Phát triển công nghệ cao trong kỷ nguyên vươn mình
(CL&CS) - Việt Nam đang bước kỷ nguyên vươn mình, công nghệ cao đóng vai trò then chốt trong quá trình này, tạo nền tảng cho mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và cải thiện vị thế kinh tế quốc gia.
Vai trò của công nghệ cao trong chuyển đổi kinh tế
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên của sự đổi mới khi chuyển dịch từ mô hình kinh tế dựa vào nguồn lực truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào sáng tạo và công nghệ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt chuẩn công nghiệp hóa có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong bối cảnh đó, công nghệ cao được định nghĩa theo Luật Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng nghiên cứu khoa học và phát triển hiện đại, tích hợp những thành tựu khoa học tiên tiến đã và đang khẳng định vai trò của mình như một yếu tố then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động, đổi mới sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng vượt trội.
![3](https://i.ex-cdn.com/chatluongvacuocsong.vn/files/content/2025/02/10/3-1505.jpg)
Công nghệ cao dần thay thế các phương pháp sản xuất truyền thống, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng công nghệ cao giúp thay đổi căn bản các quy trình sản xuất, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Công nghệ cao không chỉ mang lại những cải tiến về hiệu suất mà còn tạo ra các sản phẩm có chất lượng vượt trội, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ cao đã mở ra nhiều hướng đi mới cho doanh nghiệp, từ việc tự động hóa sản xuất cho đến chuyển đổi số các phần mềm quản lý. Những cải tiến này không chỉ giảm thiểu sai sót mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tạo ra những bước tiến vượt bậc trong hoạt động kinh doanh.
Điển hình là ngành may mặc khi áp dụng máy móc tự động. Trong quá trình sản xuất, đường may được lập trình sẵn giúp máy móc hoạt động chính xác, giảm thiểu sự can thiệp của con người và hạn chế sai sót.
Ông Vũ Văn Thành - Giám đốc điều hành Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà hiện có 700 lao động. Với 100% thiết bị điện tử tự động và việc chuyển đổi số các phần mềm quản lý, năng suất lao động đã tăng 30-40% so với trước đây, giúp nâng cao đời sống người lao động".
Những cải tiến này cho thấy ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn tạo ra môi trường làm việc hiện đại, an toàn và thân thiện hơn cho người lao động.
Công nghệ cao cũng được ứng dụng hiệu quả trong ngành chế biến thủy sản. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong (Quảng Ngãi) đã tiên phong đầu tư hệ thống máy lạnh hầm đông hiện đại. So với hệ thống cũ, hệ thống mới cho ra sản phẩm cao hơn – từ 64 tấn lên 100 tấn trong 80 giờ hoạt động – tăng gấp 1,56 lần sản lượng. Ngoài ra, thiết bị mới giúp tiết kiệm tới 69% điện năng sử dụng và rút ngắn thời gian cấp đông từ 10 xuống 8 giờ mỗi mẻ, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 30% cho mỗi đơn vị sản phẩm.
Với ngành phân bón, Công ty Cổ phần phân bón Lam Sơn (Thanh Hóa), chuyên sản xuất phân bón hữu cơ, đã nhận thức được vai trò của công nghệ trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp này hàng năm đầu tư một khoản kinh phí lớn cho nghiên cứu và cải tiến máy móc kỹ thuật, nhằm đảm bảo sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ. Việc ứng dụng công nghệ cao ở đây giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường.
Đối với ngành xây dựng và gia công kim loại, Công ty TNHH xây dựng – sản xuất và thương mại Phước An (Quảng Ngãi) đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cắt ống kim loại tiên tiến. Sử dụng máy cắt ống Laser FLT6016L, doanh nghiệp này có khả năng gia công khoảng 270 tấn sản phẩm inox mỗi năm cho công đoạn cắt ống. So với hệ thống cũ, hệ thống mới giúp giảm tổng chi phí đầu tư đến 8,7% và mang lại lợi nhuận sau đầu tư đạt 68,7%. Sản phẩm ra đời không những đạt độ chính xác cao, đẹp mắt và đồng bộ mà còn góp phần rút ngắn thời gian sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động.
Trong lĩnh vực nhựa, các doanh nghiệp cũng không ngừng đổi mới và đầu tư vào công nghệ. Công ty Cổ phần An Tiến Industries (Yên Bái) là ví dụ điển hình với hai nhà máy hiện đại, có năng lực sản xuất lên đến 96.000 tấn sản phẩm phụ gia nhựa và 150.000 tấn bột đá mỗi năm. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ hai mỏ đá lớn tại Mông Sơn và Lục Yên, tỉnh Yên Bái – những nguồn có chất lượng cao với hàm lượng CaCO3 trên 98% và độ trắng sáng ổn định.
