Phát triển cây thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP ở Sốp Cộp cho năng suất cao
(CL&CS) - Thanh long là một trong những loại cây ăn quả phổ biến và đem đến giá trị kinh tế cao ở nước ta. Nhằm giúp cây thanh long tăng sản lượng và chất lượng tốt, năng suất cao, bà con nhân dân ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp đã áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long trong những thời gian vừa qua.
Hiện nay, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã có trên 15 ha cây thanh long ruột đỏ, trong đó hơn 9,7 ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng năm 2023 đạt hơn 80 tấn quả. Sản phẩm bán với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg.
Phát triển cây thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP ở Sốp Cộp cho năng suất cao
Thanh long là loại cây dễ trồng, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón; chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều. Nếu thường xuyên tỉa cành, bón phân hợp lý, tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 15-20 năm. Từ năm thứ 2 sau khi cho quả bói, năng suất quả tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước. Thanh long chính vụ thu hoạch kéo dài 6 tháng, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 11. Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Sốp Cộp còn áp dụng kỹ thuật cho quả trái vụ, tránh áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, tăng giá trị sản phẩm.
Chị Hoàng Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, cây thanh long là cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp với khí hậu, đất đai tại địa phương. Hiện nay, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ các hộ trồng, chăm sóc thanh long theo quy trình VietGAP. Đồng thời, đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Là người tiên phong trồng thanh long ở xã Sốp Cộp, năm 2018, qua giới thiệu của người thân, anh Tòng Văn Thiên, bản Ban, xã Sốp Cộp, tìm đến các vườn thanh long tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Anh Thiên cho biết: Ban đầu tôi trồng 80 gốc thanh long trên diện tích 1.000 m2 trước đây trồng lúa năng suất thấp. Sau đó đã trồng thêm 100 gốc. Thời điểm này, tôi thu hái từ 2-3 tạ thanh long mỗi đợt, thương lái thu mua tại vườn từ 20-25 nghìn đồng/kg. Năm nay, ước tính thu hoạch trên 4 tấn quả. Các thành viên trong gia đình đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long tại các hội chợ, trên mạng xã hội như Facebook, Zalo và tiêu thụ ở nhiều nơi, như: Hà Nội, Hà Nam, thành phố Sơn La...
Gần 6 năm gắn bó với loại cây trồng này, theo anh Thiên, trồng thanh long chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, không tốn nhiều công chăm sóc. Nên trồng cây vào tháng 3 dương lịch; sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây 4 lần/năm, sau khi trồng làm sạch cỏ, tránh phun thuốc vào cây và xung quanh rễ. Sau những đợt mưa nhiều, tỉa bỏ các cành bị đốm hoặc thối để cây phát triển tốt.
Chị Hoàng Thị Thuận, bản Huổi Khăng, xã Sốp Cộp, là hộ có diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ nhiều nhất xã với hơn 1 ha. Năm 2020, chị Thuận tự tìm hiểu đặt mua trên mạng 200 cành giống thanh long ruột đỏ tại tỉnh An Giang. Chị trồng thử nhưng không phù hợp với khí hậu, đất đai nên quả nhỏ, nhiều cành có hoa nhưng không có quả. Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp giới thiệu đi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả tại huyện Thuận Châu và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chị Thuận phá bỏ diện tích thanh long không hiệu quả và trồng thay thế bằng giống mới. Năm 2023, gia đình chị thu hoạch trên 16 tấn quả, giá bán bình quân từ 20-25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, chị Thuận nói: Sau khi thu hoạch xong 1 lứa quả, cần cắt bỏ những nhánh thanh long già không còn khả năng cho quả để cây tập trung dinh dưỡng cho những nhánh khỏe mạnh và làm thông thoáng cho cây tiếp thu ánh sáng. Thu hoạch quả đúng độ chín, không để quả quá chín dễ bị nứt và hư hỏng. Thanh long có tuổi thọ khá cao, khoảng 20 năm và nhanh cho thu hoạch nên thu hồi vốn nhanh.
Thông thường, cây thanh long trồng khoảng 1 năm thì cho thu hoạch quả; đạt sản lượng cao nhất sau 3 năm trồng. Thu hoạch từ tháng 6 đến hết tháng 11; từ 15-20 ngày sẽ được thu hoạch 1 đợt, mỗi năm thu từ 7 -10 đợt. Vì thế thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định, giúp sản phẩm không bị mất giá.
Những mùa thanh long trái ngọt đang góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, khẳng định ưu thế là giống cây phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Theo định hướng đến năm 2030, huyện Sốp Cộp phấn đấu trồng khoảng 3.500 ha cây ăn quả, tập trung tại các xã Mường Và, Mường Lạn, Dồm Cang, Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Mường Lèo. Các loại cây ăn quả chủ lực, gồm xoài, nhãn, cam, quýt, dứa, mận, bưởi và nhóm cây ăn quả ôn đới khác.
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật nhân giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở 21 lớp tập huấn tự nguyện cho 630 nông dân về kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả.
Đồng thời, từng bước trồng thay thế các vườn cam già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp, bằng các giống mới; sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; kỹ thuật phòng, chống các loại sâu bệnh hại. Nâng cao tỷ lệ các giống quýt mới có khả năng sinh trưởng khỏe, ít hoặc không hạt, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho ăn tươi và chế biến...
Huyện cũng tập trung hướng dẫn các xã áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP..., sản xuất theo hướng hữu cơ, mã số vùng trồng, đảm bảo nông sản đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, tổ chức thẩm định giống cây ăn quả đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện.
Liên Liên
Bình luận
Nổi bật
Doanh nghiệp phát triển bền vững nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất
sự kiện🞄Thứ hai, 25/11/2024, 06:47
(CL&CS)- Áp dụng các cải tiến năng suất chất lượng, đến nay nhiều doanh nghiệp không chỉ tăng doanh thu, lợi nhuận mà còn phát triển bền vững trên thương trường.
Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07
(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01
(CL&CS)- Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.