Kinh tế Việt Nam và những kỳ vọng: ADB đánh giá cao chính sách tài khóa và tiền tệ

(NTD) - Năm 2016, Việt Nam có cơ hội mới trong phát triển kinh tế và trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực.

 

Kinh tế Việt Nam và những kỳ vọng ADB đánh giá cao

Nhiều tín hiệu lạc quan

Năm 2015 khép lại với những kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định... tạo tiền đề phát triển kinh tế cao hơn trong năm 2016.

Ngay từ cuối tháng 9/2015, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như nhiều đối tác phát triển khác đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, ước đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 (dự báo năm 2016 tăng 6,68%), mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Có được kết quả khả quan này là do những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa, nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ về kết quả kinh tế Việt Nam đã đạt được ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết: “Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện”.

Kết quả 2015 đạt được sẽ là tiền đề để kinh tế nước nhà phát triển mạnh trong năm 2016 bởi Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi. Song song đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU. Cộng đồng kinh tế Asean... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Bước sang năm 2016, khi kinh tế toàn cầu cải thiện hơn sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Ví dụ ngành du lịch, năm 2015 khách quốc tế đến Việt Nam giảm chủ yếu do khó khăn của khu vực EU, Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, nếu trong năm 2016 giá dầu vẫn ở mức thấp, giá lương thực thực phẩm, nguyên liệu đầu vào như sắt thép và các kim loại khác cũng ở mức thấp sẽ tiếp tục tác động tích cực để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.

Theo báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á, ngân hàng ADB cũng kỳ vọng mức tăng trưởng này nhờ đánh giá cao vào các chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý của Việt Nam, góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Trong Báo cáo cập nhật thông tin kinh tế toàn cầu 2015, Ngân hàng ANZ nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2016 của Việt Nam lên 6,9%, cao hơn mức dự báo so với mức 6,5% trước đó. Thậm chí, báo cáo này còn nhận định Việt Nam sẽ là một trong ba nền kinh tế (bao gồm Ấn Độ, Philippines) ít chịu ảnh hưởng tiêu cực nhờ xuất khẩu hay nhập khẩu đa dạng về ngành hàng và đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể so với các nước cùng khu vực.

Kinh tế Việt Nam và những kỳ vọng ADB đánh giá cao

Khó khăn vẫn còn

Mặc dù nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016, nhưng ADB cho rằng, có một số thách thức đang nổi lên.

Thứ nhất, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam bởi đây đều là những thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam. Bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước cũng phục hồi chậm, tính bền vững chưa cao, phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cơ cấu kinh tế trong nước vẫn chậm được cải cách, chưa tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Thứ hai, TPP được xem là cơ hội “vàng” cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận sẽ có những thách thức không nhỏ. Cụ thể, cơ hội tiếp cận với các thị trường nước ngoài, các rào cản thương mại cho xuất khẩu là rất lớn. TPP yêu cầu các nước thành viên phải mở cửa thị trường cho cạnh tranh nước ngoài nhiều hơn và đòi hỏi thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Khi tham gia TPP, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tham gia những cuộc cạnh tranh mới. Giải quyết các thách thức này sẽ đòi hỏi những cam kết chính trị và yêu cầu nền kinh tế phải thực hiện những điều chỉnh chi phí. Để tận dụng đầy đủ các lợi thế của TPP, Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng suất để các công ty trong nước có thể cạnh tranh ở những thị trường mới.

Điều này đòi hỏi một loạt động thái chính sách phối hợp, bao gồm cả cải cách hiệu quả cung cấp dịch vụ công, giảm các tác động yếu kém trong quản lý tại doanh nghiệp nhà nước như hiện nay đến sự đổi mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia. Trở nên cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực này, Việt Nam có thể thành công hơn nữa trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, gánh nặng nợ công đang ngày càng tăng. Kể từ năm 2011, Chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục. Bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ phải quyết liệt kìm hãm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách trước những quan ngại về nợ công và trả nợ.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam vào đầu tháng 12/2015, vấn đề vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng đã được ADB đưa ra thảo luận. Theo nghiên cứu của ADB, Việt Nam đã đầu tư khoảng 9 - 10% GDP vào các lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh môi trường trong những năm qua, được đánh giá là một mức rất cao theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và Việt Nam trở nên giàu có hơn thì cũng là lúc Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn về tài trợ cho hạ tầng.

Bên cạnh đó, những thách thức được xem là không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam đó chính là vấn đề liên quan đến ngân hàng. Thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới chỉ dừng lại ở đảm bảo tính thanh khoản trong ngắn hạn. Nợ xấu tạm được cất giữ lại nên các ngân hàng yếu vẫn là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế trong năm tới. Lãi suất nói chung sẽ khó giảm, tốt lắm thì duy trì được mức như hiện nay.

Nhằm giải quyết những khó khăn và thách thức về nguồn tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, ADB đề xuất 3 khuyến nghị tới Chính phủ. Một là, sử dụng các nguồn vốn ODA đang có một cách hiệu quả hơn. Hai là, sau nhiều năm triển khai rồi dừng lại, cần nâng cao vai trò của mô hình hợp tác đầu tư công - tư (PPP). Ba là, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường vốn.

Cũng theo ông Eric Sidgwick thì để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực hành chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam và những kỳ vọng ADB đánh giá cao

Vân Lam - Ảnh: Tường Chiểu

Bình luận

Nổi bật

Bất động sản An Gia bầu HĐQT mới

Bất động sản An Gia bầu HĐQT mới

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 07:41

(CL&CS) - CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia) của doanh nhân Nguyễn Bá Sáng từng hào hùng với tầm nhìn “Tập đoàn bất động sản Việt Nam danh tiếng toàn cầu”.

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:20

Dù đã bước sang quý II, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung vẫn hạn chế… Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thị trường mới chỉ chớm có sự phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, để tìm ra phân khúc tiềm năng cũng như thời điểm thích hợp để “xuống tiền” thì lại cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá.