Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 05/10/2019, 12:21 PM

Ô nhiễm, nước ngập và trách nhiệm

(NTD) - Đến hẹn lại lên, nước ngập do triều cường cộng mưa to tại TP.HCM và không khí ô nhiễm cả ở Hà Nội lẫn TP.HCM. Chính quyền và cơ quan chức năng lý giải nguyên nhân chủ yếu do khách quan, biến đổi khí hậu hay “có tính quy luật”! Nhưng những điều “muôn năm cũ” ấy chẳng lẽ cứ khoanh tay đứng nhìn?

Flooding
Người dân TP.HCM phải đối phó với hai đợt triều cường sáng và chiều trong hơn hai tuần qua (Ảnh: HNM)

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội và TP.HCM phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng. Ông nhấn mạnh: "Không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý". Đó không chỉ là một chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo đất nước mà còn là yêu cầu chính đáng của hàng chục triệu người dân ở hai thành phố lớn nhất nước.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa ở Hà Nội và TP.HCM là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do “đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có!”. Nhưng người dân thì thấy ngược lại, các chuyên gia không đồng tình và dư luận vẫn bức xúc.

Biết đó là chu kỳ tại sao không có những giải pháp hữu hiệu, cảnh báo từ sớm! Cho đó là quy luật, chu kỳ vậy những cách xử lý ở đâu ngoài những khẩu trang mỏng manh? Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh bức xúc: "Suốt đợt ô nhiễm kéo dài gần 3 tuần, các cơ quan chức năng đã không có giải pháp ứng phó nào, thậm chí việc cảnh báo, khuyến cáo tới người dân cũng thực hiện chậm!"

Cùng với ô nhiễm không khí thì người dân TP.HCM đang hứng chịu đợt ngập nước do triều cường cộng với mưa to nặng nề nhất mấy chục năm gần đây! Sáng bì bõm trong nước đến cơ quan, trường học và vất vả mưu sinh, chiều lại sũng nước mệt mỏi bơ phờ về nhà. Họ không còn lựa chọn nào khác dù hàng triệu người đã góp phần trong số hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ ra chống ngập để giờ đây chỉ thấy ngập nhiều hơn! Họ cũng chẳng có cách thức nào hay hơn ngoài việc dầm mình trong nước để chờ đợi các cơ quan hữu trách loay hoay tìm giải pháp bớt ngập.

Từ 2010 đến nay, TP.HCM đã ít nhất 4 lần đưa ra cột mốc 2013, 2015, 2018 và 2019 sẽ cơ bản hết ngập. Nhưng đã gần hết 2019, cột mốc ấy lại tiếp tục được dời qua năm 2021. Mà cũng chưa ai dám chắc chuyện nước vẫn lênh láng khắp thành phố, dù mưa hay không sẽ chấm dứt!? Làm ăn khó khăn, đi lại bất tiện, giao thương ngưng trệ... là cái dễ thấy nhất trước mắt. Nhưng bệnh tật, ảnh hưởng hạ tầng, hư hỏng vật dụng, đồ dùng... là những thứ mà ô nhiễm, ngập nước đang tàn phá khó đong đếm, định lượng.

Biết rằng không thể một sớm một chiều hay vài ba ngày sẽ giải quyết được ô nhiễm, ngập nước. Ai cũng hiểu thiên tai hay khắc nghiệt của thiên nhiên thì giải quyết rất khó khăn, tốn kém. Nhưng ít ra người dân cũng phải có quyền được biết bao giờ họ sẽ có những cảnh báo kịp thời, xử lý hữu hiệu từ các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan? Họ phải được thấy hàng ngàn tỷ đồng đổ vào những công trình này, dự án nọ giải quyết được những gì, chuyển biến được đến đâu?

Nếu biết rằng đó là thường niên, quy luật của giao mùa thì trước đó vài ba tháng các cơ quan chức năng phải cảnh báo rộng rãi, truyền thông đầy đủ về xu hướng, nguy cơ và cả tác hại của đợt ô nhiễm lần này để người dân bớt lo lắng, đỡ hoang mang. Nếu rõ là ngập nước sẽ nặng nề vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 thì ngoài những thông tin ít ỏi, những cơ quan liên quan nên cho dân chúng hay thêm cách phòng tránh hoặc minh bạch cách giải quyết, cải thiện tình tình. Để đến khi ô nhiễm tràn về, nước lên lênh láng rồi mới biện minh thiếu thuyết phục, lo chống hơn phòng, giải quyết hậu quả hơn xử lý cái gốc thì dư luận bức xúc cũng chẳng gì lại. Dù chậm nhưng quy trình ngược này cần chấm dứt, làm lại và trách nhiệm hơn.

 PHAN NGUYỄN

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.