Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 28/05/2024, 13:38 PM

Ký ức người lính vận tải Trường Sơn: 'Nhiều lúc đói quá phải ăn mìn dẻo C4, mỗi anh bấu 1 mẩu nhỏ như hạt lạc, uống chút nước vào là thấy cũng đỡ'

Hiện thực chiến tranh tàn khốc khi đó như hiện rõ ra trước mắt qua lời kể của chính những người chiến sĩ đã không ngại khổ, ngại khó, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những ngày gần đây, một trích đoạn của bộ phim tài liệu chiến tranh được giới trẻ truyền tay nhau trở nên phổ biến trên MXH, mà ở đó, tưởng chừng như chúng ta đang sống trong thời bình lại như được tận mắt chứng kiến quá khứ oanh liệt, hào hùng nhưng cũng không kém phần đau thương, mất mát của cha ông ta khi đấu tranh giành lại Tổ quốc.

Highlight tập 3, phim tài liệu "Những giải mã mang tên Việt Nam"

Với mong muốn lưu giữ các sự kiện lịch sử quân sự của Việt Nam, nhằm tôn vinh và ghi nhớ sự hy sinh của các thế hệ đi trước, hiểu rõ giá trị của hòa bình và trên hết là phân tích, khám phá chiến lược quân sự của Việt Nam, cũng như giải mã những bí ẩn lịch sử còn trong diện bảo mật hoặc ít người biết đến, bộ phim tài liệu "Những giải mã mang tên Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2021, nhằm kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giống như một dạng bảo tàng Chiến lược - Chiến thuật quân sự Việt Nam được truyền hình hóa. Dự án này cũng tập trung thu thập và đóng góp các tư liệu quý giá (bao gồm hình ảnh động và tĩnh, tư liệu ký ức) về một giai đoạn chiến tranh kéo dài trong lịch sử Việt Nam.

Trong tập 3 của bộ phim tài liệu này, những người lính vận tải Trường Sơn khi ấy, nay đã là những cựu chiến binh vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nói đến ký ức về những ngày tháng ác liệt trong chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972.

Những người chiến sĩ khi ấy bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những ngày quyết liệt của chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972. Ảnh: Chụp màn hình

Những người chiến sĩ khi ấy bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những ngày quyết liệt của chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972. Ảnh: Chụp màn hình

Khi ấy, vào ngày 5/4/1972, về Công tác bảo đảm hậu cần Chiến dịch tiến công Đắc Tô - Tân Cảnh - Kon Tum (khi ấy ghi là Công Tum) được ghi trong cuốn Biên niên sự kiện Lịch sử Hậu Cần QĐND Việt Nam 1954-1975 của Tổng Cục Hậu Cần, kể rằng công tác hậu cần cho chiến dịch gặp khó khăn ngay từ công đoạn chuẩn bị. Đến giữa tháng 3/1972, đường sá chưa mở xong, địch lại bắn phá quyết liệt nên số gạo của đoàn 559 chuyển vào dự trữ cho chiến dịch chỉ đạt 55% kế hoạch. 

Vì địa hình hiểm trở, xe không vào được điểm đánh, các chiến sĩ hậu cần bắt buộc phải vận chuyển đường bộ lên đến điểm đánh.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm kể lại làm sao có thể vận chuyển lương thực dự trữ cho chiến dịch vào ngày khó khăn ấy, Ảnh: Chụp màn hình

Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm kể lại làm sao có thể vận chuyển lương thực dự trữ cho chiến dịch vào ngày khó khăn ấy, Ảnh: Chụp màn hình

Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm, Nguyên Đại úy, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 320, Nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc Phòng, kể về hành trình gian nan khi vận chuyển lương thực dự trữ lên cho chiến dịch: "Cả sư đoàn có một trung đội xe khoảng hơn một chục chiếc, nhưng cũng không có đường vận tải vào đấy. Từ chân kho của sư đoàn đến điểm đánh còn khoảng dăm bảy cây số nữa, nên lại phải vận tải bộ, khuân từ chân Chư Mon Ray đến chân cao điểm 1049".

