Dữ liệu cũ
Thứ hai, 30/05/2016, 18:11 PM

Ký sự đường xa - Kỳ 1: Sự thật về kho báu “đảo Hải tặc”

(NTD) - Hàng trăm năm qua, cái tên “quần đảo Hải tặc” vốn đã quá rùng rợn với biết bao câu chuyện về bọn cướp biển thoắt ẩn, thoắt hiện được cánh tàu buôn qua vịnh Thái Lan đồn thổi hết sức ly kỳ.

Càng ly kỳ hơn khi người ta kháo nhau: Nơi đây có cả một... kho báu được chôn giấu từ hàng trăm năm qua. Vậy, có hay không kho tàng bí ẩn này?

Gặp người kể chuyện... hải tặc

dao hai tac
Các bạn trẻ rất thích nghe anh Tâm (thứ hai bên phải) kể chuyện hải tặc.

Đến “quần đảo Hải tặc” (nay thuộc xã Tiên Hải, Hà Tiên, Kiên Giang) ai có duyên gặp được anh Lương Văn Tâm (bờ Bắc, Hòn Tre) xem như khi trở về có cả “một bụng” chuyện kể rùng rợn, ly kỳ về... hải tặc.

“Người kể chuyện hải tặc” hay còn được mọi người ở đảo gọi là “nhà sưu tầm chuyện hải tặc” cho biết: Anh và gia đình là những người ra đảo rất sớm, từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Khi ấy, cả đảo chỉ có chừng chục nóc nhà, trời nước mênh mông. Mười lăm tuổi, tính rất hiếu kỳ nên mỗi tối sau khi gác lưới, Tâm tìm đến các bô lão để hỏi chuyện “hải tặc”. Ngày đó, vài thành viên trong băng cướp “Cánh buồm đen” khét tiếng vùng biển Hà Tiên, sau khi tan rã đã về đây “làm lại cuộc đời” và họ rất kiệm lời, không muốn nhắc lại quá khứ chẳng lấy gì hay ho của mình.

May mắn thay, nhà anh Tâm ở ngay cạnh nhà một người trong băng cướp. Người này có tên Ba Vân và vợ ông, mỗi khi buồn rất hay dốc hết mọi chuyện kể cho đứa cháu hàng xóm tò mò. Cũng cần nói thêm, cho đến giờ, chỉ mỗi mình anh Tâm biết bà là người Thái bị băng cướp bắt cóc mang về đây làm vợ. Cách đây mấy năm, trước khi mất, người vợ Thái của ông nói toàn tiếng Thái và luôn mong ước trở lại cố hương.

Theo người đàn bà gốc Thái, băng cướp “Cánh buồm đen” của chồng có 12 tên, võ nghệ cao cường, “đi mây về gió” và tung hoành suốt nhiều năm, từ vịnh Thái Lan ra đến tận đảo Thổ Chu (đảo xa nhất của cực Nam Tổ Quốc), khiến không ít tàu buôn khiếp vía, kinh hoàng!

Có một điều khá lạ lùng là nếu các băng cướp biển khác thường treo cờ đen hình đầu lâu xương chéo hoặc hình thù quái dị thì băng cướp này lại treo hình... cái chổi chà! Tuy vậy, ý nghĩa của biểu tượng, xem ra chẳng có gì là ghê gớm này, lại mang một “sức mạnh” hết sức khủng khiếp, là “quét sạch - hốt sạch” chẳng từ ai (!).

Tuy nhiên, sau bao ngày “hoàng kim”, gieo rắc những nỗi khiếp đảm, kinh hoàng, ngày tàn của băng cướp cũng đến: Vào một ngày khoảng thập niên 50 (thế kỷ trước), băng cướp “Cánh buồm đen” áp sát một tàu buôn Trung Quốc. Ở khoảng cách 10 m, khi băng hải tặc chuẩn bị phi thân “ăn hàng” thì chủ tàu buôn mặc đồ Tàu bước ra, vớ lấy một cái mâm đồng quăng “phát một”, tiện ngang cột buồm trên tàu băng cướp biển. Thấy vậy, cả băng cướp hoảng loạn, “vỡ tổ” tháo thân...

Trở về hang ổ, “ông trùm” tên Tư Tui nói với đồng đảng: “Khí số chúng ta đã hết. May mà tất cả đã không bị tay võ sư cao cường ấy bẻ cổ. Từ nay, chúng ta chia tay cái nghề bất lương này, nhất quyết làm lại cuộc đời!”. “Trùm” Tư Tui và Ba Vân về Hòn Tre chài lưới, một người khác tên Hạc qua đảo hoang gần đó ẩn dật (sau này, ngư dân gọi đảo là Hòn Heo - ông Hạc, thuộc xã Sơn Hải), số còn lại tứ tán khắp nơi và bặt tin từ đó.

