Thứ ba, 31/12/2024, 13:24 PM

Phát triển xanh bền vững: Động lực mới cho ngành bán lẻ

(CL&CS) - Xu hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội cho ngành bán lẻ hiện đại hóa mô hình kinh doanh, xanh hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Xu hướng tiêu dùng xanh đang được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Mai Trang

Xu hướng tiêu dùng xanh đang được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Mai Trang

Nhiều tiềm năng

Ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, mở ra nhiều cơ hội triển vọng cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Nielsen, Việt Nam đứng thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư cao nhất trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Trong vòng 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng hàng đầu khu vực.

Thị trường bán lẻ đang hưởng lợi từ nhiều yếu tố, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và sự chuyển đổi nhanh chóng sang các kênh mua sắm hiện đại.

Theo ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi các công ty đa quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng, sự phát triển này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số mà còn đưa ngành bán lẻ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang mở ra những cơ hội to lớn cho ngành bán lẻ. Bởi lĩnh vực bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn thông qua áp dụng công nghệ phát thải thấp, công nghệ sạch và hiện đại hóa chuỗi cung ứng.

Thương mại điện tử nổi lên như một động lực quan trọng, thúc đẩy doanh thu bán lẻ và hiện đại hóa hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Ông Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực châu Á và đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ bán lẻ toàn cầu. Dự kiến, đến năm 2025, 10% tổng doanh thu bán lẻ sẽ đến từ thương mại điện tử, tạo nên hành trình mua sắm đa kênh, nơi ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng ngày càng mờ nhạt.

Doanh nghiệp cần ưu tiên chuyển đổi số, sản xuất xanh

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, giảm phát thải và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải đổi mới mô hình kinh doanh. Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hay còn gọi là “chuyển đổi kép” - không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí mà còn đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.

Công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán nhận thức, và các ứng dụng dự đoán hành vi tiêu dùng, đang hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo Fortune Business Insights, quy mô thị trường AI trong ngành bán lẻ toàn cầu dự kiến tăng từ 9,36 tỷ USD năm 2024 lên 85,07 tỷ USD vào năm 2032, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) nhấn mạnh, ngành bán lẻ cần chú trọng vào trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong nước phát triển. Thêm đó, hoàn thiện khung pháp lý, phát triển dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử.

Đồng thời, doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung vào phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; chuyển đổi số hỗ trợ hoạt động tìm kiếm thông tin với sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp uy tín, quy trình quản lý, vận hành, sản xuất, kết nối dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả. Hơn nữa, doanh nghiệp cam kết ưu tiên sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường; chủ động thiết lập nhiều nguồn cung ứng thay thế để bảo đảm tính bền vững và giảm rủi ro từ tính độc quyền hoặc khan hiếm của nguồn nguyên liệu.

Theo đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các mục tiêu cụ thể được đặt ra nhằm nâng cao nhận thức và đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào kinh tế tuần hoàn.

Để đạt được điều đó, các giải pháp bao gồm tăng cường đối thoại công-tư về phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời tìm hiểu nhu cầu và vấn đề của doanh nghiệp để có các giải pháp và hỗ trợ phù hợp, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý rằng năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành bán lẻ, khi các xu hướng bền vững, xanh hóa và số hóa sẽ định hình lại toàn bộ thị trường. Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), cải tiến hệ thống logistics và xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững để tận dụng tối đa các cơ hội mà thị trường mang lại.

Tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam không chỉ nằm ở tốc độ tăng trưởng mà còn phụ thuộc vào sự đổi mới và khả năng đáp ứng các yêu cầu của một thị trường ngày càng xanh, bền vững và hiện đại.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển xanh bền vững: Động lực mới cho ngành bán lẻ

Phát triển xanh bền vững: Động lực mới cho ngành bán lẻ

sự kiện🞄Thứ ba, 31/12/2024, 13:24

(CL&CS) - Xu hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội cho ngành bán lẻ hiện đại hóa mô hình kinh doanh, xanh hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Phấn đấu thu ngân sách vượt 15% dự toán

Phấn đấu thu ngân sách vượt 15% dự toán

sự kiện🞄Thứ hai, 30/12/2024, 08:42

(CL&CS) - Trong những ngày nước rút thu ngân sách của năm tài chính 2024, ngành Tài chính chỉ đạo các cơ quan hành thu tích cực rà soát, đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thủ tướng tin tưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2025

Thủ tướng tin tưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2025

sự kiện🞄Thứ hai, 30/12/2024, 08:42

(CL&CS) - Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2024 đã về đích 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, vượt trội so với năm 2023 khi chỉ đạt 14/15 chỉ tiêu, góp phần lớn vào thành tích chung của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả nổi bật này và tin tưởng ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển để đạt mục tiêu GDP nông nghiệp từ 3,5-4% trong năm tới.