Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 19/02/2024, 14:52 PM

Tìm về nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương linh thiêng

(CL&CS) - Đền Hùng là điểm đến tâm linh có ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng người Việt. Đây là nơi thờ tự 18 đời Vua Hùng đã có công dựng nước, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, là điểm đến của tất cả người con Việt Nam.

Đền Hùng là nơi thờ cúng 18 đời Vua Hùng và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Xưa kia vùng đất này là kinh đô của nước Văn Lang, được bao bọc bởi hai dòng sông và những dãy núi non trùng điệp.

Theo các tài liệu khoa học, quần thể Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 – 979). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.

1

Đền Hùng là nơi thờ cúng 18 đời Vua Hùng và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha với 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, phân bố từ chân núi lên đến đỉnh núi, hài hòa với tổng thể cảnh quan hùng vĩ. Qua thời gian, nhiều di tích trong quần thể Đền Hùng đã được tôn tạo và xây dựng bổ sung nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, nghiêm trang.

Suốt hàng ngàn năm qua, Đền Hùng Phú Thọ là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt Nam với câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Hàng năm đến ngày này, hàng triệu người Việt Nam thuộc các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” lại nô nức về với đất Tổ để dâng hương tại Đền Hùng nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân đến Tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc và cầu mong bình an, sức khỏe cùng những điều tốt đẹp.

2

Hàng triệu người Việt Nam thuộc các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” nô nức về với đất Tổ để dâng hương tại Đền Hùng nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân đến Tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc và cầu mong bình an, sức khỏe cùng những điều tốt đẹp.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, Đền Hùng được xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, Đền Hùng là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này thể hiện hết sức cụ thể, sinh động thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng.

Năm 2012 tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ những giá trị độc đáo và riêng biệt. Đây là dấu mốc quan trọng và vinh dự to lớn không chỉ với người dân đất Tổ mà còn với cả dân tộc.

Chị Hoàng Ánh Tuyết, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Vào dịp đầu xuân hàng năm, cả gia đình tôi đi lễ Đền Hùng là việc làm đầu tiên cho năm mới. Đến đây tôi cảm nhận được sự linh thiêng của nơi này, và cảm giác như đang về với quê hương về với đất mẹ.

Đến Đền Hùng, từ chân núi Hùng lên đỉnh núi Hùng, du khách sẽ được tham quan, khám phá hệ thống các đền, chùa, lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng vừa trang nghiêm cổ kính vừa gần gũi, linh thiêng.

 Cổng đền

3

Cổng đền của Đền Hùng được xây dựng vào năm 1917, tức năm Khải Định thứ 2. Cổng có hình vòm cuốn cao 8,5m, bao gồm hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống.

Cổng đền của Đền Hùng được xây dựng vào năm 1917, tức năm Khải Định thứ 2. Cổng có hình vòm cuốn cao 8,5m, bao gồm hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống. 4 góc tầng mái trang trí hình Rồng và đắp nổi hai con Nghê. Giữa tầng 1 bức đại tự đề 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”, tạm dịch là “lên núi cao nhìn xa rộng”. Mặt sau cổng đền có đắp hai con hổ mang ý nghĩa là hiện thân của vật canh giữ thần.

 Đền Hạ 

Tương truyền Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Phía sau đền ngày nay vẫn còn dấu tích của giếng “Mắt Rồng” nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng khi xưa.

Đền Hạ được xây dựng khoảng thế kỷ XVII – XVIII trên nền đất cũ. Kiến trúc của đền theo hình chữ “nhị”, gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, nằm cách nhau 1,5m, mỗi tòa có 3 gian. Kiến trúc đền khá đơn sơ không có nhiều họa tiết mỹ thuật trang trí cầu kỳ.

Ngay chân đền là nhà bia hình lục giác có 6 mái. Bên trong mái lợp gạch bìa, bên ngoài láng xi măng. Trong nhà bia hiện nay đặt tấm bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác thăm Đền Hùng ngày 19/09/1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Nằm cạnh Đền Hạ là Thiên quang thiền tự, trước đây gọi là Sơn cảnh thừa long tự. Đây là chùa thờ Phật theo hệ phái Đại thừa. Trước sân chùa có tháp sư hình trụ cao 4 tầng thờ cúng các vị hòa thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Trong chùa còn có một gác chuông, ở đó treo quả chuông được đoán là đúc vào thời Hậu Lê.

