Dữ liệu cũ
Thứ hai, 10/06/2019, 13:49 PM

Trung Quốc tìm đâu vũ khí mới hữu hiệu trong chiến tranh thương mại?

(NTD) - Sau khi hai bên bắt đầu đánh mức thuế 25% vào hàng nhập của nhau từ 1/6, các chuyên gia dự đoán Trung Quốc không có thứ vũ khí hữu hiệu nào để chống đỡ các cuộc tấn công của Mỹ, kể cả con bài “đất hiếm”. Dự trữ ngoại hối 3.100 tỷ USD có thể được sử dụng nhưng sẽ không đủ để chính quyền Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra.

Trung Quốc có đủ USD để “sống sót” sau thương chiến với Mỹ?

Trung Quốc sở hữu kho dự trữ ngoại hối thuộc vào loại lớn nhất thế giới, tới 3.100 tỷ USD. Tờ South China Morning Post (SCMP) khẳng định trong thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh đang tìm mọi cách ngăn chặn ngoại tệ chảy ra nước ngoài.

Từ đầu tháng 5 cho tới nay, chính quyền Bắc Kinh tăng cường giám sát việc sử dụng đồng USD của các cá nhân và tổ chức tại đại lục, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực thu hút nguồn vốn nước ngoài. Giới chuyên gia nghi ngờ Trung Quốc lo ngại nguy cơ thiếu hụt USD.

Theo luật Trung Quốc, công dân được phép rút đến 50.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, AFP dẫn lời cựu cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yu Yongding tiết lộ: Chính ông không được phép rút 20.000 USD từ tài khoản ngân hàng riêng vì ông đã quá 65 tuổi! Nhiều ngân hàng Trung Quốc cũng hạn chế các giao dịch rút tiền 3.000 USD, dù trước đây cho phép cá nhân rút 5.000 USD.

Tờ SCMP cho rằng, ước tính 2/3 trong tổng số 3.100 tỷ USD ngoại hối của nước này là các tài sản được định giá bằng đồng USD. Tuy nhiên, theo các phân tích gia, kho dự trữ ngoại hối khổng lồ là không đủ để giúp Trung Quốc mua hàng nhập khẩu và trả nợ nếu giá đồng nhân dân tệ (yuan) đột ngột sụt giảm mạnh.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cần kho dự trữ ngoại hối không chỉ để giữ giá đồng yuan bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối, mà còn để bảo vệ hệ thống ngân hàng nội địa - nhưng liệu có làm nổi?

trung
Khoảng 2/3 tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là tài sản được định giá bằng đồng USD.(Ảnh: Reuters).

Ai sẽ bị thiệt hại nhiều nhất?

AFP dẫn lời nhà kinh tế Kevin Lai của hãng Daiwa Capital Markets: “Nếu có một cú sốc đột ngột, Trung Quốc sẽ không có đủ USD để hỗ trợ đồng yuan, do đó, trong khi tăng cường thu hút vốn nước ngoài để hỗ trợ đồng yuan, Trung Quốc muốn chặn dòng chảy ngoại tệ ra khỏi nước”.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu tăng thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7/2018, đã có lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại nghiêm trọng hơn dự kiến. Điều đó sẽ thúc đẩy dòng chảy ngoại tệ ra khỏi Trung Quốc, giảm nguồn cung đồng USD trong hệ thống tài chính nước này.

Trung Quốc hiện có kho dự trữ ngoại hối ổn định ở mức 3.100 tỷ USD sau khi “đốt” gần 1.000 tỷ USD từ giữa năm 2014-2017 để bảo vệ đồng yuan. Hiện kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ bằng chưa đầy 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 48% của năm 2010.

Trong khi đó, nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng vọt lên mức kỷ lục 1.970 tỷ USD trong năm 2018. Tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lớn hơn 1,6 lần so với nợ nước ngoài, nhưng liệu có đủ để chi trả hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu trong 12 tháng?

