Thứ tư, 20/11/2019, 06:08 AM

Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam: Lớp học “0 đồng” của cô giáo Thanh

(NTD) - Lớp học “0 đồng” của cô giáo Nguyễn Thị Thanh (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) nằm lọt thỏm dưới mái hiên nhà cũ kỹ. Suốt hơn 25 năm qua, cô vẫn lặng lẽ gieo từng con chữ cho những học trò nghèo, những học sinh khuyết tật trên địa bàn.

Lớp học tình thương...

Lớp học ấy chỉ vỏn vẹn có 5 bộ bàn ghế cũ kỹ và tấm bảng đã sờn màu. Nhưng suốt hơn 25 năm qua, cô Thanh vẫn miệt mài trau chuốt từng con chữ, tập đánh vần cho biết bao học trò nghèo, những trẻ em chất độc da cam, trẻ mồ côi cha mẹ... Nắn nót nên từng con chữ yêu thương. Và “học phí” trò dành cho cô cũng chỉ là những quả trứng gà, từng trái bắp luộc, củ khoai...

Cô Thanh kể, sau khi ra trường, cô được đứng lớp dạy ở huyện Nam Trà My 2 năm. Sau đó, cô được chuyển về Trường THCS Tiên Thọ (huyện Tiên Phước). Sau những ngày tháng về trường, thấy số học sinh nghèo, khuyết tật nhiều, nhưng chậm tiếp thu, số tiết dạy trên lớp lại không đủ để học trò hiểu hết bài giảng. Thế là cô “lôi” các em về nhà để dạy. Năm 1993, lớp học miễn phí của cô Thanh được “dựng” lên trong căn nhà mái tranh của mẹ mình. “Lúc đó, học sinh nghèo thì ít, nhưng học sinh khuyết tật thì nhiều. Đứa nào cũng muốn được đi học, nên ba mẹ phải bồng bế đến nhà cô. Nhọc nhằn không kể hết được. Nhưng càng dạy, càng thương chúng nó. Cứ thế mà dạy, quên cả tuổi xuân. Đàn ông thấy cô dạy trẻ khuyết tật thì “sợ”. Cô thì thương học trò, không còn thời gian để nghĩ đến chuyện riêng tư nữa” - cô cười chia sẻ.

a
Dạy trẻ nắn nót từng con chữ. (Ảnh: Đ. Hải).

Thấy cô Thanh miệt mài với lớp học khuyết tật, một đoàn từ thiện đã về xã xây dựng 2 căn phòng nhỏ dành cho những trẻ khuyết tật. Thế là cô lại tất tả theo các em ra điểm trường khang trang hơn để dạy. Thời gian rảnh rỗi còn lại, cô vẫn dành cho các cháu mồ côi, nghèo khó tại nhà mình. “Dạy từ năm 1997-2002 thì 2 lớp đó giải tán vì địa phương có cơ chế cho các cháu tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng một thời gian sau các cháu cũng đòi trở về học lại tại nhà cô, thế là tôi nhận dạy luôn” - cô Thanh kể.

Dưới mái tôn được che phủ một lớp bạc mỏng để làm “la phông” tránh cái nóng gay gắt của ngày hè, lớp học của cô Thanh ngày ngày vẫn rôm rả tiếng ê a của trẻ. Từng nét phấn trắng vẫn được viết lên chiếc bảng xanh gỗ mục; những chiếc bàn ọp ẹp... mà bao thế hệ học sinh đã lớn lên. Cô Thanh bảo, những vật dụng dạy học này đã tồn tại với lớp học miễn phí từ khi lớp mới ra đời. Cô tâm sự, “tài sản” lớn nhất cô nhận được sau những năm tháng đứng trên bục giảng, là những kỷ niệm vui buồn với lũ học trò nghèo. Có những kỷ niệm buồn khó quên, đến giờ nhắc lại vẫn rưng rưng nước mắt. Hơn 25 năm giảng dạy, cô Thanh không đòi hỏi điều gì, chỉ mong trò chăm ngoan, học giỏi. “Có em khuyết tật, không chịu đi học, tôi đến nhà dỗ dành đến lớp. Tôi mua sách vở cho chúng và dạy mấy tháng trời mới viết được chữ. Có những học trò học đến 5 năm lớp một. Tôi vẫn miệt mài dạy. Dạy đến lúc nào chúng đọc được mới thôi. Và ngày nào còn sức khỏe, tôi sẽ còn duy trì lớp học để bù đắp những thiếu thốn cho bọn trẻ ở quê” - cô tâm sự.

a1
Học sinh ở đây gia đình đều nghèo, có những học trò mồ côi bố mẹ. (Ảnh: Đ. Hải).

...viết nên ước mơ của đời mình

Cô Thanh cho biết, lớp học của cô hoàn toàn miễn phí, nhưng thỉnh thoảng có phụ huynh đóng góp 50.000-100.000 đồng, cô vẫn nhận để thêm tiền mua phấn, bút mực cho các em cũng như để chi trả đỡ một phần tiền điện. Tích cóp dành dụm thêm để sắp tới, làm lại mái hiên nhà, vì chúng đã quá cũ kỹ, mùa nắng thì nóng ran, mùa mưa gió tạt ướt đến tận chân bàn, thấy thương tụi nhỏ.

60 tuổi, cô Thanh chỉ có người mẹ già bên cạnh, lấy niềm vui nơi học trò, không mảy may hạnh phúc riêng tư cho mình. Cô bảo: “Dạy học là niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời mình. Không gì vui hơn, khi mỗi ngày được nhìn thấy lũ trẻ vui cười, rồi được chứng kiến chúng lớn lên, đi học. Viết nên ước mơ của đời mình, bắt đầu từ những câu chữ nắn nót, dạy bảo của tôi...”

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội khuyến học xã Tiên Thọ (Tiên Phước) chia sẻ, cô Thanh là người rất năng nổ trong công tác dạy học tại địa phương. Nhờ có cô mà nhiều trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học miễn phí. Qua đó giúp cho các em học sinh được học chữ và không bỏ học giữa chừng..

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã được tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.

a2
Cô Thanh còn dành tiền để mua thêm thức ăn cho những bữa ăn phụ. (Ảnh: Đ. Hải).

Đông Hải

Bình luận

Nổi bật

Hà Nội: Đề xuất xây dựng một số hầm chui trong thời gian tới

Hà Nội: Đề xuất xây dựng một số hầm chui trong thời gian tới

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 14:43

(CL&CS) - Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án đầu tư công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn.

VINAMAC EXPO 2024: Hướng tới sản xuất xanh và công nghiệp xanh

VINAMAC EXPO 2024: Hướng tới sản xuất xanh và công nghiệp xanh

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 14:43

(CL&CS)- Thương hiệu xanh đang trở thành một khái niệm phổ biến khi nhu cầu và tiêu chí sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao đặc biệt là ý thức quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Dấu ấn chuyển đổi số ngành Du lịch

Dấu ấn chuyển đổi số ngành Du lịch

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 09:59

(CL&CS) - Hiện các điểm tham quan, bảo tàng, khu di tích trên địa bàn Thủ đô đang tích cực đổi mới phương thức bán và soát vé tham quan thông qua hệ thống vé điện tử. Trước yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số trong ngành Du lịch, đây được xem như một giải pháp mới tạo thuận lợi cho cả 3 bên: Khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và Ban Quản lý điểm đến.