Thứ sáu, 25/07/2025, 07:28 AM

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới

(CL&CS) - Ngày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức tọa đàm: “Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương” nhằm thảo luận sâu về kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới.

Tham dự Tọa đàm có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng; Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn; Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Quang Đồng; Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội) Trịnh Ngọc Trâm.

 

 

Các khách mời tham dự buổi Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ máy đã vận hành thông suốt, dịch vụ công được số hóa

Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong trong cả nước đã bước vào mô hình mới - mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho biết, sau 23 ngày triển khai, bộ máy hành chính mới đã vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt. UBND của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn.

 

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Điểm đáng chú ý là hầu hết các xã, phường đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, không phụ thuộc vào không gian hay thời gian. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, đến thời điểm này, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trên môi trường điện tử ở nhiều địa phương là khá lớn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như yêu cầu của người dân.

 

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng trao đổi ý kiến tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Tại thành phố Hà Nội - địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, sau ba tuần chính thức vận hành mô hình mới, toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 66.000 hồ sơ thủ tục hành chính. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, bài toán đặt ra hiện nay không chỉ là chuyển đổi công nghệ, mà là bài toán về tư duy và cách thức tổ chức lại bộ máy hành chính. “Liên thông dữ liệu chính là “chìa khóa vàng” để thực hiện hiệu quả cải cách hành chính và tiến tới mục tiêu 100% hồ sơ được xử lý trực tuyến, từng bước hoàn thiện mô hình chính quyền số toàn diện”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

 

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn thông tin về kết quả 3 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Nhật Bắc

Không chỉ chú trọng tính hiệu quả, với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội còn đặc biệt quan tâm tới nhóm yếu thế để phục vụ thủ tục hành chính. Ngày 23/7, thành phố triển khai mô hình hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính ngay tại nhà, thay vì yêu cầu đến các Trung tâm hành chính công cũng như các điểm hành chính công. Theo ông Trương Việt Dũng, kinh nghiệm của Hà Nội được gói gọn trong 3 yếu tố “đồng bộ, dữ liệu và chủ động”. Đó là đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện, dữ liệu trong vận hành và chủ động trong triển khai theo tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Điều quan trọng, phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, từ đó sẽ có những hành động cụ thể.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình chuyển đổi số

Từ thực tiễn cơ sở, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam (thành phố Hà Nội) Trịnh Ngọc Trâm cho hay, để ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính hiệu quả khi bắt đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp, phường đã vận hành thử nghiệm 10 ngày, đặt ra nhiều tình huống, nhận diện các tồn tại, ứng dụng robot AI để hỗ trợ tiếp dân, tăng sự thân thiện. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là áp lực với cán bộ công chức, bởi sau sắp xếp, sáp nhập, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi cán bộ, công chức tiếp tục rèn luyện và nâng cao, sẵn sàng đối mặt vướng mắc của công việc mới.

 

 

Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (thành phố Hà Nội) Trịnh Ngọc Trâm trao đổi ý kiến tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn nhìn nhận, để mô hình chính quyền phục vụ thực sự hiệu quả, cần thay đổi cách vận hành, trong đó con người giữ vai trò then chốt. “Cán bộ công chức cần tự nâng cao năng lực, chính quyền địa phương phải tổ chức bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên. Cùng với đó là đổi mới chỉ đạo điều hành, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, AI trong xử lý công việc”.

 

 

Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Quang Đồng trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông Tuấn, tại một số nơi đã xuất hiện tâm lý xin nghỉ việc của cán bộ xã vì áp lực khi khối lượng công việc quá lớn. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, gắn với cơ chế sàng lọc để giữ người giỏi, người tâm huyết. “Bộ đang cập nhật những khó khăn, vướng mắc, phối hợp với các bộ, ngành xử lý kịp thời và xây dựng quy định xác định vị trí việc làm, định biên phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, phối hợp các tỉnh, thành tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức” - ông Tuấn nói.

Chia sẻ về những áp lực của cán bộ công chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho hay, Bộ đã thành lập tổ liên ngành đến 4 địa phương và khảo sát hơn 11 xã phường, nhận diện 25 vấn đề còn tồn tại gắn với trách nhiệm bộ ngành, địa phương. Trong đó, bất cập nổi bật là việc chuyển cấu hình thủ tục hành chính từ cấp huyện về xã; cơ sở vật chất chưa đồng đều; năng lực cán bộ còn hạn chế; dữ liệu chưa kết nối liên thông; hệ thống chữ ký số các bộ, ngành chưa đầy đủ, khiến nhiều nơi không thể giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số.

“Chúng tôi sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ họp bàn, xử lý sớm 25 nhóm vấn đề này. Khi tháo gỡ được, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, để bảo đảm chuyển đổi số toàn diện, Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 02 về thúc đẩy chuyển đổi số, liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một trong những chỉ đạo quan trọng từ Thủ tướng Chính phủ là đến tháng 11/2025, 116 thôn, bản chưa có điện phải được cấp điện. Song song với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai phủ sóng di động tại các khu vực đó, bảo đảm nguyên tắc “điện đến đâu, sóng đến đó”. Đây là điều kiện cần để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số và các tiện ích từ Internet.

Đặc biệt, Bộ đang tổng hợp nhu cầu chuyển đổi số của các địa phương để phân bổ nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải kiểm tra, rà soát vùng lõm sóng, gửi báo cáo về Bộ để sớm có giải pháp đồng bộ, bảo đảm kết nối cho người dân. “Chính phủ đã dành sẵn nguồn lực và tài chính cho chuyển đổi số. Điều quan trọng là chúng ta phải triển khai quyết liệt, không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau”, ông Long khẳng định.

Thuý Đào

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 25/07/2025, 07:28

(CL&CS) - Ngày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức tọa đàm: “Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương” nhằm thảo luận sâu về kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới.

Chuyển đổi số là cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền

Chuyển đổi số là cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền

sự kiện🞄Thứ năm, 24/07/2025, 19:55

(CL&CS)- Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt ở vị trí trung tâm, không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là yếu tố quyết định năng lực điều hành, quản trị xã hội trong bối cảnh chuyển đổi sâu sắc của thời đại số.

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Thứ năm, 24/07/2025, 14:10

(CL&CS) - Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06.