Hệ sinh thái ‘khủng’ của ông chủ Lạc Hồng Lê Xuân Trường - thế lực đứng sau loạt dự án đình đám tại Tam Đảo

Ngoài 2 dự án đang thu hút sự chú ý của dư luận tại Tam Đảo, công ty Lạc Hồng còn có rất nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam. Đáng nói là nhiều dự án đã bị thanh tra.

Gần đây, dư luận đang rất quan tâm tới vụ việc 2 dự án dự kiến sẽ lấy và thuê đất của Vườn quốc gia Tam Đảo để làm khu du lịch sinh thái. Đó là khu du lịch sinh thái số 2 (dự kiến lấy 68ha) và dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng số 13 (dự kiến sẽ thuê 35,7ha đất của Vườn quốc gia Tam Đảo).

Từ vụ "xin" hơn 100ha đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án du lịch sinh thái

Dự án Khu du lịch sinh thái số 2 nêu trên do CTCP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư. Còn dự án nghỉ dưỡng số 13 do CTCP Sông Hồng Tam Đảo - CTCP Sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư.

Dự án Khu du lịch sinh thái số 2 có tổng vốn đầu tư 730 tỷ đồng. Trong diện tích 68ha, chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ ngơi, Bulgalow (nhà gỗ), nhà hàng - dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), khu quảng trường - sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật - vườn Nhật; khu thể thao- dã ngoại, cắm trại, công viên nước).

Liên quan đến việc xin lấy đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm khu du lịch, Công ty Nam Tam Đảo đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn lấy ý kiến.

Tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty Nam Tam Đảo khẳng định chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng và đất khác.

Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trong dãy núi lớn Tam Đảo, với diện tích gần 35.000ha. Trong đó có hơn 26.100ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích toàn vườn. Đây là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu trữ sự đa dạng về sinh học với rất nhiều loài động thực vật đặc biệt quý hiếm.

Số liệu ghi nhận Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ.

Vườn quốc gia Tam Đảo cũng có thêm vai trò điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất đai cho một phần đồng bằng Bắc bộ trong đó có thủ đô Hà Nội. Do vậy bất cứ công trình nào thực hiện tại Vườn quốc gia Tam Đảo đều phải có đánh giá tác động môi trường.

Liên quan sự việc, nhiều chuyên gia đã lên tiếng, cho rằng cần thận trọng bởi trong khu vực phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, Vườn quốc gia Tam Đảo có lợi thế nhiều nhất. Các chuyên gia cũng đã điểm tên một số dự án tại Tam Đảo đã bị “bác” do không hợp lý hoặc bị dư luận phản ứng.

Screenshot 2024-03-08 at 05.33.24

Lê Xuân Trường - ông chủ đứng sau loạt dự án đình đám tại Tam Đảo

CTCP Nam Tam Đảo là một trong những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Lạc Hồng của đại gia Lê Xuân Trường. Công ty Nam Tam Đảo và Công ty Lạc Hồng gắn liền với loạt các dự án đình đám tại Tam Đảo như dự án sân golf Thanh Lanh 18 lỗ, dự án Thanh Lanh Valley Golf & Resort, dự án Lâu đài Tam Đảo, dự án khu du lịch Tam Đảo, Venus Hotel Tam Đảo…

CTCP Nam Tam Đảo thành lập tháng 11/2004, ban đầu do ông Lê Tùng Sơn và sau đó là ông Nguyễn Minh Quý làm Tổng Giám đốc. Vốn điều lệ ban đầu 32,5 tỷ đồng, gồm 6 cổ đông góp vốn. Địa chỉ trụ sở chính tại Ban quản lý dự án thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Từ tháng 10/2017, ông Lê Xuân Trường lên làm Tổng Giám đốc. Sau nhiều lần tăng vốn, gần đây nhất, tháng 11/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ 333 tỷ đồng lên 888 tỷ đồng.

Screenshot 2024-03-08 at 05.55.37

Ông Lê Xuân Trường

Nam Tam Đảo và Lạc Hồng là pháp nhân đứng sau làm chủ đầu tư của một loạt dự án đình đám.

Nổi bật nhất trong hệ sinh thái Lạc Hồng là dự án sân golf 18 lỗ Thanh Lanh. Câu chuyện tưởng như đã “chìm” của sân golf Thanh Lanh lại liên tục được nhắc tới thời gian vừa qua, khi dự án khu du lịch sinh thái số 2 của Nam Tam Đảo được nhắc tới.

