Mì Miliket 2 tôm: Từ huyền thoại tới “cái bóng” thị trường

(NTD) - Được coi là huyền thoại khi chiếm tới 90% thị phần, nhưng hiện tại Miliket đã trở thành cái bóng trên thị trường mì ăn liền cũng như chứng khoán.

Trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại hàng hóa. Vì thế, đa số các mặt hàng xuất hiện trên thị trường đều được đón nhận. Tuy nhiên, chỉ có một vài nhãn hiệu vươn tới tầm “huyền thoại” như xà bông Cô Ba hay mì ăn liền Miliket.

Huyền thoại mì 2 tôm

Mì ăn liền Miliket có thể xem là sản phẩm khá đặc biệt vì nó được sản xuất bởi “công nghệ cao” ở thời điểm đó. Mì ăn liền Miliket vừa có mức giá vừa phải, vừa tiện dụng nên sản phẩm này nhanh chóng được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng xuất hiện Miliket 2 tôm.

Sản phẩm này nổi tiếng tới mức người dân Việt Nam quen gọi mì ăn liền là mì tôm (gọi tắt cho mì 2 tôm). Cho tới ngày nay, mì tôm vẫn là từ được sử dụng rộng rãi dù thị trường mì ăn liền đã trở nên vô cùng sôi động với sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn.

Thuở đó, các công cụ tính thị phần hàng hóa khá xa lạ với các nhà kinh tế. Tuy nhiên, nhiều số liệu khẳng định sản phẩm mì 2 tôm chiếm tới 90% thị phần cả nước. Đây là thông tin có vẻ đáng tin cậy vì Miliket được coi là sản phẩm duy nhất có trên thị trường.

Mì Miliket 2 tôm là sản phẩm của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket. Tiền thân của công ty là là hai xí nghiệp: Xí nghiệp Chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket.

Với chỉ một vài sản phẩm mì ăn liền truyền thống từ thuở ban đầu, đến nay sản phẩm Colusa - Miliket đã được phát triển đa dạng bao gồm trên 60 mặt hàng thực phẩm chế biến các loại.

miliket2
Hiện thị phần của Miliket chỉ duy trì ở mức rất thấp 4%.

Giờ chỉ còn là “cái bóng”

Thế nhưng, mì 2 tôm chỉ làm mưa làm gió ở thời bao cấp. Sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, các hãng tư nhân và đại gia ngoại nhanh chóng đánh bật “huyền thoại” Miliket. Hiện tại, ở thị trường mì gói, Miliket chỉ là “cái bóng” với doanh số rất khiêm tốn.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2017 của Colusa - Miliket, dù tăng gấp 3 lần so với quý 3/2016 nhưng lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 tại công ty vẫn chỉ đạt 6,6 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ đạt gần 137 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng, tương ứng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tăng nhẹ nhưng hàng tồn kho vẫn đang là vấn đề của Colusa - Miliket. Tại thời điểm 30/9, hàng tồn kho tại công ty đạt 27 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng, tương ứng 17% so với hồi đầu năm nay. Hàng tồn kho của Colusa - Miliket vẫn cao bất chấp công ty có nhiều hoạt động thúc đẩy bán hàng.

Colusa - Miliket cho biết công ty đã xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình Tổ bán hàng tại nhà phân phối tiềm năng khu vực phía Nam để thúc đẩy bán hàng. Đồng thời, xây dựng chương trình khuyến mại bằng sản phẩm cùng loại, chương trình khuyến mại tặng thêm bằng vật phẩm theo mùa bán hàng (tập học sinh, áo mưa, tô, bột ngọt, bột canh…), xây dựng các chương trình thưởng thúc đẩy bán ra: Thưởng đạt chỉ tiêu, thưởng vượt chỉ tiêu, thưởng thêm khuyến khích đạt chỉ tiêu…

Tuy nhiên, trong tình hình các công ty cùng ngành cũng đều cố gắng tăng chương trình khuyến mại để thu hút nguồn tiêu thụ, nên công ty chưa đạt được hiệu quả thúc đẩy tăng được sản lượng như mục tiêu đã đề ra, chỉ mới đạt kết quả giúp duy trì sản lượng nền của một số sản phẩm chủ lực.

Năm qua, không chỉ các thương hiệu mạnh có sẵn trên thị trường mì gói Việt Nam tạo ra áp lực cạnh tranh lớn như Masan, Acecook… mà còn có sự xuất hiện và nổi lên nhanh chóng của Uniben - thương hiệu “âm thầm” vượt thị phần Masan ở khu vực nông thôn trong nửa đầu năm 2016.

Kết quả là thị phần của Miliket chỉ duy trì ở mức rất thấp 4%. Trong khi đó, Acecook dẫn đầu với 40%. Đứng sau là Asiafood (15%), Masan (15%), các doanh nghiệp còn lại chiếm 26%.

Vì là cái bóng ở thị trường mì ăn liền nên Colusa - Miliket không được đánh giá cao khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu CMN chào sàn UpCom ngày 10/7 và ít nhiều gây ấn tượng khi tăng trần 3 phiên liên tiếp và đạt mức cao 48.100 đồng/cp.

Tuy nhiên, cổ phiếu này nhanh chóng sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 1/12, CMN dừng ở mức 31.000 đồng/cp, giảm 17.100 đồng/cp, tương ứng 35,6% so với mức “đỉnh” thiết lập hồi cuối tháng 7.

Nhưng những con số này không nói lên được sự thờ ơ của nhà đầu tư với CMN. Mặc dù có 4,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường nhưng khối lượng giao dịch bình quân của CMN trong 10 phiên gần đây chỉ là 2.620 cổ phiếu. Trong nhiều phiên, CMN thậm chí không phát sinh bất cứ giao dịch nào.

 Bảo Linh

Bao Nguoi Tieu Dung so 390_In_Page_17
 

Bình luận

Nổi bật

Bất động sản khu công nghiệp giữ đà tăng trưởng tốt

Bất động sản khu công nghiệp giữ đà tăng trưởng tốt

sự kiện🞄Thứ bảy, 01/06/2024, 19:41

Những năm gần đây, bất động sản công nghiệp nổi lên, liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường bất động sản Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường bất động sản vẫn mang nặng tính “đầu cơ”?

Thị trường bất động sản vẫn mang nặng tính “đầu cơ”?

sự kiện🞄Thứ bảy, 01/06/2024, 19:39

Trong những tháng đầu năm 2024, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ (những loại hình phục vụ nhu cầu ở thực) giảm, trong khi đó, giao dịch đất nền (phân khúc mang nặng tính đầu cơ) lại tăng đã phần nào cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang có tính đầu cơ cao.

Nhà đầu tư sẽ “thuận mua vừa bán” khi Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực?

Nhà đầu tư sẽ “thuận mua vừa bán” khi Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực?

sự kiện🞄Thứ bảy, 01/06/2024, 19:39

Nhiều chuyên gia nhận định khi Luật Đất đai 2024 cùng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản, trong đó, tính minh bạch, "thuận mua vừa bán" và không bị ép buộc sẽ là chủ đạo.