Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm nhờ áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP
(CL&CS) - Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là mô hình chăn nuôi sạch được người chăn nuôi ở địa bàn TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, áp dụng nhiều nhất để bảo vệ tốt đàn vật nuôi, cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường, an toàn, chất lượng và đem lại lợi nhuận cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi các hộ, cơ sở chăn nuôi phải thay đổi tư duy và tăng cường áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, trong đó, mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang được nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên áp dụng vì giúp kiểm soát tốt bệnh dịch và tạo ra các sản phẩm thịt sạch, an toàn và chất lượng.
Hình minh họa
Quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong nông hộ (VietGAHP nông hộ) là những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng đã giúp giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hợp tác xã, hộ chăn nuôi.
Nhiều trang trại hiện áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn; gà uống nước theo nhu cầu; lắp đặt camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại.
Đặc biệt nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống xử lý chất thải… không những giải quyết hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Trong quá trình chăn nuôi, các trang trại, hộ chăn nuôi không những được địa phương định hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường mà còn được hỗ trợ về kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vì vậy nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô tập trung, cải tạo hệ thống chuồng trại khép kín với tiêu chuẩn đảm bảo “Ấm về mùa đông - mát về mùa hè”, có hầm biogas để xử lý chất thải sử dụng làm khí đốt.
Cân đối cung - cầu các sản phẩm chăn nuôi
Nhiều mô hình chăn nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá, cải tạo vườn trồng cây ăn quả để tận dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất xoay vòng nhằm làm giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Các hộ chăn nuôi cũng quan tâm hơn trong việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng quy trình giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm, thủy sản đảm bảo theo quy trình VietGap, cung ứng ổn định cho các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tỉnh Thái Nguyên tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thay đổi phương thức chăn nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đối phó với tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bảo đảm truy xuất an toàn thực phẩm, chia sẻ trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, giúp xác định được cân đối cung - cầu các sản phẩm chăn nuôi.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 6,8%
TP. Thái Nguyên hiện có gần 300 trang trại, gia trại, với quy mô đàn gia súc, gia cầm trên 130 nghìn con. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn đạt 21.500 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 53,5% kế hoạch năm 2024.
Để đạt được kết quả trên, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai tiêm phòng; cấp hóa chất phun, tiêu độc khử trùng… Kết quả đợt tiêm phòng lần 1, thành phố đã tiêm trên 77.000 liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; cấp 1.200 lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc cho các trang trại, gia trại. Nhờ đó, dịch bệnh luôn được kiểm soát, không có ổ dịch mới phát sinh.
Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của TP. Thái Nguyên cũng tăng cường kiểm soát giết mổ. Từ đầu năm đến nay, cán bộ chuyên môn đã thực hiện kiểm soát giết mổ gần 6.000 con lợn, trên 133.000 con gà, tổng thu phí gần 70 triệu đồng.
Nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung chè xanh
Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên.
Mô hình nghiên cứu được thực hiện tại gia đình ông Dương Quốc Hải, xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). Nhóm nghiên cứu (gồm các nhà khoa học từ Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên) xây dựng 4 ô chuồng nuôi thí nghiệm phù hợp cho 9 con lợn đen bản địa/ô chuồng, tương ứng với 4 lô thí nghiệm (đối chứng – thức ăn trộn 0% bột trà xanh; thí nghiệm 1 – 1% bột trà xanh; thí nghiệm 2 – 3% bột trà xanh; thí nghiệm 3 – 5% bột trà xanh).
Thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên (cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng - vitamin tổng hợp…) ủ men vi sinh kết hợp với bột trà xanh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 12-2023 đến tháng 6-2024.
Đây là tiền đề để nâng cao giá trị thịt lợn, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Từ hiệu quả mô hình, Ban Chủ nhiệm đề tài đang làm hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thịt lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên.
Minh chứng cho thấy, sau hơn 6 tháng triển khai, bước đầu đàn lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu trà xanh tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa. Lợn thí nghiệm được nuôi theo phương thức chăn nuôi chuồng hở thông thoáng tự nhiên, trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh nên nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, không phải tắm cho lợn, giảm mùi hôi trong chuồng nuôi.
Ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu quan tâm hơn nữa tới môi trường; áp dụng quy trình chuồng trại chăn nuôi sạch, không mùi, không muỗi, không phân. Qua đó, tiến tới có thể áp dụng nuôi trong các khu du lịch sinh thái, phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thức ăn đóng gói có bao bì, mã vạch bán cho người chăn nuôi. Đồng thời, tăng lô thí nghiệm, thêm công thức tăng tỷ lệ bột trà xanh trong khẩu phần ăn. Nghiên cứu thời gian nuôi, khối lượng xuất chuồng tốt nhất.
Chân Viên
Bình luận
Nổi bật
Cải tiến hệ thống quản lý môi trường cho tổ chức, doanh nghiệp với bộ tiêu chuẩn ISO 14001
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17
(CL&CS) - Áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14001 giúp nâng cao năng lực quản lý các khía cạnh môi trường thông qua chương trình hành động vì môi trường được triển khai trong toàn doanh nghiệp…
Vai trò của tiêu chuẩn ISO 13485 trong sản xuất vật tư y tế
sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 08:32
(CL&CS)- Tiêu chuẩn ISO 13485 cho phép dễ dàng xác định quy trình sản xuất, các bước kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, giám sát hiệu suất quá trình và giám sát hiệu suất của thành phẩm.
Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động
sự kiện🞄Thứ ba, 05/11/2024, 14:23
(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.