Dữ liệu cũ
Thứ hai, 25/05/2015, 15:53 PM

Về thăm làng thuốc lào nổi tiếng ở xứ Thanh

(NTD) - “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” câu ca của người dân Quảng Định (Quảng Xương, Thanh Hóa) làm nên thương hiệu “Thuốc lào Thượng Đình” nổi tiếng.

Thuốc lào còn có tên gọi khác là “tương tư thảo” (cỏ nhớ thương). Sở dĩ có tên gọi này vì người nghiện thuốc lào mà 2, 3 ngày không được hút thì luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Cứ đến tháng 4, 5, người dân làng Thượng Đình, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa lại rộn ràng vào vụ thu hoạch lá thuốc lào. Ngay đầu xã Quảng Định, dọc hai bên bờ đê thấy bạt ngàn cây thuốc, cây thuốc lào được trồng từ tháng 9 nhưng đến tháng 4 năm sau mới  thu hoạch và chủ yếu dùng lá. Ngoài Thượng Đình, Thanh Hóa, loại cây này còn được trồng nhiều ở vùng đồng bằng trung du bắc bộ, trong đó có Hải Phòng.

anh1

Vườn thuốc lào ở Thượng Đình, Quảng Xương, Thanh Hóa mùa thu hoạch

Người dân Quảng Định cho biết trồng cây thuốc lào khá mất công chăm sóc vì dễ bị nấm, dẫn đến đốm hoặc cháy lá. Do đó, hàng ngày họ phải dọn cỏ, bón phân đầy đủ và cân đối để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh. Cây thuốc lào trải qua các giai đoạn ủ hạt, lên mầm, ra búp, trải mưa để lá nở và no nước, dầm nắng để lá mang vị đậm đà khi cây thuốc lào đứng đến tầm ngực người, mỗi thân cho tầm 40 đến 55 lá. Người dân thường thhu hoạch thuốc lào vào buổi chiều khi lá đã ráo sương đêm, sau đó mang về nhà phơi qua đêm và bắt đầu dọc xương lá.

anh3

Thuốc lào sau khi thu hoạch được dọc xương lá

anh4

Sau đó xếp lá thuốc lào theo từng lớp

anh5

Và bó thành cuộn chặt

Sau khi thu hoạch, lá thuốc lào được xếp cẩn thận vào khung dài tầm một mét rưỡi, lần lượt lớp ngoài là lá to, lớp trong lá bé cho đến khi đầy khung. Từng cuộn lá được ủ 3 ngày 3 đêm để có đủ độ chín mà không bị úa mục trong ruột. Bình thường mỗi sào ruộng (500m2) sẽ cho từ 15 đến 17 cuộn. Thuốc lào phơi đủ nắng đủ sương trong vòng 3 ngày một đêm thì thành phẩm. Nếu không đủ nắng, buộc người dân phải đốt củi để sấy khô.

anh6
 
anh7
Thuốc lào sau khi thái nhỏ nếu phơi không được nắng thì người dân phải đem đi sấy khô

Mỗi sào thuốc lào sẽ cho ra thành phầm khoảng 45 đến 60kg thuốc. Trừ mọi chi phí chăm sóc, thuê nhân công thì trên mỗi sào thuốc lào sẽ thu được từ 14 đến 16 triệu đồng. Vì thuốc lào kén đất nên trung bình mỗi nhà chỉ có thể trồng khoảng 2 đến 3 sào ruộng, còn chủ yếu là trồng tại vườn.

Thuốc lào Thượng Đình là thương hiệu có tiếng, cho nên việc tiêu thụ của bà con cũng không gặp khó khăn. Mùa xong, thương lái Hà Nam, Nam Định và trong tỉnh sẽ đến từng nhà thu mua. Sợi thuốc lào thành phẩm sau khi phơi khô có màu nâu đậm, thơm. Giá bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng một cân.

anh8
 
anh9
 

Người dân Quảng Định đón cái Tết thứ hai là khi cây thuốc lào sau khi thu hoạch, đang trong giai đoạn chế biến. Vào mùa chế biến, nhất là công đoạn thái thuốc, nhà nào nhà nấy vui như trẩy hội. Ngoại trừ con cháu đi học, đi làm xa, còn không tất cả nội, ngoại, anh chị em kéo về phụ gia đình. Những ngày đó, thôn xóm huyên náo cả lên, người này qua nhà người kia giúp, đông đến vài chục.

Tục lệ ở đây là: Sau khi thái lá thuốc xong, tức là khi chiều muộn, chủ nhà phải mổ gà, mở bia để đãi những người đến phụ, chứ không lấy tiền công. Chính vì vậy, đến Quảng Định vào những mùa này như thấy Tết vậy.

Cái Tết thứ hai sẽ kéo dài cho tới khi thuốc lào được bán hết. Mỗi vụ lái buôn đều vào tận nơi chở thuốc đi. Được cái, chi phí cho cây thuốc lào không đáng kể, khi hết mùa lại có thể trồng lúa, lợi cả đôi đường. Vui nhất là năm nào cao giá, cả thôn sẽ mở tiệc ăn mừng, bà con phấn khởi.

Xã Quảng Định có 15 thôn, ngoại trừ 1 thôn do trước kia làm chiếu, còn lại cả 14 thôn đều gắn bó với cây thuốc lào. Với gần 1.600 hộ gắn bó với cây thuốc, diện tích gần 75 ha, nhà ít thì trồng 1.000 cây, nhiều thì tới 6.000 cây, hiện xã được coi là nơi trồng thuốc lào lớn nhất tỉnh.

anh12
Sau khi bẻ lá, người ta sẽ để lại những thân cây thuốc khỏe mạnh không sâu bệnh chờ ra hoa lấy hạt để lại làm giống. Do đó, thuốc lào Thượng Đình, suốt bao đời nay vẫn giữ nguyên hương vị riêng của mình.

 Mọi thông tin liên quan đến Văn hóa - đời sống, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây

Huyền Cao - Lê Linh

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.