Đền Trung

4

Đền Trung ở Đền Hùng còn gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tương truyền là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh và luận bàn việc nước cùng chư vị Lạc hầu, Lạc tướng.

Đền Trung ở Đền Hùng còn gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tương truyền là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh và luận bàn việc nước cùng chư vị Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu – vị hoàng tử đã làm ra bánh chưng bánh dày.

Đền có kiến trúc kiểu chữ “nhất” với 3 gian tường hồi bít đốc, không có cột kèo, mở 3 cửa trước nhìn về hướng Nam. Chiều dài 7,2m, chiều rộng 3,7m, phần mái hiên cao 1,8m.

Đền Thượng

Đền Thượng là đền cao nhất trong quần thể Đền Hùng, nằm trên đỉnh núi, có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện (Điện cầu trời) hoặc Cửu trùng thiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng khi xưa đây là nơi các vua Hùng tổ chức lễ tế trời đất và thần lúa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Đồng thời, đây cũng là nơi gắn với sự tích Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh thắng giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng dẹp giặc và bay về trời, vua cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi. Về sau, nhân dân đặt bài vị vua Hùng vào để thờ cúng.

Kiến trúc đền Thượng theo kiểu chữ “vương”, trang trí đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ và gồm có 4 cấp: cấp I – nhà chuông trống, cấp II – đại bái, cấp III – tiền tế và cấp IV – hậu cung.

Bên trái đền có một cột đá thề hình vuông, cao 1,3m, rộng 0,3m. Tương truyền cột đá này do An Dương Vương Thục Phán dựng lên để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời trông nom miếu vũ họ Vương khi được Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi.

Phía đông Đền Thượng Đền Hùng là Lăng Hùng Vương có địa thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt hướng về phía Đông Nam. Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6. Ban đầu đây là mộ đất, đến năm Tự Đức thứ 27 (1870) được xây mộ dựng lăng và trùng tu lại vào năm Khải Định thứ 7 (1922).

5

Đền Thượng là đền cao nhất trong quần thể Đền Hùng, nằm trên đỉnh núi, có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện (Điện cầu trời) hoặc Cửu trùng thiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng khi xưa đây là nơi các vua Hùng tổ chức lễ tế trời đất và thần lúa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Đền Giếng

Đền Giếng ở Đền Hùng có tên chữ là Ngọc Tỉnh, tương truyền là nơi hai vị công chúa của Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc. Hai bà có công lớn trong việc dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được lập đền thờ phụng muôn đời tại đây.

Đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ “công”, mặt hướng về phía Đông Nam với ba nhà: tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian). Nhà tiền bái và nhà hậu cung được nối liền bởi phương đình. Ngoài ra, cổng đền có kiểu cách gần giống cổng chính nhưng nhỏ hơn và thấp hơn.

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Đề xuất in mã QR lên mẫu sổ hồng, sổ đỏ mới để chống nạn làm giả giấy tờ

Đề xuất in mã QR lên mẫu sổ hồng, sổ đỏ mới để chống nạn làm giả giấy tờ

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 21:51

Đề xuất trên được nêu trong dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính.

Người anh hùng dân tộc Tày hy sinh thân mình làm giá súng, góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’

Người anh hùng dân tộc Tày hy sinh thân mình làm giá súng, góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 21:44

Với những chiến công của mình, anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì vào năm 1955

Cận cảnh nhiều tuyến đường cao tốc, đường trên cao, cầu đường rung lắc mạnh, giao thông tê liệt trước trận động đất có độ mạnh ngang 32 quả bom nguyên tử

Cận cảnh nhiều tuyến đường cao tốc, đường trên cao, cầu đường rung lắc mạnh, giao thông tê liệt trước trận động đất có độ mạnh ngang 32 quả bom nguyên tử

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 21:43

Cùng lúc đó, các tòa nhà cao tầng xung quanh rung lắc đổ bụi xuống phía dưới, có tòa đổ sập, có tòa nghiêng ngả.