễn Hoàng đã cho quân hạ trại ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chọn vùng đất Trà Liên – Ái Tử để lập dinh phủ

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chọn vùng đất Trà Liên – Ái Tử để lập dinh phủ

Miền đất Thuận Hóa lúc bấy giờ hoang sơ, nạn cướp biển hoành hành, lực lượng quân nhà Mạc, Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên đánh phá. Việc ổn định cũng như bảo vệ mảnh đất này quả là một thử thách không nhỏ đối với một viên trấn thủ mới nhậm chức.

Những ngày đầu dựng nghiệp ở đất phương Nam, Nguyễn Hoàng đã rất quan tâm đến việc thu phục lòng người. Với sự giúp sức tận tình của người cậu ruột – Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, ông đã triển khai nhiều công việc làm nức lòng dân như: cho bố cáo chiêu hiền đãi sĩ; ra lệnh giảm thuế cho dân; việc sai dịch cũng được hạn chế tối đa… Ông tìm nhiều ra phương cách hay giúp cho người dân được an cư lạc nghiệp ngay sau khi di trú đến vùng đất mới.

Nguyễn Hoàng đã có chính sách vận động người dân khai hoang lập hóa, có chính sách sở hữu tài nguyên theo năng lực khai khẩn, chính nhờ vào chính sách khuyến khích giúp đỡ của chính quyền trong việc khai hóa đất đai mà lãnh thổ dần dần được mở rộng. Chỉ hơn 10 năm ở trấn, nhờ thi hành “chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang” mà mọi người dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Chúa đã biến Thuận Hóa trở nên một nơi đô hội lớn.

Bên cạnh việc lo cho dân có một đời sống sung túc, ông còn có chiến lược xây dựng và phát triển nền Phật giáo của xứ Đàng trong để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân. Đây là một thắng lợi lớn về mặt thu phục nhân tâm. Từ một người có tư tưởng ít thân thiện với các nhà sư, ông đột ngột chuyển sang ái mộ đạo Phật, “khuyên người làm việc thiện… để cho dân thấy ông cũng là một phật tử được thiên mệnh phó thác để chuyển hồi long mạch về cho toàn xứ”.

Năm Tân Sửu 1601, ông cho làm lại chùa Thiên Mụ ở đồi Hà Khê. Năm Nhâm Dần 1602, Nguyễn Hoàng đến chùa Thiên Mụ tổ chức lễ Trung Nguyên cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sinh. Cùng năm đó Chúa Tiên sai người xây dựng “Sùng Hóa tự” trên nền cũ của một am miếu nhỏ. Năm Quý Mão 1603, Chúa tổ chức đại lễ Phật Đản tại chùa này. Trong ngày lễ ấy, thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen, cho là “khá sánh với hội lớn vô già, mọi bề công đức hoàn thành, lòng Chúa hết mực thư thái. Từ đó Chúa rộng mở thi hành nhiều việc chính sự giáo hóa, ơn chăm trăm họ, bề tôi thán phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến thăm, thiên hạ xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình.

Năm 1609, Nguyễn Hoàng cho dựng chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trên nền ngôi chùa cũ có từ thời nhà Mạc. Năm 1602, sau khi dựng xong dinh trấn Quảng Nam ở xã Cần Húc, Chúa cho dựng chùa Hưng Đông ở mé Đông của trấn. Năm 1607, cho dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam…

74 tuổi vẫn xông pha trận mạc

Là một trong những vị thống lĩnh sống thọ nhất trong lịch sử nước Việt, lúc 74 tuổi ông vẫn xông pha chiến trường, vì vậy ngoài chiến tích lừng lẫy ông còn chiếm kỷ lục về số lần lập công. Vào năm 1572, ông có trận thắng tưng bừng trước quan quân Đàng Ngoài. Tướng trấn giữ xứ Hải Dương là ngụy Lập Quận công, đem thủy quân gồm hơn bảy mươi chiến thuyền, cùng ngụy Tiên Quận công – Trịnh Cối làm hướng đạo, đi đường biển vào đánh cướp xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam, thổ dân nhiều người ra hàng. Nguyễn Hoàng bày kế đánh lừa chém Lập Quận ngay giữa sông… Từ đấy, quân họ Mạc không dám nhòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng. Với chiến công này năm 1573, vua Lê Trang Tông sai người đến Thuận Hóa phong Đoan Quận công Nguyễn Hoàng làm Thái phó.

Cũng trong giai đoạn này, vùng biên giới phía Nam thường xuyên bị quân Chàm quấy nhiễu. Để ổn định tình hình, năm 1578 Nguyễn Hoàng cử Thiên Vũ vệ đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh đem binh chinh phạt, đánh lấy được Hồ Thành… thăng làm quan trấn An Biên huyện Tuy Viễn, bảo vệ lãnh thổ nơi địa đầu.