Dự án sân golf Thanh Lanh nằm trong quần thể dự án khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo mà ông chủ Lê Xuân Trường theo đuổi đã 20 năm.

20 năm theo đuổi đại dự án du lịch sinh thái

Trước đó, ngày 11/7/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho nhà đầu tư khảo sát, lập dự án tại văn bản số 1366/HC-UB. Đến ngày 26/12/2003, Thường trực tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho triển khai thực hiện dự án tại thông báo số 556-TB/TU.

Ban đầu, diện tích dự án theo đề xuất của nhà đầu tư là khoảng 140ha và đến năm 2004 được đồng ý cho mở rộng lên 155ha tại thông báo số 687-TB/TU. Năm 2005, dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 tại Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 29/7/2005 và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 25/12/2007.

Đến năm 2014, chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tạm giao hơn 100ha đất để thực hiện dự án. Ngày 5/5/2019, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 948/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Quy mô của dự án được điều chỉnh là 337,27ha.

Với sự điều chỉnh này, dự án được chia thành 3 phân khu chức năng, gồm phân khu K1 (du lịch sinh thái), phân khu K2 (sân golf Thanh Lanh) và phân khu K3 (mặt nước hồ Thanh Lanh).

Đối với phân khu K2 (sân golf Thanh Lanh), ngày 16/8/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 1971/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Theo đó một sân golf 18 lỗ sẽ được xây dựng với diện tích sử dụng đất 732.261m2.

Đến tháng 5/2021 UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với phân khu K2.

Screenshot 2024-03-08 at 03.30.23

Được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ lâu, nhưng đến ngày 30/12/2020 dự án sân golf Thanh Lanh mới được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương cho nhà đầu tư là CTCP Nam Tam Đảo.

Theo chủ trương, dự án có quy mô hơn 73,22ha với tổng vốn đầu tư 655 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 200 tỷ đồng và vốn vay 455 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào kinh doanh sau 21 tháng kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư, có thời gian hoạt động 49 năm từ ngày 4/6/2014.

Còn theo giới thiệu tại website của dự án, sân golf Thanh Lanh rộng 73ha đã hoàn thiện và đi vào hoạt động tháng 11 năm 2021 – là một phần trong dự án khu du lịch sinh thái của Công ty Nam Tam Đảo.

Hiện dự án sân golf Thanh Lanh đã được CTCP Nam Tam Đảo thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV). Tài sản đảm bảo là tài sản được hình thành trong tương lai hình thành tại dự án sân golf Thanh Lanh, khu du lịch sinh thái Tam Đảo.

Screenshot 2024-03-08 at 04.45.12

Dự án sân golf Thanh Lanh

Dự án sân golf Thanh Lanh nằm trong quần thể Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Nơi đây, hệ sinh thái Lạc Hồng của ông chủ Lê Xuân Trường còn nhiều dự án đình đám khác, như dự án Lâu đài Tam Đảo được nhắc tới một thời.

Dự án khách sạn, lâu đài Tam Đảo được xây dựng trên nền đất cũ của dinh Toàn quyền Pháp tại Tam Đảo. Đây là một lâu đài xây dựng theo kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo Gothic và Phục Hưng. Được xây dựng, thiết kế công phu, tòa lâu đài nằm trên đỉnh núi, có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng theo tiết lộ từ phía công ty Lạc Hồng.

Screenshot 2024-03-07 at 14.22.14

Dự án lâu đài Tam Đảo

Dự án Thanh Lanh Valley Golf & Resort cũng do công ty Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư với quy mô 386ha, gồm các biệt thự nghỉ dưỡng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.

Cách đây vài năm, dự án này được các bên rao bán rầm rộ với quảng cáo "sổ đỏ lâu dài", giá quanh mức 17-21 tỷ đồng/căn biệt thự.

Tuy nhiên, năm 2019, Tạp chí Kinh tế và Môi trường đưa tin, người dân thôn Trung Mỹ đã tố cáo công ty Nam Tam Đảo "bức tử" hồ Thanh Lanh. Phương án đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân chưa thỏa đáng, đổ đất lấn chiếm lòng hồ. Sự việc khiến UBND tỉnh phải có văn bản giao Thanh tra tỉnh vào cuộc giải quyết đơn thư của dân.

Screenshot 2024-03-08 at 05.04.45

Dự án Thanh Lanh Valley Golf & Resort

Không chỉ ở Tam Đảo

Không chỉ loạt dự án đình đám tại Tam Đảo, Công ty Lạc Hồng còn là chủ đầu tư nhiều dự án chung cư, khu nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Và đáng nói là năm 2019, Lạc Hồng cũng đã lọt vào tầm ngắm thanh tra của Bộ Xây dựng.

