Thứ hai, 17/06/2024, 14:09 PM

Nhân giống cây sâm cau giúp sản xuất một lượng lớn cây giống có chất lượng tốt

(CL&CS) - Để tăng giá trị kinh tế và bảo tồn loài cây sâm cau, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM (ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) đã tìm cách nuôi cấy mô để duy trì nguồn dược liệu sâm cau quý này.

Sau thời gian nghiên cứu và trồng thử nghiệm, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (TP HCM; gọi tắt là Trung tâm) đã hoàn thiện và chuyển giao quy trình nhân giống cây sâm cau (curculigo orchioides) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; quy trình trồng và chăm sóc để lấy củ sâm cau làm dược liệu cho nhiều địa phương.

Thông tin từ phòng Hỗ trợ Công nghệ cây trồng, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM, cây sâm cau là loài cây thân thảo, có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn, thuộc họ Hypoxidaceae. Cây còn có nhiều tên gọi khác là Tiêm mao, Ngải cau, Cồ nốc lan… trước đây mọc nhiều trong tự nhiên. Tuy nhiên do bị khai thác nhiều, khiến sâm cau trở nên khan hiếm, do đó sâm cau đã được đưa vào danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam. 

z5384219345242_8182b79e438787b8b2dab2e777fa4000

Vườn thực nghiệm sâm cau tại H.Củ chi (TP.HCM) của nhóm nghiên cứu

Ngoài tự nhiên, cây sâm cau được nhân giống chủ yếu từ hạt hoặc thân. Tuy nhiên, nếu nhân giống bằng phương pháp truyền thống là gieo hạt thì tỷ lệ nảy mầm thấp. Còn nhân giống bằng thân thì mỗi cây giống phải có một phần củ và phần ngọn mới đảm bảo cây có thể sống. Do mỗi cây sâm cau chỉ hình thành một củ chính, vì vậy hệ số nhân giống cũng rất thấp.

Phương pháp nuôi cấy mô giúp khắc phục được những hạn chế khi nhân giống từ hạt và thân, tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh trong thời gian ngắn.  Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc phòng Hỗ trợ Công nghệ Cây trồng cho biết, sau gần một năm nhóm đã nuôi cấy thành công giống cây sâm cau trong phòng thí nghiệm. Giống này đưa trồng thực nghiệm trên diện tích 1.000 m2 tại huyện Củ Chi.

Cây mô sẽ được trồng trong túi bầu và đặt trong vườn ươm giúp quen dần với điều kiện tự nhiên. Nhóm đã xây dựng quy trình trồng sâm cau trong thời gian khoảng một năm là thu hoạch. Theo nhóm nghiên cứu, sâm cau là loại cây chịu bóng nên cần làm che nắng. Mức che nắng bằng lưới cắt nắng ở mức 50% thích hợp nhất cho cây sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất tối ưu. Môi trường sống lý tưởng của sâm cau là dưới bóng râm, ưa ẩm ở các thung lũng, nơi đất màu mỡ, chân núi đá vôi hoặc ven rẫy. Sâm cau có thể trồng mật độ 50.000 cây cho diện tích 1.000 m2.

Bên cạnh đó để nhân giống được sâm cau với số lượng ổn định nhất, trong giai đoạn phát triển củ, lượng nước và độ ẩm đất cần được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa. Củ sâm cau rất dễ bị thối khi bị ngập nước hay đất có độ ẩm quá cao, do đó trong quá trình làm đất cần tạo các rãnh thoát nước và giàn che nắng có thể di chuyển được.

Sau một năm trồng nông dân có thể tiến hành đào cây, cắt lấy củ. Sâm cau có thể dùng tươi hoặc sơ chế bảo quản, khối lượng trung bình mỗi củ sâm khoảng 60-65g. Hàm lượng saponin đạt 0,54 - 0,68%, flavonoid 0,19 - 0,23% và curculigoside 0,23 -0,31%. Với những tác dụng về sức khoẻ của cây sâm cau đối với con người, nhu cầu sử dụng loại dược liệu này đang ngày càng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá trị dược liệu cũng như mức độ an toàn khi sử dụng nên loại cây này đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Thành công trong ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật vào nhân giống cây sâm cau giúp sản xuất một lượng lớn cây giống có chất lượng tốt, sạch bệnh, độ đồng đều cao, trong thời gian ngắn và đủ cung cấp cho các vùng trồng chuyên canh cây dược liệu.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đánh giá nghiên cứu cho kết quả khả thi, mang lại giá trị kinh tế và xã hội. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai thực hiện mô hình nhằm phục vụ cho các buổi tham quan, học tập và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật này cho tổ chức hay cá nhân có nhu cầu.

Nhân giống Sâm cau bằng nuôi cấy đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ năm 1992, bằng kỹ thuật nhân giống in vitro. Kỹ thuật này được xem như tái sinh chồi trực tiếp từ mẫu lá, mẫu thân; tái sinh phôi soma từ mẫu lá, callus và hay hình thành căn hành ở Sâm cau từ mẫu lá và thân rễ, đã được nghiên cứu và công bố bởi Suri và cộng tác viên (năm 1999).

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng bộ ba 7QC Tools, TPM, Lean để nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng trong doanh nghiệp Việt

Ứng dụng bộ ba 7QC Tools, TPM, Lean để nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng trong doanh nghiệp Việt

sự kiện🞄Thứ tư, 18/06/2025, 12:54

(CL&CS) - Giữa dòng chảy chuyển đổi để thích ứng với thời cuộc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng bộ ba công cụ gồm 7 công cụ kiểm soát chất lượng (7QC Tools), Bảo trì năng suất toàn diện (TPM) và Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing). Khi được áp dụng đồng bộ, ba công cụ này tạo nên một hệ thống cải tiến toàn diện, giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng ngay từ gốc, loại bỏ lãng phí và tối ưu hóa hiệu suất sản xuất.

Doanh nghiệp sử dụng công cụ cải tiến và hệ thống quản lý phù hợp mang lại hiệu quả bền vững

Doanh nghiệp sử dụng công cụ cải tiến và hệ thống quản lý phù hợp mang lại hiệu quả bền vững

sự kiện🞄Thứ ba, 17/06/2025, 11:09

(CL&CS) - Hiện nay, việc doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yếu tố sống còn để tồn tại và phát triển bền vững.

KPI trong ngành dược: Từ đo lường đến bứt phá hiệu suất

KPI trong ngành dược: Từ đo lường đến bứt phá hiệu suất

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/06/2025, 09:25

(CL&CS) - Trong môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh như hiện nay, đặc biệt là trong ngành dược phẩm với những quy định chặt chẽ và yêu cầu cao về chất lượng, việc đo lường, đánh giá hiệu suất là vô cùng quan trọng. Đây chính là lúc Chỉ số hiệu suất chính (KPI) phát huy vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp để tối ưu và tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.