Thứ năm, 11/07/2024, 22:12 PM

Nâng cao năng suất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế của doanh nghiệp

(CL&CS) - Hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã không ngừng được lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng tạo chỗ đứng vững vàng ở thị trường

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

sau rieng

 Nâng cao năng suất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế của doanh nghiệp

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng Đông Nam Bộ ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế. Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 

Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng có công nghiệp phát triển, là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực…

Vùng Đông Nam bộ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên đến nay, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu chung cấp vùng. Các doanh nghiệp trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ. Đơn cử, Tây Ninh có 1 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, 6 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao, 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khác.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại TP.HCM, đại diện tỉnh Tây Ninh cho hay, ngoài việc ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm sản xuất các sản phẩm đặc trưng. Trong đó phải kể đến xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc...) và chuẩn hoá chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo quy định.

Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, thông tin, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng khẳng định, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp của vùng chưa cao, sản xuất công nghiệp không có thêm nhiều sản phẩm mới với hàm lượng kỹ thuật cao để tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng của vùng. Chưa có các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu Việt, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao còn hạn chế.

Thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng, mẫu mã mà còn góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, Cục sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức sâu rộng hơn về thương hiệu thông qua chương trình thương hiệu quốc gia. Đây là hoạt động đặc thù nhằm bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng tạo chỗ đứng vững vàng ở thị trường trong nước và thế giới. Cục sẽ tổ chức nhiều chương trình liên quan tới nhận thức và xây dựng thương hiệu để doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thương hiệu.

Mong muốn vùng Đông Nam bộ thật sự phát triển trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu: “Vùng Đông Nam bộ cần có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp”.

Đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu

Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ cũng như từng địa phương của vùng, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển ngày càng lớn mạnh, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh trong thời gian tới và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết vùng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhận định, cơ sở hạ tầng, logistics còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lưu trữ, vận tải ngành thực phẩm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có đầu tư lớn, chính sách phát triển lĩnh vực này cho Đông Nam Bộ. Những kho lớn, kho lạnh rất cần thiết cho ngành thực phẩm hiện nay, nhưng do vốn đầu tư vào đây rất lớn nên nếu chỉ doanh nghiệp tham gia thì sẽ không đủ khả năng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành công thương cần phải đồng hành, xem đây là vấn đề chiến lược trong phát triển vùng trong thời gian tới, bà Chi chia sẻ.

Bên cạnh đó, các cấp bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tại Bình Phước, địa phương này đang kêu gọi thu hút đầu tư các hạng mục như: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm; Chế biến đồ gỗ, bao bì, chế biến vỏ, ruột xe, nệm cao su… tại KCN Becamex có diện tích 2.450 ha, KCN Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha; KCN Việt Kiều diện tích 104 ha…

Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước chia sẻ: “UBND tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác giữa Bình Phước với các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã ký kết. Đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bù đắp thiếu hụt, phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…”

Với TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến liên kết vùng, thúc đẩy xuất khẩu. Do đó, TP.HCM đã lên kế hoạch đẩy mạnh vấn đề này, trong đó sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha. 

Ngoài ra để giảm bớt tình trạng quá tải với Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, TP.HCM đang tính toán sớm xây dựng thêm những trung tâm triển lãm tầm cỡ tại TP. Thủ Đức, quận 12...

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nhất là khu vực Đông Nam Bộ) vẫn đang đối mặt những chông gai phía trước, từ khó khăn thị trường, chật vật với đơn hàng mới, chi phí lên cao, cho đến áp lực cạnh tranh, tăng giá cước, các tiêu chuẩn xanh, bất cập hạ tầng logistics…Để có sự “chuyển mình ” trong xuất khẩu đòi hỏi nhiều việc phải làm từ bản thân doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong vùng này.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS)- Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã chủ động áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.