Một loạt dự án của Lạc Hồng nằm trong danh sách bị thanh tra, như tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của thành phố (quận Tây Hồ, Hà Nội); khu nghỉ dưỡng Kim Bôi, Hòa Bình; Chung cư Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Tại Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án bị thanh tra như Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, huyện Tam Đảo; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2, thành phố Vĩnh Yên.

Ngoài 2 pháp nhân mang tên CTCP Đầu tư Lạc Hồng, CTCP Nam Tam Đảo, ông chủ Lê Xuân Trường và hệ sinh thái Lạc Hồng còn được "nhắc tên" tại những doanh nghiệp khác như CTCP Du lịch Oải Hương.

CTCP Du lịch Oải Hương thành lập tháng 7/2015 do ông Hoàng Việt Hùng làm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm ông Lê Xuân Trường (góp 18 tỷ đồng, tức 90%); ông Hoàng Việt Hùng góp 5% và ông Nguyễn Thành Công góp 5%. Trụ sở chính tại phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang. Năm 2018, công ty chuyển trụ sở về Bãi Dài, Cam Lâm, Khánh Hòa.

Hiện tại, công ty Oải Hương do bà Hứa Thị Lan Hương làm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 635 tỷ đồng. Công ty Oải Hương là đơn vị thực hiện dự án Khu thương mại và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Oải Hương (hay còn gọi là Lavender Resort Cam Ranh).

Dự án Lavender Resort Cam Ranh của công ty Oải Hương cũng từng nằm trong tầm ngắm xem xét thu hồi của UBND tỉnh Khánh Hòa do chậm tiến độ.

CTCP Đầu tư Lạc Hồng còn là cổ đông lớn góp 30% vốn điều lệ tại CTCP Lạc Hồng Sapa là chủ đầu tư dự án khách sạn 4 sao tại Sapa.

Công ty Lạc Hồng từng nổi lên dưới "danh" của Hancorp

CTCP Đầu tư Lạc Hồng thành lập tháng 9/2003, cũng do ông Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc. Lạc Hồng ban đầu gắn liền với tên tuổi của "ông lớn" ngành xây dựng - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp - mã chứng khoán HAN).

Screenshot 2024-03-08 at 05.35.47

Dưới thời Hancorp còn là cổ đông, Lạc Hồng nổi lên khi được xây dựng những công trình "điểm" như Phòng họp chính - Tòa nhà Quốc hội; Trụ sở Bộ Công an, Trụ sở chính Bộ Ngoại giao...

Thông tin công bố, tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 31/3/2015, Lạc Hồng có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Trường sở hữu 41,56%, một cá nhân là ông Trần Văn Nghĩa sở hữu 10% và Hancorp nắm giữ 10% tương ứng 810.000 cổ phần.

Tuy nhiên, Hancorp vào tháng 5/2015 đã bán đấu giá 810.000 cổ phần để thoái hết vốn khỏi Lạc Hồng. Kết quả, có 2 nhà đầu tư cá nhân trúng giá với khối lượng đặt mua lần lượt là 648.000 cổ phần và 162.000 cổ phần. Giá đấu thành công bình quân là 10.000 đồng/cổ phần, bằng với giá khởi điểm.

Thủy Trúc

Bình luận

Nổi bật

Câu chuyện khi nào bất động sản nghỉ dưỡng “thôi nghỉ dưỡng” vẫn còn nan giải?

Câu chuyện khi nào bất động sản nghỉ dưỡng “thôi nghỉ dưỡng” vẫn còn nan giải?

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:28

Mặc dù không thể phủ nhận những điểm tích cực đối với bất động sản nghỉ dưỡng sau hàng loạt những động thái vào cuộc của chính phủ, đặc biệt là nỗ lực tháo gỡ khó khăn về pháp lý. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

[Inforgraphic] 5 huyện vùng ven Hà Nội sắp tổ chức đấu giá đất trong tháng 5/2024

[Inforgraphic] 5 huyện vùng ven Hà Nội sắp tổ chức đấu giá đất trong tháng 5/2024

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:25

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các huyện ven Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở và thu được số tiền lớn cho ngân sách nhà nước. Đầu tháng 5, gần 100 lô đất tại các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên cũng sẽ được đem ra đấu giá, trong đó lô cao nhất có giá khởi điểm là 75,4 triệu đồng/m2.

Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản

Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:25

Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024 có nhiều điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý. Đáng chú ý là quy định mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dòng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.