Thứ hai, 14/11/2022, 13:59 PM

Tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật chuyên ngành

Sáng nay, 14.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bảo đảm công khai, minh bạch trong định giá đất

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, dự thảo luật còn cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trong khi đây là dự luật phức tạp, phạm vi tác động rộng và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn một số nội dung chưa thống nhất với các quy định khác của luật liên quan, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề bất cập trong thực tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật về đất đai.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý đối với nội dung định giá đất, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu rõ, về giá phải thống nhất một mức giá theo quy định của giá nhà nước, bảo đảm sự công bằng, minh bạch; đồng thời cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này như thế nào.

Đại biểu cho rằng, định giá đất tiếp cận với giá thị trường là điều rất khó, cần phải quy định thể chế thật kỹ về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, cơ sở để tham khảo từ Hội đồng định giá để có định giá sát với giá thị trường. Đối với áp giá đền bù, đại biểu đánh giá cao cách tiếp cận đó là khi đền bù nhà cửa trên đất, đền bù theo đơn giá xây dựng mới, đồng thời nhấn mạnh đây là một cách tiếp cận rất tiến bộ và cần phát huy và quy định chặt chẽ trong luật nội dung này.

Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Cần thống nhất với các luật khác

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) nêu rõ, theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là “ngọn hải đăng” để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này. Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này, dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất và chỉ trên cơ sở đó mới bảo đảm được sự minh bạch, ổn định cho phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều luật có liên quan nên khi sửa đổi cần rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua, đi vào thực tiễn có thể phát huy ngay tác dụng. “Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ gặp lại bài học trong lịch sử vì Luật Đất đai có thể tốt nhưng các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai”, đại biểu nói.

Liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, đại biểu kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, cần có sự thống nhất giữa các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác.

Minh Trang

Bình luận

Nổi bật

Tuyên Quang: Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

Tuyên Quang: Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:17

(CL&CS) - Xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn ở Tuyên Quang là một chủ trương đúng đắn để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Dự thảo tiêu chuẩn đối với thiết bị gia dụng và nhà bếp

Dự thảo tiêu chuẩn đối với thiết bị gia dụng và nhà bếp

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 14:44

(CL&CS) - Trung Quốc thông báo dự thảo Tiêu chuẩn đối với thiết bị gia dụng và nhà bếp tương tự.

Nghiên cứu xây dựng 7 tiêu chuẩn quốc gia về kết cấu thép

Nghiên cứu xây dựng 7 tiêu chuẩn quốc gia về kết cấu thép

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 13:48

(CL&CS) - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) đang thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng 07 tiêu chuẩn quốc gia về kết cấu thép cho các đối tượng chuyên dụng theo định hướng mới.