Thứ bảy, 19/04/2025, 20:00 PM

Từ vụ sữa giả đến "lỗ hổng" trách nhiệm

(CL&CS) - Từ vụ việc sữa bột giả bị lực lượng Công an bắt giữ gần đây cho thấy, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý...

Từ vụ việc sữa bột giả bị lực lượng Công an bắt giữ gần đây cho thấy, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý...

Bộ Công Thương nói gì về vụ sữa giả vừa được Công an triệt phá?

"Quả bóng" trách nhiệm

Khi vụ Kẹo rau củ Kera chưa lắng thì đường dây 573 loại sữa bột giả quy mô khủng bị phanh phui.

Thực tế trong nhiều năm qua, liên tiếp các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, vấn nạn này dường như chưa suy giảm mà còn gia tăng.

Sau vụ việc 573 loại sữa bột giả bị Công an phanh phui, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã lên tiếng, như Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Nhưng điểm chung là các cơ quan này đều không hề thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế tuyên bố "vô can" khi lý giải rằng: Các sản phẩm sữa thuộc diện tự công bố, nghĩa là doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng. Riêng sữa vi chất thì được phân cấp cho địa phương quản lý.

Còn Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng phủ nhận trách nhiệm khi lý giải, họ chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

 

 

Kho chứa các hộp sữa bột giả của nhóm đối tượng bị cơ quan Công an phanh phui. Ảnh: VTV

Trả lời báo chí, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý vì đã để những đối tượng sản xuất sữa giả "tự tung tự tác" trên thị trường hơn 4 năm qua.

Qua vụ việc này, chuyên gia kinh tế chỉ ra, thị trường nội địa đang bị buông lỏng, niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, hiện nay, lực lượng quản lý nhà nước rất đông đảo, có thể kể tới như: Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Ủy ban cạnh tranh quốc gia…

Cùng với đó, văn bản pháp lý, chế tài về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta khá rõ ràng và đầy đủ, như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng (2023), Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, còn nhiều văn bản của Chính phủ, Thủ tướng cũng đã được ban hành nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan, hiệp hội được giao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ… có tiếng nói đối với người tiêu dùng chưa đủ sức mạnh. Ngoài ra, điều kiện hoạt động của những tổ chức này cũng hết sức khó khăn, cùng nhiều nguyên nhân khách quan như tâm lý trì trệ của phần đông người tiêu dùng, chế tài còn có bất cập..., nên việc xử lý triệt để mọi vấn đề không dễ.

Có thể thấy, quyền uy và trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta là không nhiều. Ở các nước, trách nhiệm của hội nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, thậm chí nhiều người tiêu dùng còn chưa biết đến vai trò của những cơ quan này.

Ngoài ra, có một thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngại khiếu nại, khiếu kiện, ngại lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Nguyên nhân do các kiến thức về bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa thông suốt nên việc khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng khó có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nguyên nhân thứ hai là quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện còn phức tạp...

Từ câu chuyện trên cho thấy, chuyện chia cắt trong quản lý với nhiều ban bệ, đơn vị nào cũng có chức năng quản lý nhà nước, nhưng khi sự việc xảy ra thì lại chưa thấy cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Tựu trung, đối tượng thiệt thòi ở đây là người tiêu dùng.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều cần đặc biệt lưu ý là, cần phải tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chỉ một đầu mối chịu trách nhiệm trước một vấn đề, không để "quả bóng" trách nhiệm lăn qua lăn lại…

Về phía người tiêu dùng, để bảo vệ bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về hàng hóa, lựa chọn nhà cung ứng sản phẩm uy tín để mua.

Đây chính là bí quyết cho người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước "ma trận" hàng hóa bán tràn lan cả trên thị trường truyền thống và online như hiện nay.

Người tiêu dùng cũng cần tẩy chay những sản phẩm không an toàn, không nên vì ham giá rẻ mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình, đồng thời tiếp tay cho hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Từ vụ sữa giả đến 'lỗ hổng' trách nhiệm

Từ vụ sữa giả đến 'lỗ hổng' trách nhiệm

sự kiện🞄Thứ bảy, 19/04/2025, 20:00

(CL&CS) - Từ vụ việc sữa bột giả bị lực lượng Công an bắt giữ gần đây cho thấy, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý...

Liên quan vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Bộ Y tế nói gì?

Liên quan vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Bộ Y tế nói gì?

sự kiện🞄Thứ tư, 16/04/2025, 17:48

(CL&CS) - Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), với vụ sữa giả quy mô lớn vừa được phát hiện, vụ việc đang trong quá trình điều tra. Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn, nhằm bảo đảm có đủ căn cứ pháp lý để xử lý đúng người, đúng tội; truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ Y tế yêu cầu rà soát, cung cấp thông tin liên quan các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả

Bộ Y tế yêu cầu rà soát, cung cấp thông tin liên quan các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả

sự kiện🞄Thứ ba, 15/04/2025, 22:14

(CL&CS) - Bộ Y tế yêu cầu, nếu các công ty trong đường dây sản xuất sữa giả có công bố sản phẩm tại địa phương, cần cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.