Việc di chuyển đến điểm đánh gặp vô vàn khó khăn. Video cắt từ phim tài liệu "Những giải mã mang tên Việt Nam" thuộc đài VTV

"Hậu cần B3 không có gạo cũng không có đạn, nếu đánh nhau là phải chờ. Ở ngoài Bắc đưa vào thì ít, mà huy động tại chỗ và mua từ Campuchia sang được ít nào hay ít đó", Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm kể thêm - "Chúng tôi đánh nhau là không có bánh lương khô, chỉ bằng cơm nắm thôi. Sáng nắm 2, 3 năm cơm cho bộ đội, anh nuôi mò lên đưa cho từng người, nếu bị thương thì người khác lên thay".

Bộ đội khi đó

Bộ đội khi đó "đói lắm", 2,3 nắm cơm ăn trong 3 ngày. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Đặng Xuân Thái, Nguyên Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 25 Vân tải, Sư đoàn 320 kể, bộ đội hành quân phải vừa đi vừa nấu ăn, hai anh gánh đòn, bắc nồi ở giữa, anh đằng sau cầm bó đuốc rồi đun cơm lên ăn.

"Anh đi đằng trước một tay chống gậy một tay gánh, anh đi sau tay cầm bó đuốc để đun. Gạo thì toàn gạo trôi sông thôi. Thậm chí, anh em phải ăn đến cái thuốc nổ gọi là hợp chất C4, nó giống như xà phòng dẻo của mình. Mỗi anh bấu một tí, chỉ chừng hạt lạc thôi, uống tí nước vào tự nhiên thấy trong người cũng đỡ", ông Thái kể, gương mặt hơi cười, nói như không phải chuyện gì to tát.

Người đi trước, người đi sau, gánh đòn vừa hành quân vừa nấu cơm. Ảnh: Chụp màn hình

Người đi trước, người đi sau, gánh đòn vừa hành quân vừa nấu cơm. Ảnh: Chụp màn hình

Đói khổ đến mức, bộ đội khi ấy phải lật xác của những người đồng đội đã hy sinh, tìm xem còn cơm nắm không. Ảnh: Chụp màn hình

Đói khổ đến mức, bộ đội khi ấy phải lật xác của những người đồng đội đã hy sinh, tìm xem còn cơm nắm không. Ảnh: Chụp màn hình

"Tôi phải lật đồng đội lên xem còn cơm nắm không, tiêu chuẩn mỗi một ngày là hai lạng rưỡi, đến mình chỉ còn khoảng 2 lạng thôi, bị cháy rồi bị hao hụt đi. Hai lạng thổi trong 3 ngày liền, mỗi ngày 3 nắm, bé hơn nắm tay của tôi. Đến ngày thứ 3, nó vữa ra thì bóc lớp bên ngoài, lấy cái lõi cứng bên trong để ăn. Đói lắm!", ông Hoàng Mạnh Cường, Nguyên Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội cối 82, Đại đội 14, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 kể.

Không chỉ gặp khó về vấn đề lương thực, các chiến sĩ cũng phải đối mặt với việc phải vận chuyển bom, đạn cối, tiếp tế lên cao điểm 1049 hoàn toàn bằng đường bộ. Do địa hình cao, hiểm trở, việc cõng đạn lên núi dường như đã bào mòn cạn kiệt sức lực của những người lính phải chia nhau cơm nắm từng bữa. 

 "Để lên đến điểm cao 1049, mỗi chiến sĩ phải vác trên vai ít nhất 40 cân. Nếu vận chuyển cấp tốc 3 quả đạn 120 thì phải là 51 cân", ông Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 25 Vận tải, Sư đoàn 320 kể. 

Đạn cối 120 có kích thước lớn, gùi bằng ba lô, vác 2-3 quả phải nặng chừng 51kg. Ảnh: Chụp màn hình

Đạn cối 120 có kích thước lớn, gùi bằng ba lô, vác 2-3 quả phải nặng chừng 51kg. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Lê Mạnh Hải, Nguyên Chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 4, Đại đội 1, Tiểu đoàn 25 Vận tải, Sư đoàn 320 chia sẻ rằng, vận chuyển gùi đạn cối 120 là vất vả nhất. 

"Cõng 2, 3 quả đạn cối 120 thì phải gùi bằng ba lô, nó trĩu xuống ở lưng. Trong điều kiện là đường rừng, phải trèo những cái dốc thẳng đứng, vượt mặt, thì phải nói thật là rất vất vả", ông Hải kể thêm.

