Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 09/11/2023, 20:21 PM

Khám phá vùng quê có làng cổ giàu di sản bậc nhất Việt Nam với dòng họ Nguyễn Huy, có người làm tới Thượng thư

Vùng quê này có đến 11 di tích văn hóa. Đặc biệt, nơi đây có đến hai di sản của dòng họ Nguyễn Huy được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Đến với làng Trường Lưu của xã Trường Lộc, huyện Can Lộc ( Hà Tĩnh) ai nấy đều sẽ được nghe về câu chuyện của một dòng họ đặc biệt khi có tận hai di sản thế giới, đó chính là dòng họ Nguyễn Huy.

Still0601_00010

Quê hương Can Lộc nhìn từ trên cao

Dòng họ văn võ toàn tài

Dòng họ “Nguyễn Huy” có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dạy học của Việt Nam. Từ vị tổ đầu tiên Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo tại kinh thành Thăng Long, con cháu của dòng họ đã có rất nhiều người theo nghiệp dạy học và trở thành những người thầy nổi tiếng như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh - hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ.

Nguyễn Huy Oánh tên tự là Kính Hoa, hiệu Lựu Trai. Ông từng đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An lúc 20 tuổi, được bổ làm quan rồi thăng dần đến chức Tri phủ Trường Khánh.

Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa, khi tròn 36 tuổi được bổ làm Thị giảng trong phủ chúa Trịnh Doanh kiêm chức Hàn lâm viện đãi chế, sau đó làm Nội giảng rồi Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Năm 1761, ông được ban Tam phẩm để tiếp sứ nhà Thanh, đến năm 1765 làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc. Năm 1768, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Công rồi sau đó là Thượng thư bộ Công.

Thiết kế chưa có tên (41)

Đình cổ của làng cổ Trường Lưu

Tại quê hương Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh là người “khai sinh” ra Thư viện Phúc Giang và Trường học Phúc Giang, ngôi trường làng ở vùng quê núi Hồng - sông La chỉ đứng sau Quốc Tử Giám ở kinh kỳ, trong một giai đoạn lịch sử thời quân chủ.

Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến văn vật.

Nếu Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là người khai mở Thư viện Phúc Giang và nâng tầm Trường Lưu học hiệu thì Nguyễn Huy Tự (con trai ông) là người kế thừa đắc lực, duy trì và đưa sự nghiệp của dòng họ ngày càng phát triển.

Nguyễn Huy Tự (1743-1790) là người văn võ toàn tài. Vợ ông là con gái của Tiến sĩ Nguyễn Khản, anh trai Đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1759, ông đỗ thứ 5 khoa thi Hương trường Nghệ lúc mới 17 tuổi và ra làm quan cho triều Lê.

Năm 1770, ông thi Hội đỗ tam trường, được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam, sau đó là Trấn thủ Hưng Hóa trực tiếp giữ đồn Bách Lẫm. Năm 1779, ông được đặc cách làm Tiến triều ứng vụ, tiếp đó là Hiệp lý lương hướng Sơn - Hưng - Tuyên, rồi Đốc đồng Hưng Hóa…

Năm 1784, Nguyễn Huy Tự xin cáo quan về quê chịu tang mẹ và ở lại giúp cha trông coi công tác dạy học, in ấn tại Thư viện Phúc Giang và Trường học Phúc Giang. Năm 1790, ông được vua Quang Trung mời ra giúp nước, ông đã cùng nhà vua đại phá quân Thanh thắng lợi. Sau đó, ông bị trọng bệnh và mất tại Phú Xuân vào tháng 7/1790 khi mới 47 tuổi.

Danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) là một trong những người con trai xuất sắc của Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Huy Hổ không tham gia các kỳ khoa cử. Tuy vậy, ông được đánh giá là người tài năng xuất chúng, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và giỏi về nghề thuốc.

Năm 1823, vua Minh Mạng triệu ông vào Kinh đô Huế làm chức ngự y, lại kiêm Linh đài lang ở Khâm Thiên giám. Ông mất vào năm 1841. Nguyễn Huy Hổ để lại cho hậu thế tác phẩm văn học nổi tiếng “Mai Đình mộng ký”.

Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự

Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ là 3 trong số nhiều danh nhân đã làm nên làng cổ Trường Lưu, một thời vang bóng là trung tâm văn hóa, giáo dục nổi tiếng cả nước trên quê hương núi Hồng - sông La. Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có gần 40 viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Vang danh một miền quê

Mộc bản Trường Lưu là bộ ván khắc dùng để in sách “giáo khoa” phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại trường học Phúc Giang. Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn được lưu giữ ở Việt Nam.

d
0827784a-15c0-47f9-a321-81a7bd1856d1

Phần lớn các mộc bản của “Mộc bản Trường Lưu” được khắc 2 mặt

Di sản bao gồm 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) của Nho giáo và 01 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ.

Tháng 5/2016, Mộc bản Trường Lưu được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Đây không chỉ là niềm vui của dòng họ Nguyễn Huy mà còn là niềm tự hào, hãnh diện của cả đất nước Việt Nam.

Tròn 2 năm sau (5/2018), một di sản khác của dòng họ Nguyễn Huy là “Hoàng hoa sứ trình đồ”, tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.

75fe7ed6-e0c3-424c-8a1c-9e6766ab3de2

Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách cổ được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Đây là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.

Việc UNESCO công nhận hai di sản của dòng họ Nguyễn Huy là di sản tư liệu ký ức thế giới một lần nữa đã khẳng định những giá trị văn hóa mà dòng họ Nguyễn Tràng Lưu để lại cho hậu thế.

Thanh Thanh

Bình luận

Nổi bật

Du lịch xanh với hành trình cụ thể hóa mục tiêu Net Zero

Du lịch xanh với hành trình cụ thể hóa mục tiêu Net Zero

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 22:17

(CL&CS) - Thực hiện Net Zero - đạt phát thải ròng bằng 0 - giảm khí nhà kính không chỉ là hành động thiết thực, mang lại những kết quả tích cực cho môi trường sống mà còn giúp doanh nghiệp du lịch quảng bá sản phẩm của mình hiệu quả hơn.

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 21:46

(CL&CS) - Sa Pa bùng nổ hàng loạt lễ hội và trải nghiệm chào đón du khách trong mùa săn mây. Hơn 130 doanh nghiệp đồng loạt tung ưu đãi lên đến 50%, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024. Chất lượng với giá cả hấp dẫn, Sa Pa hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc dịp thu đông này.

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:23

(CL&CS) - Những ngôi chùa trang nghiêm, đậm chất Phật giáo, những thác nước kỳ vĩ và những dòng sông thơ mộng là những điều khiến du khách ấn tượng khi đến với Lào. Nhưng đất nước này đâu chỉ có thế, bởi điều khiến cho Lào trở thành một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời chính là sự bình yên không đâu có được, cùng nụ cười hiền hậu, mến khách của người dân nơi đây.