Chủ nhật, 12/08/2018, 07:34 AM

NTK Việt Hùng: Chàng luật sư bỏ nghề theo “nghiệp” thiết kế

(NTD) - Nhắc đến nhà thiết kế (NTK) Việt Hùng, người ta nghĩ ngay đến chiếc áo dài. Xuất thân là một luật sư, nhưng cuối cùng anh lại chọn ngành thiết kế. Nhờ cuộc chuyển đổi ngoạn mục của anh, Việt Nam mới có một nhà thiết kế áo dài tên tuổi và được nhiều người yêu mến như hiện nay. Với ý tưởng “tìm cái đẹp trong đống đổ nát”, anh đã có buổi trò chuyện thân mật cùng phóng viên Báo Người Tiêu Dùng:

PV: Được biết anh từng tốt nghiệp trường luật, cứ nghĩ rằng anh sẽ theo đuổi nghề luật nhưng cơ duyên nào đã đưa anh đến với ngành thiết kế thời trang?

NTK Việt Hùng:

- Sau gia đình, tôi luôn dành tình yêu cho thời trang. Ba tôi có quan điểm rằng nếu là một người thợ may có tri thức, sẽ tốt hơn, và thế là tôi tin tưởng và ủy thác niềm tin vào ba mẹ. Tôi vẫn cứ đi học và vẫn thỏa niềm đam mê thời trang của mình bằng cách làm phòng của mình như một xưởng may nhỏ để giúp cho người thân, bạn bè, thầy cô kiện toàn hơn cho vẻ bên ngoài của mình.

Sau khi ra trường, tôi được làm công việc mà nhiều người mơ ước, nhưng chỉ có tôi mới hiểu rằng tình yêu và ước mơ lớn của tôi nằm ở đâu. Và khi ba mẹ hiểu rằng tôi đã làm tất cả để họ vui, thì ba mẹ đã cho tôi được “bay” trong khoảng trời mà tôi hằng mơ ước…

image_6483441
 

PV: Tại sao anh lại chọn thiết kế áo dài chứ không phải là một trang phục khác, trong khi áo dài hiện tại không phải là mẫu thời trang lý tưởng và được ưa chuộng nhất?

- Khi tôi được “bay” trong một vùng trời mà ở đó không đơn giản chỉ là thỏa thích niềm đam mê, tôi chợt nhận diện cho mình loại trang phục gắn kết. Và tôi là 1 trong số ít NTK chọn áo dài cho sự gắn kết đó bởi chỉ một lý do là tôi yêu mẹ tôi, yêu cái dịu dàng trong dáng điệu, cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… và yêu cả cái bóng mẹ đi về trong chiều vàng nhạt nắng với đôi tà áo mỏng quyến luyến bước chân thon. Yêu luôn sự khó khăn và bộn bề cuộc sống mà mẹ vẫn chọn áo dài vì mẹ muốn dạy cho tôi và em tôi yêu gia đình, yêu quê hương, yêu luôn tà áo mỏng chở nắng, chở mưa, chở cái giá trị văn hóa dân tộc Việt mà mỗi người Việt Nam sẽ không lớn nổi thành người nếu quên đi cốt cách Việt Nam.

PV: Là một NTK nổi tiếng, anh có bị áp lực gì khi thiết kế trang phục cho nghệ sĩ?

- Tôi chọn cách yêu và sống cùng áp lực để có cơ hội tạo ra những giá trị nhân văn. Tôi là một nghệ sĩ và tôi xem những người chung nghiệp Tổ là anh em một nhà, thì không lý do gì tôi không tạo ra cho họ những bộ trang phục đẹp nhất, phù hợp nhất với từng cá thể, sự việc và tác phẩm nghệ thuật mà họ đã tin tưởng nơi tôi…

PV: Anh cũng khá thành công và được nhiều người biết đến, anh có nghĩ mình sẽ thiết kế 1 sản phẩm độc đáo hơn, đón nhận nhiều sự chú ý không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới không?

- Tôi đã từng nghĩ và hành động như thế, nhưng sự trải nghiệm và thời gian đã dạy tôi rằng hãy dành hết tình yêu và sức lực cho mỗi tác phẩm cụ thể, mỗi niềm tin mà khách hàng dành cho mình. Tôi cũng dặn lòng và đặt ra cho mình một sứ mệnh là đem áo dài đến với mỗi người Việt để họ thấy, cảm nhận và yêu thương. Tôi đi quá nhiều và hiểu được 1 số người Việt tuy còn dòng máu Việt chảy trong mình, nói tiếng Việt… nhưng chưa chắc yêu những giá trị rất Việt Nam ấy, huống chi người xa lạ…

PV: Anh có ý tưởng gì táo bạo trong phong cách thiết kế mà bản thân chưa làm được?

- Là một người chọn sự sáng tạo làm kim chỉ nam cho con đường sự nghiệp nên chưa bao giờ tôi tự mãn, tự vừa lòng với những gì mình đã làm. Tôi luôn học hỏi để kiện toàn tri thức và nhân cách nghệ thuật. Tôi luôn trân quý điều đó, mỗi con đường mà tôi đi qua đều đã cho tôi những kinh nghiệm sống quý báu để cho ra những tác phẩm táo bạo trong phong cách thiết kế của mình và tôi sẽ cố gắng làm bằng được trong tương lai gần nhất (cười)

PV: Nếu có thể thiết kế một bộ áo dài riêng để giới thiệu về đất nước Việt Nam, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?