“Trùm” Tư Tui và “đàn em” Ba Vân sau ngày hoàn lương sống một cuộc sống bình thường, nếu không nuốn nói là nghèo khổ rồi chết tại đảo. Mộ “trùm Tư Tui” mới đây được một số con cháu ở xa đến bốc đi, nghe nói đưa về Phú Quốc. Tuy nhiên, phần lớn những “hậu duệ” của hai thành viên băng cướp khét tiếng một thời vẫn còn ngụ cư trên đảo. Song, không ai muốn nhắc đến quá khứ của cha ông mình và chuyện hải tặc cũng dần chìm vào quên lãng.

Nhưng rồi, cho đến một ngày, hai từ hải tặc bỗng lại bùng lên dưới “phiên bản” mới: Kho báu khổng lồ...

dao hai tac3
Vị trí kho báu nằm ở quả đồi phía sau cột mốc này?

Tấm bản đồ trên 300 tuổi?

Một buổi chiều nhá nhem tối đầu năm 1983, chàng công an viên Lương Văn Tâm đang ngồi trực ban tại trụ sở Công an xã Tiên Hải thì nhận được tin báo có một bo bo lạ đang đậu ở bờ Bắc đảo. Ngay lập tức, lực lượng công an, du kích bí mật triển khai, áp sát thì bỗng nghe “mùi Mỹ” (từ bà con nơi đây quen gọi mỹ phẩm nhập ngoại) và phát hiện... hai thanh niên Tây cao lớn, ở trần đang hì hục đào, cuốc trên bờ, cách bo bo chừng trăm mét.

dao hai taqc2
Đảo hải tặc nhìn từ xa

Được đưa về trụ sở xã cùng bộ “đồ nghề”, gồm máy dò kim loại, máy định vị, bản đồ, hải đồ, cuốc, xẻng... hai kẻ lạ mặt gồm một người Anh, một người Mỹ khai, đã thuê tàu từ Thái Lan rồi đi bo bo vào đảo để truy tìm kho báu.

Nghi là gián điệp, ngay lập tức công an tỉnh điều cán bộ ra đảo thẩm vấn, song kẻ lạ vẫn nhất mực khai rằng tổ tiên của họ là người Đông Nam Á, từng làm cướp biển ở vùng này từ giữa thế kỷ 18, sau đó mới giong thuyền “di tản”, lập nghiệp ở trời Tây. Và mới đây, gia đình một trong hai người, khi lục lại mớ số sách cũ đã phát hiện tấm bản đồ kho báu nên rủ nhau khai quật để... đổi đời. Anh Tâm khẳng định với chúng tôi, chính mắt anh đã nhìn thấy tấm bản đồ bằng giấy cổ rất cũ này, trên đó có vẽ một thung lũng ở giữa ba quả đồi và hình một cái hang nằm dưới gốc cổ thụ, có chẹn một tảng đá to...

Bán tín bán nghi, lực lượng công an, du kích cùng nhau đào quanh khu vực nhưng chỉ gặp toàn đá tảng và hai kẻ lạ mặt Tây, sau đó được đưa về tỉnh tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, do không thấy có bất kỳ dấu hiệu hoạt động gián điệp nào nên họ được tha về “cố quốc”.

Hồ sơ của của Công an xã Tiên Hải và tỉnh Kiên Giang đến nay vẫn còn lưu giữ đầy đủ về sự kiện đột nhập của hai người đàn ông có tên Richard Knight và Frederick Graham. Tuy nhiên, những câu hỏi về tấm bản đồ kho báu có tuổi hơn 300 năm ấy đến nay vẫn còn là bí ẩn, chưa có lời giải đáp.

Theo anh Tâm, khu vực ngày xưa các anh đào bới có lẽ chưa chính xác lắm. Sau này, chính quyền xã đảo cũng làm một hồ nước lớn tại đây để cung cấp nước ngọt cho người dân, nhưng khi đào hồ vẫn không phát hiện được gì. Trải qua thời gian, tất cả những miêu tả trong tấm bản đồ đã hoàn toàn thay đổi, dẫu rằng ba quả đồi nhỏ vẫn còn đó, song lạch nước đã biến mất và thung lũng ngày nào cũng bị bồi đắp, mất dấu hoàn toàn....

Trong khi câu chuyện về tấm bản đồ kho báu 300 tuổi gần 30 năm trước vẫn còn bán tín, bán nghi thì năm ngoái, một “sự kiện” do các thanh niên đi lặn biển phát hiện đã khiến mọi người tin rằng đảo Hải tặc chắc chắn ẩn chứa một kho báu “khổng lồ”...

Hiếu Nghĩa  - Ảnh: Hiếu Nghĩa

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.