Theo ông Ngô Văn Thụ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An Tiến Industries, nhu cầu thị trường về nguyên liệu đã thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư công nghệ với giá trị hàng chục tỷ đồng, đặc biệt là đầu tư vào hệ thống máy nghiền mới để tối ưu hóa sản xuất và đa dạng hóa dòng sản phẩm cao cấp.
Không chỉ dừng lại ở các ngành công nghiệp truyền thống, công nghệ cao còn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp thông minh với hệ thống tưới tiêu tự động, cảm biến theo dõi môi trường và ứng dụng các giải pháp canh tác chính xác đang giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.
Giải pháp chiến lược phát triển công nghệ cao
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ cao, Việt Nam cần có các giải pháp chiến lược cụ thể. Theo chuyên gia Nguyễn Minh Anh từ Đại học Kinh tế Quốc dân, để công nghệ cao trở thành động lực phát triển kinh tế bền vững, cần tập trung vào bốn giải pháp chính:
Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và thậm chí quyết định công nghệ cao trong việc cải thiện vị thế quốc gia trong dài hạn và bối cảnh phát triển mới. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông hiệu quả về công nghệ cao để huy động lớn nhất mối quan tâm và nỗ lực liên tục phát triển tất cả các hướng công nghệ cao.
Thứ hai, cần có hệ sinh thái phát triển công nghệ cao trên cơ sở đề án và Luật Công nghệ cao cũng như các quy định khác có liên quan. Đầu tư nhiều hơn vào công nghệ cao và có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hiệu quả công nghệ cao. Phát triển thị trường công nghệ cao gắn với mô hình hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cao hoặc liên doanh quốc tế phù hợp.
Thứ ba, coi trọng phát triển đội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, coi trọng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và xây dựng chuỗi sản phẩm công nghệ cao, kết nối trung tâm công nghệ cao trong nước và quốc tế và có giải pháp rút ngắn khoảng cách phát triển, thậm chí sáng tạo mô hình phát triển mới hiệu quả và bắt kịp xu hướng thế giới.
Thứ tư, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cao cần có chiến lược đầu tư làm chủ và phát triển công nghệ cao quyết liệt. Cần có chính sách doanh nghiệp phát triển công nghệ này hiệu quả và quyết liệt. Cần coi trọng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đạt đỉnh cao của công nghệ trong giai đoạn phát triển mới. Tích cực chủ động học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn tốt để áp dụng thích hợp vào từng lĩnh vực công nghệ cao phù hợp.
Theo các chuyên gia, trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nắm bắt xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), sản xuất thông minh và các giải pháp công nghiệp xanh. Sự đổi mới liên tục này sẽ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, từ đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
![4](https://i.ex-cdn.com/chatluongvacuocsong.vn/files/content/2025/02/10/4-1506.jpeg)
Công nghệ cao cần được ứng dụng rộng rãi đồng bộ các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.
Bên cạnh đó, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được hỗ trợ để tiếp cận các công nghệ tiên tiến. Sự hỗ trợ từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, kết nối với các trung tâm nghiên cứu và mạng lưới hợp tác toàn cầu sẽ tạo ra một hệ sinh thái công nghệ cao toàn diện, giúp chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Nếu các giải pháp trên được thực hiện hiệu quả, Việt Nam sẽ không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo ra môi trường phát triển bền vững, mở đường cho những bước tiến quan trọng trên con đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo VietQ.vn
Bình luận
Nổi bật
Phát triển công nghệ cao trong kỷ nguyên vươn mình
sự kiện🞄Thứ ba, 11/02/2025, 08:27
(CL&CS) - Việt Nam đang bước kỷ nguyên vươn mình, công nghệ cao đóng vai trò then chốt trong quá trình này, tạo nền tảng cho mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và cải thiện vị thế kinh tế quốc gia.
Nhiều trường đại học bỏ phương án xét tuyển học bạ
sự kiện🞄Thứ ba, 11/02/2025, 08:27
(CL&CS)- Năm 2025, hàng loạt đề án tuyển sinh của khối đào tạo sư phạm đã bỏ phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT.
Hà Nội: Quận Nam Từ Liêm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
sự kiện🞄Thứ ba, 11/02/2025, 08:25
(CL&CS)- Sáng 10/2, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại Công viên hồ Phùng Khoang
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.