Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 26/06/2016, 10:15 AM

Ngành dệt may “đuối” vì thiếu đơn hàng

(NTD) - Những tưởng sau Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển. Thực tế lại không phải vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang lao đao vì thiếu đơn hàng.

Mất đơn hàng vào tay “hàng xóm”

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ tính riêng tháng 5, xuất khẩu dệt may ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 5/2015. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá, nhưng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Xét về thị trường, trong 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch cao nhất 3,4 tỷ USD, tăng 6%; sang EU đạt 936 triệu USD, tăng 8,2%; sang Nhật Bản đạt 845,17 triệu USD, tăng 1,56% và sang Hàn Quốc đạt 677,2 triệu USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho hay hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, jacket. Thực tế này cũng đã được các doanh nghiệp và được các chuyên gia trong ngành nhìn nhận từ những tháng đầu năm đến nay. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sau quý 1/2016 hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Myanmar vì thị trường này được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và châu Âu.

“Ngoài ra thị trường Campuchia cũng nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất dệt may”, ông Giang khẳng định.

Không chỉ mất đơn hàng vào tay “hàng xóm” mà bản thân ngành dệt may cũng phải chịu những tác động bất lợi từ những bất cập trong quy hoạch và còn gặp khó khăn do những quy định bất hợp lý. Cụ thể, việc điều chỉnh quy hoạch ngành đến thời điểm này đã không còn phù hợp. Mặc dù Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng quy hoạch, gắn xử lý nước thải, song những yêu cầu xây nhà máy xử lý rác thải là không cần thiết.

Chưa kể, việc điều chỉnh lương tối thiểu và bảo hiểm cũng tạo thêm gánh nặng cho ngành. Trong khi nhiều nước như Trung Quốc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, nên càng khiến cho dệt may Việt Nam mất thế cạnh tranh với các đối thủ.

Cũng theo ông Giang thì những quy định bất cập hiện nay càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn. Đơn cử như các quy định về an toàn vệ sinh môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp ngành may mặc dẫn đến rất nhiều bất cập.

“Có trường hợp doanh nghiệp may sử dụng chưa đến 400 lao động bị cơ quan môi trường yêu cầu đầu tư nhà máy xử lý chất thải vài tỷ đồng. Trong khi ngành may không hề sử dụng thuốc nhuộm như ngành dệt nhuộm”, ông Giang dẫn chứng.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết công tác kiểm tra giữa các ngành như thuế, hải quan, thương binh xã hội, môi trường lại không liên kết với nhau dẫn đến tình trạng một quý có đến 3, 4 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Giang đề xuất cần quy định thời gian kiểm tra cụ thể một năm hai lần, các cơ quan phối hợp đi cùng nhau. Cực nhất là Thông tư 37/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, thay thế Thông tư 32 đang làm nhiều doanh nghiệp đau đầu vì quá khắt khe.

“Một mẩu vải mẫu từ nước ngoài gửi về có 3-5 m cũng phải đem đi kiểm tra. Trong quý 1, chúng tôi đã phải đi kiểm tra đến 138 lần”, ông Giang bức xúc nói.

article7967
Ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều khó khăn.

Dệt may khó được hưởng lợi từ các hiệp định

Không chỉ gặp khó khăn về quy hoạch và quản lý, ngành dệt may Việt Nam cũng khó có được những thuận lợi khi các hiệp định thương mại thực sự đi vào hiệu lực. Trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas, cho rằng ngành dệt may là đối tượng được hưởng lợi hàng đầu một khi hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và TPP có hiệu lực. Bởi lúc đó, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm xuống gần bằng 0% từ mức 17% như hiện nay. TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong trường hợp không có TPP, con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, khoảng 113 tỷ USD.

Tuy nhiên chính ông Cẩm cũng phải thừa nhận, để được lợi, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ rất phức tạp, với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là từ vải trở đi và TPP từ sợi trở đi. Trong khi đó, ngành dệt may đang nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, phần lớn nhập từ các thị trường ngoài khối TPP, EVFTA. Đây là một trong những lý do khiến cho dệt may Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi từ các FTA. Vì vậy, cải thiện công nghệ sản xuất, nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước là giải pháp cần sớm thực hiện.

Một khó khăn nữa là đội ngũ thiết kế ngành dệt may Việt Nam còn mỏng và thiếu. Để chuẩn bị cho việc tham gia hiệp định TPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị cho mình nguồn lực mạnh, từ chất lượng sản phẩm cạnh tranh, đến đội ngũ nhân viên thiết kế, quản trị... phải chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận lại thấp. Để mất nguồn lợi nhuận đó là do các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ muốn nhận làm một khâu thành phẩm còn đâu là chờ người ta mang nguyên liệu đến.

01_TFWJ
 

 Vân Lam

NTD So 56 (238)_Page_15
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.