Thứ ba, 06/02/2024, 10:28 AM

Hải Phòng: Đoàn kết, sáng tạo vươn tới đỉnh cao mới

(CL&CS) - Năm 2023 kết thúc với nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân và doanh nghiệp, kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục đạt kết quả nổi bật.

Những con số biết nói

Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực, đạt 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hoàn thành, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Có 5/19 chi tiêu dù không hoàn thành kế hoạch, nhưng vẫn tăng trưởng so với năm 2022, cao hơn mức bình quân chung và tiếp tục trong tốp đầu cả nước.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố đạt được trong năm 2023 thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân. Nổi bật là, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,34%, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra (12,7 - 13%), nhưng vẫn gấp 2 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 14%, gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 7.960 USD/người/năm, bám sát kế hoạch năm. Sản lượng hàng qua cảng đạt 170 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2022 (kế hoạch năm đạt 185 triệu tấn). Riêng chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 102.600 tỷ đồng, không đạt kế hoạch năm do thu xuất nhập khẩu đạt 58 nghìn tỷ đồng, giảm đáng kể so với năm 2022. Song, thu nội địa đạt 42.500 tỷ đồng, tăng 35,66% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao.

5

Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: ĐT

Với 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành kế hoạch, có chỉ tiêu về đích sớm, vượt ở mức rất cao. Đặc biệt, chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, gấp 1,4 lần so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là kết quả nổi bật của thành phố trong việc đổi mới và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2023 ở mức cao so với năm 2022. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, tăng 7,7%; thu hút khách du lịch đạt 7,9 triệu lượt khách, tăng hơn 12% so với năm 2022, vượt 8% so với kế hoạch năm.

Hải Phòng luôn dành sự quan tâm lớn trong lĩnh vực lao động - việc làm, an sinh xã hội, cụ thể: Thăm, tặng quà cho 174.655 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí 541,6 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022, thuộc tốp đầu cả nước.

Năm 2023, Hải Phòng đón nhận tin vui khi UNESCO công nhận, ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục, Hải Phòng giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về giáo dục đại trà và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tình hình chính trị, xã hội được ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.

Tiếp tục thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, năm 2023, Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương liên quan để trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 Đề án Quỹ hoạch quan trọng là Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cấp tỉnh thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là định hướng lớn cho phát triển bứt phá, mạnh mẽ của thành phố trong những năm tới. Đồng thời, thành phố đang tập trung cao độ xây dựng các Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển đổi huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận.

Đặc biệt, Hải Phòng khởi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng, gồm: Trung tâm Chính trị Hành chính thành phố, Trung tâm Hội nghị biểu diễn thành phố tại khu vực Bắc sông Cấm; cầu Lại Xuân; nút giao thông khác mức tại ngã ba đường Tôn Đức Thắng với quốc lộ 5; đường Đỗ Mười kéo dài; Khu phi thuế quan Xuân Cầu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Xây dựng các bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện; cầu Bến Rừng; khu công nghiệp Tiên Thanh và các cụm công nghiệp tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão. Thành phố cũng tập trung triển khai 4 dự án nhà ở xã hội tại quận Ngô Quyền, khu vực Tràng Duệ (huyện An Dương) và hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Tràng Cát và khu vực Đình Vũ (quận Hải An).

Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhờ tập trung nguồn lực lớn, 7/8 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; cơ bản hoàn thành các công trình xây dựng tại 35 xã được phê duyệt từ năm 2022 và đang khẩn trương triển khai công trình tại 35 xã được phê duyệt từ năm 2023.

Về chuyển đổi số, Hải Phòng triển khai 74 nhiệm vụ, tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Chỉ số chuyển đổi số của thành phố năm 2022 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2/63; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính xếp thứ 10.

Tiền đề để năm 2024 tiếp tục bứt phá

Ông Nguyễn Ngọc Tú – Chánh Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng cho biết: Năm 2024, Thành phố tiếp tục bám sát mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16. Thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 cao hơn năm trước. Chủ đề năm 2024 được xác định là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Để triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, thành phố đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết là chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu để quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2024, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của thành phố.

Khẩn trương triển khai các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cấp tỉnh thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo dư địa, nguồn lực và mở rộng không gian phát triển; sớm hoàn thiện Đề án xây dựng chính quyền đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập trung cao đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp, công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại. Trong đó, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hoàn thành việc lập Đề án xây dựng Khu thương mại tự do và Đề án thành lập khu kinh tế mới ven biển trình Trung ương phê duyệt trong năm 2024.

Quyết liệt trong việc chỉ đạo, tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách nhà nước, rà soát các nguồn thu và bổ sung nguồn thu mới. Đồng thời, thành phố tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhóm các dự án có khả năng đóng góp ngân sách cao.

Năm 2024, thành phố xác định danh mục 20 dự án trọng điểm được khánh thành, khởi công. Các dự án trọng điểm được chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hiện đại hóa đô thị và phát triển hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Thủy Nguyên, An Dương để sớm thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển đổi huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận theo kế hoạch.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thành phố xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), phấn đấu mục tiêu thay đổi đột phá xếp hạng Chính quyền số, đưa chỉ số DTI của Hải Phòng vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nhất là đào tạo nghề; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy, thành phố tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong đó tập trung đầu tư trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; ưu tiên nguồn lực, quyết tâm xóa nghèo trong năm 2024...

Đồng thời, năm 2024, thành phố tập trung rà soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng và các vi phạm khác để tạo quỹ đất sạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết vùng; giữ ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền an ninh biển đảo.

“Nhiệm vụ năm 2024 còn nhiều thử thách, nhưng với truyền thống đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, luôn khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương là sức mạnh nội tại, nguồn động lực để thành phố phát triển bứt phá” - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Vừa thông xe, cao tốc qua ba tỉnh trọng điểm du lịch miền Trung thông báo 'đóng cửa'

Vừa thông xe, cao tốc qua ba tỉnh trọng điểm du lịch miền Trung thông báo 'đóng cửa'

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 08:37

Lễ khánh thành cao tốc dự kiến được tổ chức tại khu vực cửa bắc Hầm Núi Vung tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Con đường tỉnh lộ 'nát như tương' được lột xác, giá đất liền 'dậy sóng' 80 triệu/m2

Con đường tỉnh lộ 'nát như tương' được lột xác, giá đất liền 'dậy sóng' 80 triệu/m2

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 08:36

Theo khung giá đất hiện hành của tỉnh, mặt đường giao thông tại địa phương này giá đất chỉ 3,5 triệu đồng/m2.

Thành phố trực thuộc Trung ương, lớn thứ 3 Việt Nam: Bộ đôi 'công trình thế kỷ' gần 5.000 tỷ đồng đang dần lộ diện

Thành phố trực thuộc Trung ương, lớn thứ 3 Việt Nam: Bộ đôi 'công trình thế kỷ' gần 5.000 tỷ đồng đang dần lộ diện

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 08:33

Theo kế hoạch, thành phố sẽ đưa bộ đôi "công trình thế kỷ" vào hoạt động trong năm 2025.