Tin bất động sản hôm nay ngày 3/8: Bộ Tài chính nói gì về việc hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền?

(CL&CS) - Bộ Tài chính thông tin về việc hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền; Bắc Giang phê duyệt quy hoạch phân khu KCN Yên Lư (phần mở rộng); Yên Bái đầu tư 9.000 tỷ đồng triển khai 17 dự án giao thông trọng điểm; Xây dựng 5 khu nhà ở xã hội mới tại Hà Nội;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 3/8.

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền, Bộ Tài chính nói gì?

Ngày 3/8, Bộ Tài chính có thông báo liên quan tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP HCM) và hướng xử lý của cơ quan thuế trong trường hợp 2 doanh nghiệp này chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, ngày 7/7, Cục Thuế TP HCM đã có Công văn số 8076 gửi UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất.

 Theo công văn, Công ty Cổ phần Dream Republic, Công ty Cổ phần Sheen Mega không nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá để Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Đối với 20% số tiền do các Công ty đặt cọc đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất chuyển vào tài khoản của Chi cục Thuế TP Thủ Đức ngày 11/1/2022 và số tiền Cục Thuế thu được do trích từ tài khoản ngân hàng khi thực hiện cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế đối với nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp. Cục Thuế TP kiến nghị Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến báo cáo UBND TP để xử lý, chỉ đạo Cục Thuế thực hiện.

Hiện tại, Cục Thuế TP HCM đang chờ quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của UBND TP HCM để thu hồi Thông báo tiền sử dụng đất, Thông báo Lệ phí trước bạ và ý kiến chỉ đạo của UBND TP đối với khoản 20% tiền đặt cọc và số tiền Cục Thuế thu được do thực hiện biện pháp cưỡng chế trích từ tài khoản ngân hàng đối với khoản nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.

Bắc Giang: Phê duyệt quy hoạch phân khu KCN Yên Lư (phần mở rộng)

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) tại huyện Yên Dũng. Theo phê duyệt, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch tọa lạc trên địa bàn xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Phân khu Khu công nghiệp Yên Lư phần mở rộng quy mô khoảng 204 ha. Ảnh:  Báo Bắc Giang  

Về ranh giới, Khu công nghiệp Yên Lư giáp phần mở rộng giáp Khu công nghiệp Yên Lư ở phía Đông; giáp khu dân cư thôn Yên Hà ở phía Tây; giáp đất nông nghiệp và dân cư thôn Yên Thịnh, Yên Hà ở phía Nam; giáp dân cư thôn Tân Sơn 1, An Thái và hệ thống kênh nông nghiệp ở phía Bắc.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 204 ha. Khu công nghiệp Yên Lư là khu công nghiệp đa ngành, tập trung, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, có công nghệ kỹ thuật cao, đồng bộ và hiện đại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thân thiện với môi trường.

Dự án cần đầu tư xây dựng các hạng mục: Nhà xưởng sản xuất, thương mại dịch vụ, văn phòng; các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, đường giao thông, cấp điện, chiếu sáng, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải, ga rác, thông tin liên lạc...

Cũng theo quyết định phê duyệt, kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, thời gian hoàn thành lập đồ án không quá 9 tháng.

Yên Bái: Đầu tư 9.000 tỷ đồng triển khai 17 dự án giao thông trọng điểm

UBND tỉnh Yên Bái mới đây đã phê duyệt danh mục 26 dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025, mức vốn đầu tư dự kiến là 212.647 tỉ đồng.

Trong số 26 dự án được phê duyệt, có 17 dự án dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.998 tỉ đồng.

Để tập trung nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái thực hiện bám sát phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch tỉnh Yên Bái, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư…

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. Một số dự án trọng điểm khác cũng được chuẩn bị khởi công trong 6 tháng cuối năm 2022.

Một trong những dự án tiêu biểu là đoạn tuyến kết nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Tỉnh lộ 175) dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc.

Được khởi công từ ngày 23/6, dự án có tổng mức đầu tư là: 5.339 tỉ đồng (tương đương 235 triệu USD), bao gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200Km:

Tuyến 1 là tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 147Km với tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.

Tuyến 2 là tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 53Km với tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Bên cạnh đó, còn có Dự án Đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) có tổng mức đầu tư 420 tỉ đồng; do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng có quy mô đường cấp IV miền núi với tổng chiều dài 43,5km kết nối từ các huyện phía Tây sang phía Đông của tỉnh. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 11/2023.

Tuyến đường kết nối các huyện Tây Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tổng chiều dài khoảng 69km được khởi công xây dựng đầu năm 2022. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.900 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 6 năm.

Các công trình trọng điểm khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tiềm năng về du lịch, kinh tế của tỉnh Yên Bái, góp phần bảo tồn và phát huy thế mạnh tiềm năng khu vực; mở ra những cơ hội mới cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững của nhân dân các dân tộc

5 khu nhà ở xã hội mới tại Hà Nội sẽ được xây ở đâu?

Hà Nội định hướng làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 280ha tại 4 khu vực là: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín.

Thông tin này được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 1.8.

Cụ thể, tại Đông Anh có 2 khu, diện tích lần lượt 84ha và gần 100ha; Gia Lâm khoảng 55ha, còn lại Thanh Trì, Thường Tín - mỗi khu vực khoảng 4ha. TP Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 38.000 căn hộ, đảm bảo 2,3 triệu m2 sàn nhà ở.

Một khu nhà ở xã hội tại Đông Anh. Ảnh minh hoạ.  

Tại Hội nghị, ông Tuấn cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Giai đoạn 2016 - 2020, theo báo cáo của TP Hà Nội, đã có 25 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với diện tích 1,25 triệu m2 sàn; 52 dự án đang triển khai.

Giai đoạn 2021 - 2030, thành phố dự kiến có 113.000 căn hộ, vốn đầu tư xây dựng khoảng 12.500 tỉ đồng. Để thực hiện chương trình này, Phó Chủ tịch TP Hà Nội đặt ra 5 giải pháp.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, việc phát triển nhà ở xã hội hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán NƠXH còn kéo dài; việc xác định giá trước khi bán, cho thuê cũng mất thời gian dài thẩm định, nguồn vốn hạn hẹp…

Do vậy, để thực hiện mục tiêu đặt ra, Hà Nội cho rằng cần đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, đồng bộ; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Đồng thời kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư;

Khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.

An Nhiên (t/h)

Bình luận

Nổi bật

Tỉnh biên giới Lạng Sơn hướng tới năm 2030 sẽ có 17 đô thị các loại

Tỉnh biên giới Lạng Sơn hướng tới năm 2030 sẽ có 17 đô thị các loại

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:51

Theo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050, đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn mở rộng); 3 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V.

Chính phủ muốn trình Quốc hội để Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1/7

Chính phủ muốn trình Quốc hội để Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1/7

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:50

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1/7.

Nhà trong ngõ ở Hà Nội tăng giá chóng mặt

Nhà trong ngõ ở Hà Nội tăng giá chóng mặt

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:50

Mức giá của các căn nhà ở riêng lẻ đang được giao dịch gia tăng từ 5 - 15% so với cuối năm 2023, dù việc tăng giá còn có nhiều dấu hiệu bất thường nhưng lượng lớn sự quan tâm và giao dịch là thật. Dự báo trong thời gian tới, giá nhà trong ngõ cũng khó giảm khi nhu cầu gia tăng.