Đói như thế, khổ như thế, nhưng những người lính năm ấy dường như chẳng nề hà gì những điều khó đó. Trong tất cả những chia sẻ của những cựu chiến binh trong tập 3 phim tài liệu "Những giải mã mang tên Việt Nam", ý chí chung của những người lính Trường Sơn năm ấy chỉ có: "Làm cách nào đánh tan được tuyến phòng thủ Mỹ - Ngụy ở phía Bắc và Tây Bắc Kon Tum". 

Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên là một chiến dịch có quy mô lớn nhất trên chiến tường Tây Nguyên từ trước đến năm 1972, theo Ký sự lịch sử Trận đánh ba mươi năm của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. 

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Anh hùng LLVT nhân dân, với quyết tâm cao độ và tinh thần dũng cảm, sáng tạo, các lực lượng tham gia chiến dịch đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành chủ trương đề ra, giúp giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh trong thời gian ngắn. Việc phá tan cụm phòng ngự then chốt ở Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm sụp đổ thế trận của địch ở Bắc Tây Nguyên. Quân địch phải rút lui, tập trung quanh thị xã Kon Tum trong phạm vi không quá 20km, trong khi toàn bộ tỉnh Kon Tum đã được giải phóng, trừ ba điểm chốt xa là Plei Kần, Đăk Pét, Măng Đen. Sau đó, ba điểm chốt này cũng bị quân ta đánh bại.

Có thể nói, trận tiến công Đăk Tô - Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là sự tiếp nối và phát triển của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, nơi đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - Ngụy.

Theo Báo Quân đội Nhân dân, Đại đoàn Đồng bằng (tiền thân của Sư đoàn 320 và Sư đoàn 390) được thành lập ngày 16/1/1951 tại đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sự ra đời của Đại đoàn Đồng bằng đã đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta, phản ánh đúng quy luật khách quan về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Từ khi ra đời, được sự nuôi dưỡng, chở che, giúp đỡ của nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Đại đoàn đã liên tục chiến đấu, tham gia 9 chiến dịch, đánh hơn 400 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt hơn 3 vạn tên địch…, góp phần cùng toàn quân, toàn dân kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, do yêu cầu của tình hình mới, Đại đoàn đồng bằng được biên chế thành 2 sư đoàn là 320A và 320B. Sư đoàn 320A (nay là Sư đoàn 320 - Quân đoàn 3) có nhiệm vụ trực tiếp cơ động chiến đấu trên các chiến trường. Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1) có nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường để bổ sung lực lượng cho các chiến trường miền Nam. Năm 1973, Sư đoàn 320B được đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 390 và được biên chế vào đội hình Quân đoàn 1. Năm 1975, Sư đoàn 320 được biên chế vào Quân đoàn 3.

Trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, sư đoàn 320 và sư đoàn 390 có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất, lập nên những chiến công vang dội, đi vào lịch sử dân tộc...

*Theo phim tài liệu "Những giải mã mang tên Việt Nam" của Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam

Hải Yến

Bình luận

Nổi bật

Điểm đến từng lọt vào ‘mắt xanh’ của tỷ phú Bill Gates được vinh danh là 'Khu nghỉ dưỡng biển đảo tốt nhất Việt Nam 2024'

Điểm đến từng lọt vào ‘mắt xanh’ của tỷ phú Bill Gates được vinh danh là 'Khu nghỉ dưỡng biển đảo tốt nhất Việt Nam 2024'

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 20:45

Khu nghỉ dưỡng này không chỉ nổi tiếng với thiết kế độc đáo mà còn gây tiếng vang khi liên tục nhận được nhiều giải thưởng và sự công nhận quốc tế.

Vùng xã đảo có hai mặt giáp biển Đông được ví như 'bàn tay khổng lồ', chỉ cách TP. Thanh Hóa hơn 60km

Vùng xã đảo có hai mặt giáp biển Đông được ví như 'bàn tay khổng lồ', chỉ cách TP. Thanh Hóa hơn 60km

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 20:45

Những năm gần đây, nơi đây đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa.

Dẫn đầu cả nước, Hà Nội thu về hơn 670 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023

Dẫn đầu cả nước, Hà Nội thu về hơn 670 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 18:16

Số tiền này không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, cũng như các khoản tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.