Thứ ba, 31/10/2023, 14:05 PM

Nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn đường nhập lậu

(CL&CS) - Từ năm 2022, sau khi tình hình kiểm soát biên giới được nới lỏng do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, đường nhập lậu đã quay trở lại và cho đến nay, đường nhập lậu đã và đang tiếp tục hoành hành thị trường trong nước.

Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp kiểm đếm mặt hàng đường cát nhập lậu bị bắt giữ. Ảnh: T.H

Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp kiểm đếm mặt hàng đường cát nhập lậu bị bắt giữ. Ảnh: T.H

Đường nhập khẩu giảm

Theo các đơn vị Hải quan các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đường nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam thời gian gần đây giảm mạnh.

Ông Lâm Tấn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, Cục Hải quan An Giang cho biết, mặt hàng đường nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Tịnh Biên. Từ cuối năm 2022 đến nay, mặt hàng nhập khẩu này đã giảm sâu. Trong 9 tháng năm 2023, chỉ có 1 lô đường nhập khẩu, trọng lượng khoảng 200 tấn (cùng kỳ năm 2022 nhập khẩu trên 67.000 tấn).

Nguyên nhân là, trong thời gian qua, các đơn vị Hải quan biên giới Tây Nam đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ mặt hàng đường nhập khẩu theo quy định tại: Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan; Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 1/8/2022 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía; áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar; Công văn 4261/TCHQ-TXNK ngày 16/8/2023 của Tổng cục Hải quan về thực hiện thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng đường mía.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Tháp, thực hiện các quy định trên, đơn vị chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu biên giới thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng đường mía; duy trì công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu đường mía qua cửa khẩu biên giới.

Cũng theo lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Tháp, tình hình hoạt động buôn lậu đường trên địa bàn các xã biên giới không tăng so với cùng kỳ; các đối tượng chủ yếu là cư dân biên giới không có việc làm ổn định; thủ đoạn và phương thức vẫn là tập kết hàng hóa cặp sát biên giới phía Campuchia; các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, canh dò đường, theo dõi lực lượng chức năng, lợi dụng sơ hở rồi dùng các loại xuồng máy có động cơ nhanh mạnh để vận chuyển hàng hóa qua biên giới vào Việt Nam, sau đó đưa lên xe gắn máy hoặc ô tô vận chuyển nhỏ lẻ vào nội địa bán, giao lại cho các đối tượng đầu nậu thu gom để đem đi tiêu thụ.

Đường lậu vẫn lén lút vào nội địa

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng kiểm soát biên giới chặt chẽ, hoạt động nhập lậu đường qua biên giới có giảm. Tuy nhiên, từ năm 2022, sau khi tình hình kiểm soát biên giới được nới lỏng do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, đường nhập lậu đã quay trở lại và cho đến nay, đường nhập lậu đã và đang tiếp tục hoành hành thị trường trong nước.

Hiện tượng dòng đường Thái Lan đi qua Campuchia và Lào vào Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận. Theo đó, năm 2022, báo cáo GAIN của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ghi nhận hiện tượng này, nêu rõ: xuất khẩu đường tinh luyện từ Thái Lan sang Việt Nam (chiếm khoảng 30% tổng lượng đường trắng và đường tinh luyện xuất khẩu) đã ghi nhận sự sụt giảm đến 71% trong niên vụ 2020/21 do Chính phủ Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với đường nhập khẩu của Thái Lan. Tuy nhiên, xuất khẩu đường trắng và đường tinh luyện sang Campuchia và Lào trong niên vụ 2020/21, với thị phần tổng hợp là 32%, tăng lần lượt 21% và 23% để rồi sau đó được nhập lậu vào Việt Nam.

Năm 2023, báo cáo GAIN cũng tiếp tục ghi nhận tình hình xuất khẩu đường của Thái Lan, đặc biệt mặt hàng đường trắng và đường luyện có liên quan đến nhập lậu đường vào thị trường Việt Nam. Báo cáo đã nêu: xuất khẩu đường trắng và đường tinh luyện từ Thái Lan sang Campuchia và Lào trong niên vụ 2021/22 là 1.087.895 tấn, chiếm 34% trở thành thị trường xuất khẩu đường trắng và đường luyện lớn nhất của Thái Lan, và đích đến cuối cùng của lượng đường khổng lồ này chính là Việt Nam.

Dựa trên các dữ liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban mía đường Thái Lan (OCSB), VSSA ước tính lượng đường nhập lậu trong hai năm 2021 và 2022 lần lượt là 501.039 tấn và 816.544 tấn.Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động nhập lậu đường có diễn biến gia tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam. Nhiều địa phương ghi nhận hoạt động nhập lậu đường rất mạnh gồm có tỉnh An Giang (khu vực An Phú), tỉnh Tây Ninh; tỉnh Long An (khu vực Bình Hiệp); tỉnh Bình Phước; tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị (tuyến Đường 9 Lao Bảo).

Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại các thành phố lớn như TPHCM, việc vận chuyển, giao nhận vẫn bằng hình thức san từ xe vận chuyển lớn sang các xe trung chuyển nhỏ trong đêm tại các bãi xe nằm vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 12, tỉnh Bình Dương… Sau khi sang xe các nhà buôn có thể giao hàng thẳng đến khách hàng trong đêm, hoặc tập kết về kho, điểm bán của mình để sang bao giấy 12kg, bao 12kg và sang bao các thương hiệu trong nước hoặc sang bao đường nhập có chứng từ trước đó quay vòng, hoặc để nguyên bao đi giao lẻ một cách công khai. Từ đầu năm 2023 đến 15/10/2023, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện 35 vụ chứa trữ, kinh doanh mặt hàng đường, tang vật thu giữ trên 110 tấn đường vi phạm.

Trên cơ sở đánh giá tình hình và nhận diện các bất cập, sơ hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng, VSSA kiến nghị:

Tiêu hủy tất cả đường nhập lậu - đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ - bị tịch thu (căn cứ quy định tại mục 3 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm); chấm dứt việc đấu giá để tiếp tục lưu thông đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ (quy định tại khoản i mục 5 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm).

Cho phép VSSA tham gia cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành Quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu (tương tự mặt hàng thuốc lá).

Với dấu hiệu là đường nhập lậu có nguồn gốc Thái Lan, sau khi xử lý hành chính, tạm thu thuế nhập khẩu với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% và thuế trị giá gia tăng 5% trong thời gian chờ điều tra với giá trị tính thuế đề xuất 500 USD/tấn, sau đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân liên quan về tội buôn lậu.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Theo quy định về thực phẩm của Singapore, các sản phẩm thực phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây mẫn cảm cho người tiêu dùng đều phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Thời gian qua, trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua, bán hàng hóa có giá trị lớn trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

(CL&CS) - Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.