Dữ liệu cũ
Thứ hai, 21/01/2019, 07:53 AM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm bảo tàng lịch sử Quốc gia và dự Triển lãm về Sâm Ngọc Linh

(NTD) - Ngày 20/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam và dự Triển lãm di sản văn hoá - Sâm Ngọc Linh Kon Tum “ Báu vật đại ngàn”.

Triển lãm "Di sản Văn hóa - Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” chính thức khai mạc sáng 20/1, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về cây sâm Ngọc Linh - loài dược liệu quý hiếm của Kon Tum được ra mắt người dân Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương dự triển lãm.

Thủ tướng đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ VHTT& DL và UBND tỉnh Kon Tum trong việc đưa di sản văn hóa tiêu biểu của Kon Tum cùng sản vật tinh hoa - Sâm Ngọc Linh, một quốc bảo của Việt Nam, ra trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2019.

Đây là hoạt động có ý nghĩa, bước đi quan trọng và kịp thời nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum. Đó là tập trung huy động nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành trong và ngoài nước để tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu di sản lịch sử văn hóa của tỉnh, đặc biệt là cây Sâm Ngọc Linh Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum và khu vực miền Trung, Tây Nguyên theo chủ trương ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta.

Theo Thủ tướng, Kon Tum là xứ sở của đại ngàn, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có vị trí địa chính trị quan trọng của vùng đất cao nguyên năng động, giàu tiềm năng, một bộ phận cấu thành của Tây Nguyên và Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum vẫn còn gìn giữ được không gian văn hóa cồng chiêng, gìn giữ được cả hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… rất đa dạng và phong phú, tiếp tục duy trì, truyền nối các thế hệ. Việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của các di sản tỉnh Kon Tum là một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh quan trọng, cấp bách và lâu dài mà Đảng, Nhà nước gửi gắm cho cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum, đồng bào Tây Nguyên và các thiết chế văn hóa, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

NQH_9255[1]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ đánh giá cao việc lựa chọn địa điểm Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để tổ chức sự kiện di sản văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn

Kon Tum không chỉ giàu bản sắc văn hóa mà còn phong phú về tài nguyên thiên nhiên, là nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm, đặc biệt là sản vật Sâm Ngọc Linh, một trong những dược liệu quý, đặc hữu của Việt Nam, một trong những loài sâm tốt nhất thế giới, ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn đồng thời là cơ hội để khẳng định bản sắc, tinh thần dân tộc chúng ta trong kỷ nguyên hội nhập, toàn cầu hóa ở các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành dược liệu Việt Nam giàu truyền thống, đậm chất di sản với cả nghìn năm lịch sử. Thủ tướng tin tưởng rằng giá trị văn hóa đặc sắc, sự trù phù của vùng đất, sự ưu ái của thiên nhiên là thế mạnh để tương lai gần Kon Tum sẽ trở thành một điểm sáng về sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Triển lãm này là cơ hội tốt để giới thiệu về lịch sử văn hóa, thiên nhiên của Kon Tum thông qua các tài liệu, hiện vật giá trị nhưng chưa được khai thác, phát huy và chưa được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến.

Để sâm Ngọc Linh, từ 1 quốc bảo trở thành quốc kế dân sinh, chúng ta cần xây dựng chiến lược tổng thể, làm tốt ở tất cả các khía cạnh, thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, qua đó Sâm Ngọc Linh có thể đem lại những giá trị độc đáo cho hình ảnh của quốc gia như sâm Hàn Quốc và trở thành một yếu tố hấp dẫn du lịch. Điều chắc chắn rằng Sâm Ngọc Linh và những chế phẩm của nó hoàn toàn có thể và cần thiết vươn ra thị trường thế giới không kém gì sâm Nhật Bản, sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc…

Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao việc lựa chọn địa điểm Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để tổ chức sự kiện di sản văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn. Triển lãm bước đầu thể hiện được sự đổi mới hoạt động của bảo tàng với nội dung và hình thức sinh động kết hợp ứng dụng công nghệ mới, tạo được tính hấp dẫn và có khả năng thu hút khách tham quan.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa, lịch sử và cội nguồn thiêng liêng của cả dân tộc. Đây cũng là nơi bạn bè quốc tế, từ những vị nguyên thủ, chính khách cấp cao cho tới những doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người, đất nước Việt Nam. Trong khi đó, sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng cho chúng ta, do đó chúng ta có sứ mệnh lớn lao phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho doanh nghiệp, cho đất nước.

Thủ tướng bày tỏ, không có nơi nào đắc địa hơn Bảo tàng quốc gia để tổ chức sự kiện ngày hôm nay, không có nơi nào đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc xen lẫn niềm tự hào thiêng liêng về cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc 4.000 năm văn hiến như tòa nhà bảo tàng quốc gia này, để trên nền đó, chúng ta tôn vinh 1 sản phẩm được gọi là quốc bảo là cây Sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng lưu ý rằng bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ những giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc, mà còn là yếu tố làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn, bản sắc của thành phố. Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL cần chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế, trực tiếp đóng góp vào phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Tôi còn trăn trở muốn chia sẻ với đồng bào, đồng chí: Tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta? Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”, Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, chúng ta cần có ý thức về tầm quan trọng của việc xây dựng sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

“Muốn học sinh, sinh viên chúng ta yêu lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Đó là điều đầu tiên phải làm và đây không phải là trách nhiệm đơn phương của ngành giáo dục, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của Bộ VHTT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Hà Nội, của ngành điện ảnh và của chính Bảo tàng chúng ta”, Thủ tướng nói.

Minh Anh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.