Thứ sáu, 18/08/2023, 14:36 PM

Lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống truy xuất “dấu chân” trái thanh long

(CL&CS)- Sáng 17/8, Bộ NN&PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”.

Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam", nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, hỗ trợ thực hiện các cam kết Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong ngành nông nghiệp.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn vẫn cần được cải thiện. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh rằng “chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”.

img-0582

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói “Chúng tôi rất vui khi hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon được số hóa đã được thiết lập cho hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm. Công cụ này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng để hoạt động trong một nền kinh tế xanh, nơi mà việc tuân thủ các chuẩn mực ‘xanh’ và tiêu chuẩn ‘xanh’ là điều được yêu cầu như một xu hướng mới.”

Người tiêu dùng có thể truy xuất dấu chân các-bon trong sản xuất nông sản

Tại Hội nghị, lần đầu tiên UNDP và Bộ NN&PTNT giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và "dấu chân các-bon" của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận.

Người trồng Thanh Long tại Bình Thuận đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và “dấu chân các-bon” của từng quả thanh long. Với hệ thống này, giờ đây, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ canh tác thân thiện với môi trường một cách minh bạch nhất.

Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí phát thải khí carbon được lắp đặt tại từng vườn trồng, cập nhật lên không giang mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Không chỉ dừng lại ở đó, công nghệ này còn phân tích, để đưa ra các giải pháp để giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản.

Cụ thể, cải thiện hiệu quả sử dụng điện chiếu sáng – chuyển từ bóng Compact sang đèn Led giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống trong vườn thanh long, đã giúp hấp thu khí carbon do cây thanh long thải ra. Ước tính trồng 100-300 cây thân gỗ/ha, hấp thụ được 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20-45% lượng phát thải tại trang trại.

Đến nay, đã có 99 vườn trồng của nông dân thuộc 4 hợp tác xã tại Bình Thuận (HTX Thanh long Hoà Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến, Công ty Phúc Hà) đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống này.

thanh-long-1692262262

Lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống truy xuất “dấu chân” trái thanh long

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng hưởng ứng thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững

Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.

Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước tại cấp trung ương, địa phương còn của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, GIZ, IRRI, IDH, Oxfarm… đã triển khai nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng số hóa trong sản xuất, thu hoạch, phân phối một số loại nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa, tôm, cà phê, cây ăn trái… đã đạt được những thành công nhất định.

Đề cập về xu hướng số chuyển dịch nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng người tiêu dùng thông minh quan tâm đến sức khỏe, minh bạch, giá trị xã hội, không gian tương tác. Do đó, vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số.

Theo ông Toản, ứng dụng số vào nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được mở ra nhiều hướng như:

Sử dụng các công nghệ số hóa như cảm biến, hệ thống giám sát tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Sử dụng dữ liệu thu thập từ các cảm biến để dự đoán thời tiết, khuyến nghị giống cây, quản lý tình trạng sức khỏe của cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.

Tích hợp chuỗi cung ứng, sử dụng các nền tảng công nghệ để tạo liên kết giữa người nông dân, nhà máy chế biến, thị trường và người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ số vào đào tạo để nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, từ việc sử dụng các ứng dụng di động đơn giản cho đến quản lý các hệ thống phức tạp hơn như trí tuệ nhân tạo và blockchain.

Hình thành hệ thống dịch vụ trực tuyến: các nền tảng trực tuyến cho việc mua bán sản phẩm nông nghiệp, tư vấn nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin.

Tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong chuyển đổi số.  

Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư viên tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ số để quản lý tài nguyên nước, đất đai và rừng nguyên liệu một cách hiệu quả, theo dõi và đánh giá tác động của hoạt động nông nghiệp đối với môi trường.

Do đó, ông Toản cho rằng cần phải xây dựng hệ thống kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chuyển đổi sang một cách tiếp cận mới lấy dữ liệu làm trung tâm để cho phép tích hợp hệ thống và các phần mềm trong cùng một nền tảng đồng bộ nhằm tạo ra sự cộng hưởng hiệu quả.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 15:25

(CL&CS)- Chiều ngày 26/4, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức triển lãm các thành tựu sau 4 năm chuyển đổi số (2020 - 2024) và Workshop: Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS)- Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:54

(CL&CS) - Từ đóng gói thực phẩm năng động dựa trên vật liệu nanocompozit chứa tinh dầu, đến polyme siêu hấp thụ ghép mạch bức xạ, vật liệu tiên tiến được xử lý bằng bức xạ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, cải thiện chăm sóc sức khỏe và hơn thế nữa.