Thứ tư, 15/11/2023, 14:03 PM

Kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử

(CL&CS) - Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần siết chặt quản lý, kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử.

Sai phạm qua thương mại điện tử ngày càng phức tạp, tinh vi

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, sau 3 năm triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 6.564 vụ, xử lý 6.488 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phạt hành chính, truy thu thuế 753 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 988 vụ; phạt hành chính trên 13,3 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm trên 25,5 tỷ đồng. Công an thành phố Hà Nội kiểm tra 112 vụ, xử lý 70 vụ vi phạm; xử lý hình sự 42 vụ đối với 76 đối tượng. Phạt hành chính trên 2,8 tỷ đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng giả…  tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia hoạt động TMĐT vẫn còn thấp.

Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp gian lận cũng gặp khó khi các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, hoặc địa chỉ không đúng gây khó khăn cho việc kiểm tra. Bên cạnh đó phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh gây khó cho quá trình phát hiện, kiểm tra, xử lý. Điều này dẫn đến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xác định tính chất, quy mô, địa chỉ và hàng hóa vi phạm.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Siết chặt quản lý, kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Nhưng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", khi mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Một khảo sát trong Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố đã chỉ ra, có tới 68% người tiêu dùng được hỏi cho biết trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến vì lo "chất lượng kém so quảng cáo", 52% cho biết "lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ",…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số. Song thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực. Theo đó, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.

Ông Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Bên cạnh đó tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật. Nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch trên mạng. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng. Chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.

Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; ký cam kết với các sàn thương mại điện tử lớn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đưa lên sàn các sản phẩm nhập lậu, hàng giả.

Ngoài ra, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tác động đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục vào cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường điện tử, phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử.

Để gỡ khó cho hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan cũng đã kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.