Thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác

(CL&CS) - Ngày 12/7/2024, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Phi - Trung Đông với chủ đề Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông.

Gia tăng nhập khẩu sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp với trực tuyến trên nền tảng Zoom Webinar, với sự tham gia trao đổi của các diễn giả là đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út, đại diện Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech, cùng sự tham dự của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

z5626730363409_18ead77be874851834d1989436e6e43d

Quang cảnh hội thảo

Hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin, tập quán kinh doanh, chính sách thương mại những tiêu chuẩn, quy định chỉnh sửa và cập nhật của từng mặt hàng tiềm năng khi giao thương tại thị trường châu Phi - Trung Đông.

Thông tin về thị trường sản phẩm công nghiệp Halal tại khu vực châu Phi - Trung Đông, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, đây là một thị trường có tiềm năng to lớn cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.

Theo thống kê, tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu năm 2022 khoảng 2.300 tỷ USD. Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm khoảng 1.400 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên OIC là 444,7 tỷ USD. Những sản phẩm Halal được trao đổi chủ yếu gồm: Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang... 

Về thị trường, bên cạnh các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn ở Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia hay các nước khác như Bangladesh, Ai Cập thì các nước khu vực châu Phi - Trung Đông như Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE),... cũng là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm Halal.

Mặt khác, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của các nước Trung Đông - Châu Phi kém phát triển, rất nhiều sản phẩm chế biến phục vụ nhu cầu của người dân khu vực này chủ yếu từ nguồn nhập khẩu.

Do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, châu Âu... gia tăng nhập khẩu sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Một điểm nữa là so với mặt bằng chung giá cả sản phẩm thông thường thì giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5-10% và những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này. 

Các doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn Halal

Trước tình hình thực tế khi xung đột tại Biển Đỏ vẫn đang gia tăng, Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu thị trường, quy định sở tại về quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán. Doanh nghiệp nên tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang địa bàn mang theo hàng mẫu, hàng dùng thử quảng bá, kết nối trực tiếp, dùng sản phẩm của doanh nghiệp làm quà tặng đối ngoại.

Bên cạnh đó, xu thế hiện nay, Ả Rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Tiềm năng thị trường sản phẩm Halal là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập thành công và cạnh tranh được với các nguồn cung đối thủ khác tại khu vực châu Phi - Trung Đông, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt những tập quán kinh doanh, quy định thị trường.

Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ Nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út cho biết, do khó khăn trong trồng trọt canh tác nông nghiệp nên Ả Rập Xê-út có nhu cầu nhập khẩu trên 90% các loại hàng hóa như:  gạo, các loại rau, củ, quả tươi, các loại hạt, gia vị; hàng thủy sản tươi và đóng hộp... Các sản phẩm khác trong lĩnh vực xây dựng, dệt may, phụ tùng thay thế cho các phương tiện vận tải, nội thất, than củi, trầm hương,.... cũng có nhu cầu lớn.

Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech, ông Lê Châu Hải Vũ, nhấn mạnh, điều đầu tiên khi doanh nghiệp muốn khai thác thị trường sản phẩm Halal đó là cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm sản phẩm Halal và thị trường các sản phẩm này (tìm hiểu kỹ về xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh...).

Khi xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal cho thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn Halal. Bên cạnh đó cần đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing bài bản, phù hợp với thị trường...

Halal không chỉ đơn thuần liên quan đến sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn và việc giết mổ theo nghi lễ Hồi giáo. Phạm vi của Halal rộng hơn, nhấn mạnh tính trong sạch của sản phẩm, gần nhất với trạng thái tự nhiên của chúng.

Quy mô thị trường sản phẩm Halal là rất lớn, không chỉ khu vực Trung Đông mà cả Nam Á, Tây Á, Châu Phi, hay một số nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Halal này...

Với nhiều tiềm năng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, thâm nhập và mở rộng hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu phải đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên để thâm nhập vào thị trường sản phẩm Halal, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của halal, và phải được chứng nhận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal, TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi thông tin.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Nam Định: Thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp

Nam Định: Thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ ba, 17/09/2024, 14:32

(CL&CS)- Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 9/3/2023 về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2030.

Dòng vốn FDI đang tìm về bất động sản

Dòng vốn FDI đang tìm về bất động sản

sự kiện🞄Thứ ba, 17/09/2024, 14:25

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 5 năm qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, lực đẩy từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đã tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản.

Nhà đầu tư tiếp tục đi săn đất nền

Nhà đầu tư tiếp tục đi săn đất nền

sự kiện🞄Thứ ba, 17/09/2024, 14:24

Với quan niệm từ xa xưa “tấc đất tấc vàng” nên nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam còn khá nhiều. Mục đích sử dụng có thể để ở, để đầu tư hoặc là một phần để cho con cháu sau này. Khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư bắt đầu tham gia thị trường.