Thứ năm, 25/03/2021, 14:52 PM

Những chính sách bứt phá để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại và vượt lên sau dịch Covid-19

(CL&CS) - Để sự hỗ trợ của Chính phủ hữu ích nhất phải vào được nhóm các doanh nghiệp “chết mà không đáng chết”. Chú trọng hơn nữa vào tính khả thi và tính thực tiễn của các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đẩy mạnh các cải cách thủ tục hành chính.

Đây là những kiến nghị chính mà ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trong cuộc trao đổi nhìn lại 15 tháng chống đại dịch Covid-19 thực hiện mục tiêu kép.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Kể từ ngày xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/1/2020 đến nay đã là 15 tháng đã qua. Và cũng đã tròn một năm kể từ ngày 1/04/2021 ngày thực hiện quyết định lịch sử: thực hiện giãn cách cả nước 15 ngày. Kể từ đó đất nước đã qua 3 giai đoạn chống dịch với một số nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, có nơi phải phong tỏa, phải cách ly làm cho sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Năm qua cũng là năm nhiều chính sách và giải pháp đặc biệt chưa hề có tiền lệ được ban hành. Nhìn lại 15 tháng qua, doanh nghiệp đánh giá thế nào, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ thực tiễn,doanh nghiệp thấy rõ một trong những thế mạnh của Việt Nam trong cơn đại dịch là Chính phủ phản ứng nhanh đưa ra chính sách tốt để thực hiện mục tiêu kép. Giữa tháng 2 dịch bùng phát, ngay ngày 4/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/CT-Ttg chỉ đạo các giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.  

Dù ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19. Trong các ngày 8 và 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… Khẳng định tính hữu ích của các chính sách, qua các cuộc điều tra, các doanh nghiệp đều cho rằng các “chính sách rất đúng nhu cầu của doanh nghiệp, tốc độ ra chính sách cũng rất nhanh”.

Các địa phương và các bộ ngành cũng khẩn trương vào cuộc. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, thực hiện Chỉ thị 11, ít nhất đã có 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được các bộ ngành và địa phương ban hành.

Tuy nhiên hiệu ứng của các chính sách hỗ trợ cũng tương đối đa dạng. Có chính sách tốt và đi vào cuộc sống ngay và mang lại lợi ích tức thì như giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, và lùi thời điểm đóng phí công đoàn… 

Nhưng có những chính sách đi vào cuộc sống chậm hơn mặc dù các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. Chẳng hạn như chính sách cho vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Mặc dù chính sách được ban hành từ tháng 4 nhưng đến tháng 10 thì hầu như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được bởi vì điều kiện của nhóm chính sách này cao quá. Sau này Thủ tướng có rà soát sửa đổi thì tỷ lệ có được cải thiện.

Chúng ta là nước đang phát triển, doanh nghiệp biết nguồn lực đất nước không dồi dào nên chính sách hỗ trợ tương đối khiêm tốn so với các nước khác nhưng đây đã là sự hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có. Vấn đề là làm sao các gói hỗ trợ này phải phải vào cuộc sốngđược nhanh và điều kiện phải phù hợp. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, một khoản hỗ trợ đúng lúc và nhanh chóng thì tác động sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cả phía doanh nghiệp và các chuyên gia cũng đang cùng trông đợi những chính sách kích thích kinh tế mới. Trong đó nhiều ý kiến đề nghị cho miễn thuế, bởi giãn thuế thì trước sau gì doanh nghiệp cũng phải nộp… Nhưng nguồn lực có hạn, thu ngân sách cũng sẽ rất khó khăn. Vậy chính sách nên như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp thực sự mà vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?

Với nguồn lực rất có hạn các giải pháp hỗ trợ nên tập trung vào các nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, những doanh nghiệp mà có thực lực, có khả năng, nếu họ vượt qua giai đoạn này thì vẫn đảm bảo tạo được nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách dài hạn thì rất cần hỗ trợ. Do đó chính sách hỗ trợ lý tưởng là phải đến được các doanh nghiệp “chết mà không đáng chết” này. 

Còn những doanh nghiệp không cạnh tranh được, hàng hóa dịch vụ của họ không có thị trường thì vẫn phải tuân thủ quy luật sàng lọc khắc nghiệt của thị trường.

Nhóm giải pháp tôi cho rằng rất quan trọng, có lợi cho nhiều doanh nghiệp là giảm chi phí thủ tục, chi phí thời gian, cắt giảm thủ tục hành chính. Giải pháp này công bằng cho tất cả mọi doanh nghiệp lại không phải mất quá nhiều nguồn lực, thực tế lại có thể giảm cho doanh nghiệp rất nhiều chi phí. Chỉ cần cải cách về thủ tục đất đai, đầu tư và xây dựng đã là sự hỗ trợ rất lớn, doanh nghiệp không còn mất cả năm trời lo thủ tục, chạy nhiều cửa tốn nhiều tiền của nữa… Nếu cải cách tăng tốc và làm mạnh thì nhóm giải pháp này sẽ hữu ích, bền vững hơn. Chúng ta vẫn đang nỗ lực cải cách rồi nhưng làm sao nhanh hơn, gấp gáp hơn, thực chất hơn thì sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Khá nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận tín dụng ngân hàng vì không đáp ứng được điều kiện cho vay. Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong khi đại dịch COVID-19 là dòng tiền và doanh nghiệp đề nghị làm nên nới lỏng điều kiện cho vay hơn nữa, như vậy là phải hạ chuẩn tín dụng?

 Hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng không phải là hạ chuẩn, bởi vì bản thân ngân hàng hay doanh nghiệp cũng hướng tới  tính hệ thống tín dụng lành mạnh, bền vững, điều này tốt cho ngân hàng, tốt cho doanh nghiệp và tốt cho nền kinh tế.

Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Tôi cho rằng các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí vận hành tối đa, giảm lãi để chi sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngành hàng. Ngân hàng có thể cũng triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ giảm giá thậm chí miễn phí cho các doanh nghiệp…

Vấn đề ở đây làm sao quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, phải chắp mối để họ hiểu rõ nhau, đầy đủ thông tin về nhau. Về dài hạn cần có giải pháp để doanh nghiệp tư nhân chuẩn mực hơn trong sổ sách, hồ sơ quy trình để năng lực họ vay vốn tốt hơn. Cái đó nếu có những chương trình hỗ trợ tổng thể từ nhà nước thì rất tốt.

Hay có thể thúc đẩy những chương trình vay vốn không dùng tài sản thể chấp,  cho vay tín chấp hay thế chấp bằng những tài sản, bằng hợp đồng hình thành trong tương lai… Cũng có những giải pháp khác mà doanh nghiệp đề nghị là việc thẩm định giá trị các khoản vay làm sao công bằng hơn. Theo doanh nghiệp phản ánhnhiều khi việc định giá tài sản không công bằng gây thiệt thòi cho doanh nghiệp khiến cho tỷ lệ vốn được vay thấp hơn số doanh nghiệp cần.

 Có những giải pháp cấp bách, có giải pháp dài hạn.  Tôi nghĩ giải pháp tín dụng phải dựa trên nền tảng tín dụng tốt, tôn trọng quy luật thị trường. 

15 tháng qua và kết quả mà nền kinh tế đã đạt được đã cho thấy sự kiên cường, năng động và linh hoạt của lực lượng doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp đã vừa phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe người lao động vừa sớm thích ứng với hoàn cảnh mới, điều kiện mới, tình hình mới, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và thị trường, thay đổi phương thức kinh doanh, đa dạng hóa chuỗi cung, sớm chuyển đổi sổ, bán hàng và cung cấp dịch vụ qua mạng…

Đợt dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh… vừa qua cho thấy cũng dịch bệnh cũng vẫn còn phức tạp khó lường nên không thể lơi là nhưng cũng cần cách thức mới trong chống dịch và phục hồi kinh tế. Vậy theo ông, thời gian tới đây cần những chính sách mới nào để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, để kích thích kinh tế phục hồi tốt hơn nữa?

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, để kích thích kinh tế phục hồi tốt hơn nữa  thì cần cả giải pháp ngắn hạn lẫn dài hạn.

Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới vì vậy các bộ, ngành cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh, những chính sách tạo sự bứt phá để nền kinh tế phục hồi nhanh và vượt lên sau khủng hoảng.

Trước hết là nên kéo dài các chính sách hỗ trợ đã ban hành từ năm 2020 đến hết năm nay đồng thời cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.   

 Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.

Theo tôi cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.

Trong dịch bệnh, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi để thích ứng, nhưng qua điều tra thì tỷ lệ doanh nghiệp quy mô nhỏ thấp hơn các doanh nghiệp vừa và lớn. Ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, họ khó có thể đầy đủ nguồn lực để thích nghi, nên cần những chương trình của nhà nước. Chẳng hạn như chuyển đổi số, nếu để tự mỗi doanh nghiệp nhỏ tự chuyển đổi thì rất vất và và nhiều khó khăn nên nếu có những chương trình tổng thể của nhà nước sẽ rất có ích.

Tôi cho rằng nên nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

Và chúng ta cần phải có chương trình về phát triển công nghiệp phụ trợ, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường nguyên liệu, và có chương trình đổi mới sáng tạo và  chuyển đổi số để nhiều DN nhỏ bắt kịp xu hướng công nghệ, phát triển bền vững hơn.

Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

Khó khăn là khó khăn rồi vì thế càng cần giải pháp tốt, giải pháp đúng và trúng để thực hiện tốt hơn, để doanh nghiệp và nền kinh tế không chỉ sớm phục hồi mà còn phát triển vững sau khủng hoảng.

Rất nhiều chính sách đã được các cơ quan Nhà nước ban hành kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua và phục hồi sau dịch bệnh. Tuy nhiên, từ chính sách đến hành động thực tiễn, khoảng cách vẫn còn rất lớn. Ví dụ điển hình là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.  

Gói hỗ trợ này có các điều kiện vay vốn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là rất khó đáp ứng. Đến trước ngày 30/11/2020, mới có 75 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này và dùng trả lương cho khoảng 4.000 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Những điều chỉnh như vậy nhìn chung góp phần giúp gói hỗ trợ 16.000 tỉ bước đầu đi vào thực tiễn.

Linh Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân

Khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân

sự kiện🞄Thứ năm, 18/04/2024, 16:32

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.