- Cá nhân tôi nghĩ, đó là cốt cách Việt mà mẹ tôi đã cắt nghĩa cho tôi nghe từ thuở nhỏ. Cốt cách ấy phấn son không thể che mờ, mà nó là sự kết tinh của tháng ngày làm lấp lánh và tỏa sáng từ những điều tưởng như bình dị nhất, nhưng nó sẽ ở lại và ở mãi trong những con người biết tôn thờ giá trị cội nguồn mang hơi thở Việt Nam.

PV: Áo dài là một trang phục truyền thống của người Việt Nam. Anh có từng nghĩ nếu thay đổi và thiết kế một chiếc áo dài độc, lạ thì sẽ mất đi nét đẹp văn hóa Việt Nam không?

- Tôi đã được ba mẹ tập cho tôi “bay” trong một vùng trời thật bình yên và một không gian mang hơi thở văn hóa và tri thức. Và tôi biết làm nhà thiết kế là phải “bay” nhưng đối với áo dài, nó có khung trời riêng dành cho nó, và những sự “độc”, “lạ” phải phù hợp với những giá trị muôn đời kết tinh từ giá trị truyền thống Việt Nam. Tôi luôn dặn lòng mình phải làm mới, trẻ hóa áo dài và mang áo dài đến thật gần giới trẻ - những người sẽ thay thế hệ như tôi giữ gìn và phát huy những giá trị trường tồn của dân tộc Việt Nam.

PV: Showbiz là môi trường cạnh tranh, anh có thể chia sẻ bí quyết giúp mình có thể đứng vững trong ngành này và được nhiều người biết đến?

- Sự cạnh tranh ở đâu cũng có và showbiz thì càng nghiệt ngã hơn. Tôi nghĩ bất cứ ai đã chọn và yêu nghệ thuật, thì phải tập thích ứng như cách sống chung với bão lũ. Tôi thì chẳng có bí quyết gì ngoài hành trang mà ba mẹ đã dạy cho tôi là tìm cái đẹp trong đống đổ nát, biết im lặng tìm hiểu và thứ tha, biết nghe thật nhiều, hiểu thật kỹ ngọn ngành rồi mới quyết định có phát ngôn thuyết phục không làm tổn thương ai.

PV: Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ cũng như lời khuyên cho các bạn trẻ đam mê ngành thiết kế này?

- Tôi có tham gia giảng dạy tại các trường đại học và luôn chia sẻ với các học trò của mình rằng, các em đang thiếu rất nhiều nhưng chỉ thừa duy nhất đó là sự tự tin. Nhất là trong thời đại 4.0 các bạn trẻ cho mình những cái quyền trên cái nền mục ruỗng cho sự tự tin, thì rất nguy hiểm.

PV: Vừa qua, anh cho ra mắt bộ sưu tập Thổ cẩm mang chủ đề “Hoa của Đất”, anh có thể chia sẻ đôi điều về bộ sưu tập này?

- Tôi yêu những sắc màu nhảy múa tưởng chừng như ngẫu nhiên ấy trong những giá trị văn hóa đặc trưng. Tôi yêu chất bản năng từ núi rừng và những thông điệp của đá núi, thác ghềnh, hoa lá, cỏ cây, muông thú. Tôi yêu sự chân chất, ngay thẳng, đơn giản và cần cù của những con người nơi đây. Tôi thương và trân quý những người đi cùng tôi mang những bông hoa nở từ đất ấy đi xa và lan tỏa. Tôi vui khi nhìn thấy ánh mắt sáng trên gương mặt đen xạm, thấy nụ cười hạnh phúc khi cái lạnh bị xua đi và tôi yêu lắm cái hạnh phúc giản đơn từ giá trị của sự sẻ chia trong cuộc sống.

PV: Kế hoạch cũng như dự định trong tương lai của anh, cụ thể là trong năm nay?

- Kế hoạch và dự định thì nhiều, nhưng xin cho tôi được giữ trong góc riêng của lòng mình nhé. Tôi sẽ chia sẻ khi nó thành hình và tạo ra những giá trị nhân văn trong cuộc sống.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Chúc anh luôn thành công trên con đường nghệ thuật cũng như trong cuộc sống của mình.

Thu Thủy (thực hiện)

_NTD_So 459 460_In_Page_38
 

Bình luận

Nổi bật

Choáng ngợp trước siêu công trình cống ngầm có khả năng khắc chế thủy thần: Nằm dưới lòng thành phố sầm uất nhất nhì thế giới, có tổng mức đầu tư lên đến 62.400 tỷ đồng

Choáng ngợp trước siêu công trình cống ngầm có khả năng khắc chế thủy thần: Nằm dưới lòng thành phố sầm uất nhất nhì thế giới, có tổng mức đầu tư lên đến 62.400 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 22:26

Công trình kiến trúc này được xây dựng để bảo vệ 13 triệu cư dân của thành phố khỏi mưa lớn và cơn bão nhiệt đới.

Nhà máy thủy điện 385 nghìn tỷ nằm ở độ cao 5.000m: Mất 12 năm để xây dựng, được trang bị một loại công nghệ cực thông minh

Nhà máy thủy điện 385 nghìn tỷ nằm ở độ cao 5.000m: Mất 12 năm để xây dựng, được trang bị một loại công nghệ cực thông minh

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 18:52

Đây là dự án tích hợp năng lượng sạch bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng, dự kiến sản xuất hơn 7,3 tỷ kWh điện mỗi năm.

Khánh Hòa: Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị trường THPT

Khánh Hòa: Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị trường THPT

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 15:14

(CL&CS) - Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ sở giáo dục công lập cấp THPT trên địa bàn tỉnh.