Dữ liệu cũ
Thứ tư, 10/06/2020, 17:44 PM

Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo thêm 3 Bộ về bình ổn giá lợn

(CL&CS) - Sau khi Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam gửi công văn kiến nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo thêm 3 Bộ về bình ổn giá lợn.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành một số vấn đề về giá lợn cũng như kiến nghị về bình ổn giá lợn. 

Ngày 9/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông tin về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của VICOPRO, với chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện đầy đủ các giải pháp và xử lý theo thẩm quyền để bình ổn giá lợn.

gia thit lon
Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo thêm 3 Bộ về bình ổn giá lợn

Một số kiến nghị về bình ổn giá lợn mà VICOPRO gửi Thủ tướng là:

1. Để bảo đảm an sinh xã hội và kiềm chế tốc độ CPI năm 2020 bình quân dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng mọi biện pháp kéo giá thịt lợn hơi xuống mức hợp lý trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng.  

2. Chủ trương tái đàn là giải pháp đúng đắn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn bảo đảm phát triển sản xuất trong nước và cân đối cung - cầu lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, quy mô  đến đâu, ở tầm vĩ mô, cần vai trò dẫn dắt, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, trên 3 triệu hộ chăn nuôi đang chiếm đến 65% thị phần, dễ rơi vào tình trạng tái đàn tự phát, tâm lý số đông. Nếu chỉ căn cứ giá lợn hơi hiện nay để đầu tư, trong khi giá con giống tại thời điểm này gấp 3 lần mức giá thông thường, giá thức ăn chăn nuôi tăng 10%, chi phí phòng chống dịch vv… giá thành sẽ cao; cuối năm, khi giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi sẽ gặp rủi ro. 

3. Ý kiến cho rằng bản chất giá thịt lợn cao là do mất cân đối cung - cầu, tuy nhiên chưa thấy công bố con số cụ thể về cân đối cung - cầu. Nguồn cung trong nước thiếu hụt do ảnh hường dịch tả lợn châu Phi đã được đề cập. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, dịch  đã được kiểm soát. Cả nước có 99% số xã có dịch đã qua 30 ngày, chỉ còn 1% tổng số xã có dịch chưa qua 30 ngày. Từ tháng 1/2020, đã có sản phẩm của lợn tái đàn, với tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con, tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019. Tốc độ tăng đàn bình quân ba tháng đầu năm nay là 6,2%. 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa, chiếm tỷ lệ hạt nhân, tốc độ tái đàn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.     

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý 2/2019 đạt 783 ngàn tấn; quý 3/2019 đạt 771 ngàn tấn; quý 4/2019 đạt 731 ngàn tấn; quý 1/2020 đạt 811 ngàn tấn. Như vậy sản lượng thịt đã tăng dần đều, so với 3 quý trước đó thì sản lượng thịt lợn quý 1/2020 đã được cải thiện nhiều.

Nguồn cung từ nhập khẩu: Theo Cục Thú y, tính đến ngày 6/5 đã nhập khẩu trên 46,4 ngàn tấn thịt lợn, tăng trên 328% so với cùng kỳ 2019. Nhập khẩu từ Tập đoàn Miratorg Liên bang Nga, từ ngày 28/1/2020 đến nay, Tập đoàn này đã làm thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn, trong đó trên 1.490 tấn đã nhập về Việt Nam vào ngày 18/3/2020.

 Trong khi đó “cầu” giảm. Từ cuối tháng 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa để chống lây lan dịch bệnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu dịch vụ ăn uống giảm. Giá thịt lợn đắt đỏ, người tiêu dùng cắt giảm hoặc chuyển sang sử dụng thực phẩm khác. Xuất khẩu 2 tháng giảm 21,1% so cùng kỳ 2019. Xuất lậu lợn cũng đã bị ngăn chặn do phòng chống dịch, cả hai bên biên giới đều kiểm soát chặt.

Tuy nhiên, có một nghịch lý dù thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, “cầu” giảm, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài cho đến nay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng mà còn liên quan đến chỉ số CPI. 

4. Ý kiến cho rằng do qua nhiều khâu trung gian nên giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Tuy nhiên, cũng chưa chỉ ra được khâu trung gian nào không hợp lý để từ đó có giải pháp.

5. Hưởng ứng ý kiến Thủ tướng Chính phủ, 15 doanh nghiệp lớn, từ 1/4/2020 cam kết hạ giá bán lợn hơi xuống còn 70.000đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt lợn trên thì trường vẫn chưa giảm. Theo thông tin từ Vietnamnet ngày 19/5/2020, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống hiện dao động từ 165.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại, còn tại hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội  từ 160.000-320.000 đồng/kg. Giá thịt lợi hơi ở ngưỡng 90.000 đồng/kg; đặc biệt có nơi như Đồng Nai, chợ đầu mối Hà Nam lên tới 95 - 97.000 đồng/kg.

Qua phóng sự điều tra của truyền hình Quốc hội, nhiều tiểu thương cho biết, tuy doanh nghiệp công bố hạ giá bán lợn hơi xuống 70.000đ/kg, nhưng họ rất khó tiếp cận nguồn hàng này. Vậy có hay không việc doanh nghiệp hạn chế nguồn cung để tạo ra khan hiếm giả tạo ?

Từ tình hình trên, để kéo giá thịt lợn xuống mức hợp lý, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành một số vấn đề như sau:

 1 .Cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay? Tuy không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan, nhưng có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh thị trường đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhắm áp đặt giá? Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi? 

2. Để giúp cho việc thực hiện quyền giám sát, cần minh bạch thông tin. Cụ thể, theo Luật Chăn nuôi, Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Bảo đảm minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.

3. Theo Luật Chăn nuôi, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu thị trường, Bộ NN&PTNT dự báo nguồn cung. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cập nhật giá và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước theo tuần, thị trường quốc tế theo tháng, công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện thông tin đại chúng.

4. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, chống buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm xã hội, có biện pháp giảm giá thịt lợn hơi xuống như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cuối cùng là giảm giá bán lẻ thịt lợn xuống mức hợp lý.

6. Tuyên truyền, tư vấn người tiêu dùng điều chỉnh cơ cấu bữa ăn, giảm tiêu dùng thịt lợn, sử dụng thực phẩm khác thay thế.

                                                                                                                                                                       Ngân Hà

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.