Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19
(NTD) - Ngày 22/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã họp bàn xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, UBND TPHCM, UBND thành phố Hà Nội,...
Tại cuộc họp, theo các đại biểu, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vấn đề cho học sinh, sinh viên đi học hay nghỉ học rất quan trọng. Do diễn biến dịch bệnh ở ngoài nước rất phức tạp, dư luận lại đặc biệt quan tâm, do đó các địa phương trong cả nước quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP |
Căn cứ vào tình hình phòng chống dịch bệnh trong nước, công tác bảo đảm các điều kiện an toàn trường học, xem xét các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm các nước có điều kiện tương đồng,… quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương là phải thực hiện đồng bộ 2 mũi “giáp công” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân,… các ý kiến cho rằng bây giờ, đã đến lúc xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Các ý kiến đều thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, công an, quân đội… mà của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho đến từng người dân. Phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là câu chuyện của các địa phương hay tại Việt Nam mà có tính chất toàn cầu. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có chỉ đạo rất kịp thời ngay từ đầu.
Phó Thủ tướng khẳng định: Đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ kiểm soát những người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19. Đặc biệt chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông cho toàn xã hội biết nguy cơ dịch bệnh này để mọi người dân cùng biết biết bảo vệ sức khoẻ của mình, tham gia chống dịch với tinh thần “hết sức thận trọng nhưng không quá lo sợ”.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở các nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành y tế và các bộ ngành, “không lúc nào được chủ quan, lơi lỏng”.
Trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, Phó Thủ tướng lưu ý các cháu học sinh, nhất là trẻ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chưa có đủ kiến thức, hiểu biết để gìn giữ đúng vệ sinh trong điều kiện có dịch. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương đã căn cứ vào điều kiện thực tiễn để điều chỉnh lịch học của học sinh nhưng vẫn đảm bảo theo khung chương trình năm học do Bộ GD&ĐT ban hành là cần thiết. Đồng thời nhiều giải pháp tăng cường bảo đảm môi trường vệ sinh an toàn trong trường học đã được thực hiện. Đơn cử như hướng dẫn dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng, lau rửa trường lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập rất tỉ mỉ; hướng dẫn phụ huynh, giáo viên theo dõi sức khoẻ học sinh khi ở nhà cũng như khi đến trường… Các bộ ngành cũng đã có những nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước vẫn tổ chức cho học sinh đi học trong điều kiện có dịch,
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Hiện nay, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng thì việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020. Trường hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không quyết định thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện yêu cầu chuyên môn nhằm bảo đảm trường lớp vệ sinh, an toàn một cách rất chi tiết như bố trí chỗ rửa tay ở đâu; lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang thế nào, ai lau; quy định cụ thể những người được ra, vào trường trong điều kiện có dịch.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước. Bởi trụ sở cơ quan nhà nước còn có những người không rõ lai lịch đến làm việc còn trong trường học chúng ta biết rõ từng học sinh, từng giáo viên. Các cháu học sinh được hướng dẫn biện pháp giữ vệ sinh cá nhân. Hàng ngày, phụ huynh, giáo viên, y tế trường học kết hợp với y tế cơ sở kiểm tra, nắm sát tình hình sức khoẻ của mỗi học sinh ở nhà cũng như khi đến trường. Làm được như vậy, phụ huynh và xã hội sẽ yên tâm.
Ngành giáo dục thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, các diễn đàn giáo dục… để hướng dẫn cụ thể đến phụ huynh, học sinh từ nhà đến trường giữ vệ sinh thế nào, vào trường thì làm những gì. Qua đó thăm dò, tiếp thu các ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh để có các giải pháp thật cụ thể, đồng thuận thực hiện. “Các đồng chí phải làm thật chứ không phải đề ra trên giấy để bảo đảm vệ sinh trường học”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nhất là về công tác kiểm soát đối tượng có nguy cơ, phát hiện, cách ly ngay người nhiễm COVID-19, tập trung điều trị theo mô hình phân tán, sử dụng công nghệ thông tin kết nối tất cả các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ đến tận y tế tuyến huyện. Bảo đảm những trường hợp nhiễm COVID-19 đều được chữa khỏi. Những trường hợp có nguy cơ đều được cách ly.
“Chúng ta phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ý thức được nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, quan trọng là biết đúng những biện pháp để phòng bệnh cho mình và tham gia vào chống dịch trong sinh hoạt tại nhà, trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người, nơi làm việc. Không chủ quan nhưng cũng không hoảng sợ một cách vô lý”, Phó Thủ tướng nói./.
Hoàng Hiệp
Bình luận
Nổi bật
Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động
sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09
Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.
Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải
sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57
Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.
Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời
sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00
(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.