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nợ doanh nghiệp của Trung Quốc bằng 155% GDP tính đến quý 2/2018. OECD nhận định con số này cao hơn rất nhiều các nền kinh tế lớn khác, do đó không bền vững. Để so sánh, nợ doanh nghiệp của Nhật bằng 100% GDP, trong khi con số của Mỹ chỉ là 74%.

“Bong bóng bất động sản” có thể sớm vỡ ở Hồng Kông

Giá nhà cao kỷ lục ở Hồng Kông đã làm một số nhà kinh tế e ngại rằng bong bóng bất động sản ở đặc khu này sẽ sớm vỡ.

Giá nhà đã lên đỉnh điểm cuối tuần rồi sau khi liên tục tăng trong suốt ba tháng qua. Số liệu của hãng Centaline nói giá nhà tại đây đã tăng 8,6% từ đầu năm đến nay.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã co cụm lại trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung, giờ đây các nhà phân tích nói rằng khả năng giá nhà suy giảm tại Hồng Kông ngày càng lớn. Số căn nhà cầm cố bị ngân hàng phát mãi ngày càng nhiều khiến khoảng 1/3 số cổ phiếu có tên trên thị trường Hang Seng Index được bán tháo trong tuần. Đây là “tín hiệu kỹ thuật” cho biết các tay chơi nhận thấy sự bấp bênh của thị trường bất động sản vốn được xem là ổn định tại Hồng Kông trong thời gian qua.

“Tâm lý nhà đầu tư sẽ trở nên e dè hơn trong nhiều tháng tới hoặc có thể trong giai đoạn lâu dài hơn. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục bị áp lực, nhất là khi không có bất cứ dấu hiệu gì là căng thẳng thương mại sẽ giảm, giá nhà sẽ đi xuống” - Tommy Wu thuộc hãng tư vấn Oxford Economics Ltd. tại Hồng Kông nhận định.

Giá trị chuyển nhượng bất động sản tại Hồng Kông trong 5 tháng đầu năm 2019 đã chạm đỉnh cao nhất kể từ năm 1997, với gần 45 tỷ USD từ nhà, chỗ đậu xe, cửa hàng, văn phòng - theo số liệu của Ricacorp Property Ltd.

Nhưng các nhà đầu tư e rằng cuộc chiến thương mại leo thang và thị trường chứng khoán trồi sụt không theo quy luật nào sẽ dừng các thỏa thuận mua bán, hệ quả là các vụ mua bán trong tháng 6 này sẽ giảm khoảng 40% so với tháng 5/2019.

Tâm lý bất ổn cũng ảnh hưởng đến các quý khác. Hãng tư vấn nổi danh Knight Frank nói rằng căng thẳng thương mại và chứng khoán bất định sẽ “đóng băng” thị trường nhà cửa và làm giá bất động sản giảm 5% trong quý 2 này. Thậm chí tệ hơn, Carmen Reinhart - nhà kinh tế học danh tiếng đang giảng dạy tại Harvard - cho rằng “bong bóng bất động sản có dấu hiệu sẽ bị vỡ sớm”.

“Vẫn có khả năng giá bất động sản sẽ tăng nếu nhu cầu vẫn mạnh và lãi suất mua nhà vẫn thấp. Tuy nhiên, tôi tin rằng khả năng tăng giá trong năm 2019 sẽ bị các yếu tố như kinh tế trì trệ, thất nghiệp và căng thẳng thương mại gia tăng” - Ines Lam, nhà kinh tế của hãng tư vấn CLSA nhận định.

Trong khi đó, giải pháp cho giá nhà quá cao là nguồn cung, theo nhận định của Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế chính của hãng Natixis SA.

“Chính quyền Hồng Kông có thể giải quyết, nhưng họ không muốn làm. Trong bất cứ trường hợp nào, thị trường sẽ tự quyết định bởi giá sẽ tăng trở lại sau khi đã trượt dốc và Trung Quốc sẽ siết chặt dòng vốn ra nước ngoài” - bà Herrero nói.

Ricky Hồ

Tường Quyên

  

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.