Sau khi nhà Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, vua Lê thu hồi được Đông Đô, tháng 9 năm Kỷ Tỵ 1569, sau 11 năm ở trấn, Nguyễn Hoàng về Thanh Hóa chầu vua Lê Anh Tông, yết kiến thượng tướng Trịnh Kiểm và thăm lăng mộ tổ tiên. Lúc nầy ông được phong làm Tả đô đốc ở Trung quân đô đốc phủ, giữ công việc trong phủ, hàm Thái uý, tước Đoan Quốc công, Tổng đốc tướng sĩ bản doanh, thống lãnh quân thủy ở các xứ Nam đạo và 300 chiếc thuyền cả lớn lẫn nhỏ, tiến đánh và dẹp yên giặc biển.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đường mở cõi. Tranh minh họa

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đường mở cõi. Tranh minh họa

Tháng 2 năm Bính Thân 1596 và tháng 4 năm Đinh Dậu 1597 ông đã hai lần cùng với vua Lê Thế Tông lên tận trấn Nam Quan hội khán với quan binh nhà Minh về các thể thức bang giao. Năm 1598 trong một trận chiến mưu trí ông bắt sống tướng Thủy Quận công và phá tan phòng tuyến quân Mạc ở Thủy Đường (Hải Dương). Cũng trong thời gian này tuy đã 69 tuổi ông vẫn tiên phong đánh đảng giặc ở Sơn Nam và Hải Dương, miền Bắc thì đánh Thái Nguyên, miền Tây thì đánh Tuyên Quang.

Năm Canh Tý 1600, nhận thấy đã ở quá lâu trên đất triều đình mà ngờ rằng bị họ Trịnh giam chân kiềm chế, lấy cớ rằng vì có công to, Trịnh Tùng thấy thế mang lòng ghen ghét, nhân lúc các tướng nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản, Nguyễn Hoàng giả thác là xin quân đuổi đánh, phóng hỏa đốt hết doanh trại rồi xuống thuyền trốn về Quảng Nam.

Trở lại nơi mình đã trấn thủ. Năm 1611, Chiêm Thành quay trở lại càn quấy vùng biên giới Hoa Anh. Lần này, chúa Nguyễn cử tướng Văn Phong đi dẹp. Vua Chiêm Thành thua trận bỏ chạy về phía Nam Đèo Cả. Nguyễn Hoàng sáp nhập thêm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân vào phủ Phú Yên, một lần nữa vùng cương thổ phía Nam được mở rộng.

Cũng trong khoảng thời gian này, cùng với sự giúp sức của hai gia tướng người Việt gốc Chăm là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung, Nguyễn Hoàng đã cho khai mở và quản lý quần đảo Hoàng Sa, tạo nên một phên dậu che chắn cho đất nước trong việc phòng chống giặc ngoại xâm. Đây là một tầm nhìn chiến lược mà không phải quốc gia nào thời bấy giờ ở vùng lân cận cũng làm được.

Kể từ khi Nguyễn Hoàng đặt chân đến Ái Tử cho đến khi ông qua đời, bằng tài năng của mình, với chính sách thu phục nhân tâm đúng đắn, đối sách ngoại giao khôn khéo cũng như khả năng lãnh đạo, tài cầm quân kiệt xuất, Chúa Tiên đã xác lập chủ quyền trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, mở mang bờ cõi nước nhà. Với kế sách chiến lược mang đậm dấu ấn lịch sử, ông đã chủ động nắm bắt và hoàn thành trọng trách của người khởi nghiệp, xây dựng lên một nền móng vững chắc cho sự thành công của vương triều Nguyễn sau này.

Thùy Dung

Bình luận

Nổi bật

5 loại nước uống rẻ bèo nhưng lại là ‘thần dược’ giúp cơ thể chống lại lão hoá

5 loại nước uống rẻ bèo nhưng lại là ‘thần dược’ giúp cơ thể chống lại lão hoá

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 10:18

Một trong những cách chống lại lão hoá đơn giản, hiệu quả mà lại không tốn kém đó chính là bổ sung nước cho làn da

Muốn cuối đời an nhàn, không phụ thuộc vào con cháu, người ngoài 60 tuổi nên biết khước từ 3 điều này: Tuyệt đối đừng vì sĩ diện

Muốn cuối đời an nhàn, không phụ thuộc vào con cháu, người ngoài 60 tuổi nên biết khước từ 3 điều này: Tuyệt đối đừng vì sĩ diện

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 10:18

Biết từ chối 3 điều này, người ngoài 60 tuổi sẽ có một cuộc sống vui vẻ, thoải mái dù có con cháu ở bên cạnh hay không.

Thân thế vị bác sĩ đặt tên cho quảng trường sức chứa 200.000 người lớn nhất Việt Nam, nguồn gốc tên gọi 'Ba Đình' có ý nghĩa đặc biệt gì?

Thân thế vị bác sĩ đặt tên cho quảng trường sức chứa 200.000 người lớn nhất Việt Nam, nguồn gốc tên gọi 'Ba Đình' có ý nghĩa đặc biệt gì?

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 10:17

Đây là quảng trường lớn nhất của Việt Nam, là nơi diễn ra các buổi diễu hành quan trọng vào các ngày lễ lớn của đất nước và nhiều sự kiện trọng đại.