Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 22/02/2024, 09:23 AM

Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CL&CS) - Ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cụ thể, theo Quyết định số 389/QĐ-BVHTTDL ngày 21/02/2024 do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm là loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia.

1

Sau khi làm lễ, người dân tiến hành rước thần ngư ra biển để cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu

Tục thờ Cá Ông tại làng Cam Lâm - xã Xuân Liên chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Một phong tục đã ăn sâu trong đời sống văn hoá nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hi vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp lộc trời.

Theo sử sách, năm 1953, làng Cam Lâm tổ chức Lễ rước các Thánh vị Tôn thần (Thành Hoàng làng và Ngư ông). Mặc dù thời gian biến thiên, Lễ Cầu ngư dần mai một, nhưng vào ngày rằm, mồng một hằng tháng, ngư dân ở làng Cam Lâm vẫn dành niềm tin tâm linh, tín ngưỡng tuyệt đối cho Ngư Ông. Cho đến nay, làng Cam Lâm tiếp tục duy trì Lễ Cầu ngư nhưng mỗi năm một nghi thức khác nhau.

2

Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn, trở thành lễ hội mang đậm nét văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tâm linh truyền thống ở vùng quê nơi đây.

Đền Đông Hải nằm ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên (trước đây là làng Cam Lâm). Làng Cam Lâm do 3 ông Trần Canh, Lê Công Toản và Nguyễn Như Tiến (có sách ghi là cụ Nguyễn Nhật Tân) xin bãi cát hoang ven biển rồi chiêu tập dân lập ấp. Từ mảnh đất cằn nay trở thành vùng đánh cá sầm uất.

Nghề đánh cá biển gắn với tập tục lâu đời của miền quê biển. Một buổi sáng, dân Cam Lâm thấy trên bãi cát làng có bộ xương cá voi trôi dạt vào. Vì cá voi được coi là cá thần (ngư thần), thường giúp ngư dân khi gặp nạn. Đã có nhiều chuyện kể lại khá ly kỳ. Như cá voi giúp nâng thuyền và đẩy vào gần bờ cứu người gặp nạn; người bị trôi ngoài biển thì cá voi nâng người và chở vào gần bờ, rồi lựa sóng để thả thuyền, thả người để sóng xô lên bãi cát... Những nghĩa cử ấy được con người ví cá voi như một vị thần, dân ở vùng này gọi là thần Đông Hải.

3

Nghi lễ chạy thuyền trong lễ hội cầu ngư.

Xương cá voi khi dạt vào bờ, được bà con tổ chức lễ tang chôn cất chu đáo như người. Ngư dân còn lập bàn thờ; lúc đầu là một gian thờ sơ sài, nhưng khi cuộc sống của người dân biển sung túc hơn, họ xây dựng hẳn một đền thờ rất nghiêm cẩn. Đền thờ này về sau được một triều Vua phong sắc hiệu thần Đông Hải là: “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nậm linh ứng uông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh thần”. Đền nằm hướng đông bắc, trên diện tích gần 2000m2, cấu trúc hình chữ đinh (giống chữ T) trông rất uy nghi, trầm mặc.

Chính giữa ngôi đền là mộ cá voi được ốp đá hoa cương màu đen (hai bên ngoài thượng điện có 17 mộ cá voi chôn sau). Phía trong là hương án xây, trên đặt bộ 3 long ngai bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng bát hương và các đồ thờ thông dụng khác. Đền Đông Hải, xã Xuân Liên có 4 đạo sắc phong, năm 2017 được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh.

4

Đông đảo người dân hào hứng tham gia lễ hội.

Theo ông Đinh Trọng Liến, Trưởng ban làng Cam Lâm cho biết: Lễ Cầu ngư làng Cam Lâm có từ hàng trăm năm nay, tục thờ thần Cá Ông của người dân biển nơi đây cũng gắn liền với thờ Thành hoàng làng. Ban ngày làm phần tế lễ, sau phần tế lễ là tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, các trò thể thao; ban đêm tổ chức hát xướng rất vui và kéo dài hằng đêm. Ở Cam Lâm có Câu lạc bộ Trò Kiều từ rất lâu, những năm gần đây còn phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian khác như Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức tại Đền Đông Hải (ngôi đền có lăng của các Ngư thần).

Trong ngày diễn ra phần lễ của Lễ hội Cầu ngư, ngư dân sẽ tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế,… Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu ngư (bắt đầu từ lăng Ông, tức là đền Đông Hải).

Sau phần này, ngư dân sẽ tiếp tục thực hiện những lễ nghinh thuỷ, lễ rước hồn Thần Đông Hải. Trong buổi lễ, các thành viên trong Ban tế lễ được Ban tổ chức phân công cúng lễ theo phong tục cổ truyền tại Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Vật phẩm dâng cúng bao gồm các loại đặc sản của địa phương và hương, hoa. Sau khi dâng lễ vật, chủ tế sẽ đọc chúc văn và văn tế.

5

Đền Đông Hải (đền Cá Ông) nằm ở thôn Lâm Hải Hoa là nơi thờ vị Đông Hải Đại Vương còn gọi là thần ngư.

Trước và sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu ngư sẽ được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như Trò Kiều và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền,... Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm nhưng cũng rất sôi động và thú vị.

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:24

(CL&CS) - Nghề chế biến cói đã có từ lâu và là nghề gắn liền với cây lúa, đánh bắt thủy, hải sản để nuôi sống người dân Kim Sơn.

Việt Nam có một ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi, nằm cách thành phố Huế 40km, được đề xuất nâng hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Việt Nam có một ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi, nằm cách thành phố Huế 40km, được đề xuất nâng hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 09:45

Ngôi làng được bao bọc bởi con sông Ô Lâu êm đềm tạo nên khung cảnh bình yên.

Bạch công tử từng là tay chơi khét tiếng bậc nhất trời Nam, nổi tiếng đa tình nhưng cuối đời bi thảm, ‘chết không có đất chôn’

Bạch công tử từng là tay chơi khét tiếng bậc nhất trời Nam, nổi tiếng đa tình nhưng cuối đời bi thảm, ‘chết không có đất chôn’

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 08:15

Nhắc đến tên Bạch công tử, người đời sẽ nhớ đến những cuộc tình đã trở thành giai thoại của ông.