Lãi suất tăng: Kẻ cười, người khóc

(CL&CS)-Thời kỳ “tiền rẻ” đã chính thức đi qua khi các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi áp lực lên lãi suất cho vay. Động thái này gây ra phản ứng trái chiều trong người dân, người vui mừng, người lo lắng.

Đường đua lãi suất lại “nóng”

Ngày 23/09/2022 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 6 tháng tăng lên 5%/năm. Mục đích của NHNN hướng đến việc kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá trước áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sau khi FED liên tiếp tăng lãi suất. 

Sau động thái này của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM), cả NHTM thuộc nhà nước và tư nhân, đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được đẩy lên mức 8,9%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, cao hơn 1,35%/năm so với trước.

Không riêng tại SCB, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa niêm yết biểu lãi suất mới tăng từ 0,3-1%/năm tại nhiều kỳ hạn.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi nhận biểu lãi suất huy động mới, tăng thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn.

Còn tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), lãi suất cao nhất đã tăng 0,5%/năm lên 7,8%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 12 tháng.

Trong tuần đầu tháng 10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng niêm yết biểu lãi suất mới với mức cao nhất chạm mốc 8%/năm dành cho tiền gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng dao động từ 7-7,3%/năm; kỳ hạn từ 12-18 tháng lãi suất từ 7,4-7,7%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã điều chỉnh biểu lãi suất cao nhất lên mức 8%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) huy động lãi suất cao nhất 7,85%/năm dành cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất từ 6,8-7,6%/năm...

Cuộc đua lãi suất huy động đang ngày càng "nóng" khi có sự tham gia của cả 4 ngân hàng thuộc “Big 4” gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, từ trước đến nay đứng ngoài đường đua lãi suất, đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn lên thêm 0,7% - 1%/năm.

Đơn cử, ở kỳ hạn 6 tháng, nhóm Big 4 đều tăng lãi suất lên mức 4,1% - 4,4%/năm; ở kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tăng lên 4,7% - 4,8%/năm; ở kỳ hạn 1 - 3 năm, lãi suất tăng lên mức 6,4%/năm. Đối với hình thức tiền gửi online, lãi suất thậm chí còn tăng cao hơn, ví dụ như Vietcombank áp dụng lãi suất lên đến 6,8%/năm.

Giới chuyên gia dự báo lãi suất huy động có thể sẽ còn tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao cho mùa cao điểm cuối năm của nền kinh tế.

Kẻ cười người khóc

Lãi suất tiền gửi tăng gây áp lực tăng lãi suất cho vay. Người gửi tiết kiệm hưởng lợi còn người đi vay như “ngồi trên đống lửa”.

Chị Lan Anh (TP.HCM) cho biết đang gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại một ngân hàng tư nhân với lãi suất 5,1%/năm từ hồi tháng 3 số tiền 500 triệu đồng. Với lãi suất này, cuối kỳ chị sẽ nhận được 25,5 triệu đồng tiền lãi. Nhưng vài ngày trước, chị được thông báo lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 7,2%/năm, tăng thêm 2,1%/năm.

“Với mức lãi suất này, nếu tiếp tục gửi tiết kiệm thêm 6 tháng nữa, tính luôn cả tiền lãi nhập gốc kỳ trước, thì tổng tiền lãi nhận được cuối kỳ tôi nhận được là gần 38 triệu, cao hơn 11 triệu so với mức lãi cũ”, chị Lan Anh nhẩm tính.

Trái ngược với niềm vui của chị Lan Anh, anh Trung lại tỏ ra lo lắng. Anh cho biết đang vay ngân hàng số tiền 800 triệu đồng nhằm phục vụ kinh doanh. Lãi suất năm đầu tiên là 9,5%/năm, năm thứ hai tăng vọt lên 11,5%/năm. Gần đây, anh Trung tá hỏa khi nhân viên tín dụng thông báo, bắt đầu từ tháng 10, lãi suất cho vay sẽ tăng lên 13%/năm.

“Từ đầu năm nay, giá nguyên liệu tăng chóng mặt đã khiến doanh nghiệp tôi bị độn chi phí nhiều. Nay lãi suất lại tăng, chi phí đầu vào còn tăng thêm. Chúng tôi buộc phải tăng giá bán để bù chi phí, nhưng làm vậy có thể mất khách hàng. Nếu không tăng giá thì lợi nhuận sẽ bị bào mòn rất lớn”, anh Trung chia sẻ.

Dự báo về diễn biến lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng thêm 1% - 1,5%/năm.

Đạt Trần

Bình luận

Nổi bật

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:44

(CL&CS) - Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

Mặc dù thị trường mới chỉ nhen nhóm tín hiệu phục hồi, tuy nhiên không ít những phân khúc bất động sản đã ghi nhận đà tăng giá nhanh chóng, đặc biệt là phân khúc chung cư. Có lẽ điều cần làm lúc này là làm sao có thể kéo giá bất động sản ngừng tăng để đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có nhu cầu.

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:59

Theo dữ liệu của DKRA cho thấy giá căn hộ mới ở Đà Nẵng vẫn neo cao và tiếp đà tăng nhẹ. Giá sản phẩm cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hải Châu.