Dữ liệu cũ
Thứ tư, 28/03/2018, 09:36 AM

Giao mùa, cảnh giác bệnh đường hô hấp

(NTD) - Trong những ngày gần đây, liên tục tại các bệnh viện (BV) nhi tiếp nhận hàng ngàn ca liên quan đến bệnh hô hấp. Đặc biệt trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường, các loại virus, vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp đang bùng phát mạnh mẽ và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Diễn biến bất thường

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, mỗi ngày trong số BV khám và điều trị cho từ 2.500-3.000 trẻ, thì quá nửa là bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), mỗi ngày có khoảng 200 cháu đến khám, trong đó hơn nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Trong khi tỷ lệ trẻ mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện giảm, thì bệnh hô hấp ở trẻ em ngày một tăng và chiếm 40-50% số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú. Tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp phải nằm ghép từ 3-5 trẻ/giường, còn tại khoa hô hấp 2 - BV Nhi Đồng 2, phòng cấp cứu “mở rộng” của khoa cũng đang trong tình trạng gần 2 trẻ/giường.

Thời tiết giao mùa khiến cho cơ thể phải tập thích ứng với sự thay đổi, đặc biệt là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Người già và trẻ em là hai nhóm đối tượng chính dễ mắc bệnh vì sức khỏe yếu, hệ miễn dịch thiếu hoàn thiện sẽ khó có thể thích nghi với sự thay đổi.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh lại xem nhẹ bệnh đường hô hấp của con trẻ. Với suy nghĩ chỉ là bệnh thời tiết mà trẻ em hay mắc phải, họ thường không đưa trẻ đi khám tại bác sĩ mà tự ý tham khảo và mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, để tự điều trị. Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ hoặc thậm chí là đơn thuốc của trẻ có cùng triệu chứng, điều này hết sức nguy hiểm và có thể gây ra tình trạng kháng thuốc của virus gây bệnh.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng virus ngày càng trở nên mạnh hơn là do việc sử dụng kháng sinh quá nhiều, sử dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh trong việc điều trị bệnh dù không cần thiết.

Không phải tất cả trường hợp trẻ bị mắc các bệnh đường hô hấp trên đều là do vi khuẩn, một số lượng lớn các ca mắc bệnh có thể do virus, việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này là không có hiệu quả điều trị bệnh.

91e67cf7-d16d-486d-b7b9-12cddbf03778
Khám sức khỏe cho trẻ em tại BV Nhi Đồng 1.

Đừng chủ quan với bệnh đường hô hấp

Các bệnh viêm đường hô hấp rất thường gặp và đa phần bệnh dần tự khỏi sau 5-6 ngày nhưng không được xem nhẹ. Nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh đường hô hấp có thể biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm tai giữa, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi… Có khoảng 25% các trường hợp diễn biến thành viêm phổi.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi không chỉ tại Việt Nam mà ở cả các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 35 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới và 99% là ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp.

Đối với người cao tuổi, bệnh lý hô hấp thường nặng hơn ở người trẻ rất nhiều, nhất là với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Chẳng hạn như không sốt, hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho húng hắng là dễ bỏ sót; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm. Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn… Do đó, người cao tuổi thường đi khám bệnh muộn, khi bệnh đã nặng.

Ngoài ra, với phụ nữ mang thai, điều làm họ lo sợ nhất là các bệnh về đường hô hấp. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hệ miễn dịch của người mẹ bị suy giảm, dễ mắc các bệnh lây qua đường không khí như viêm họng, cảm cúm. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ, virus cúm có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như sứt môi, đục thủy tinh thể mắt, hở hàm ếch, hội chứng down... Khi mắc phải bệnh, thai phụ cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Bệnh đường hô hấp tuy có nhiều phương án điều trị, nhưng chủ yếu là những phương án điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên. Các thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tại chỗ.

Một bác sĩ làm việc tại BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, chia sẻ: “Khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau họng… kéo dài hơn so với bình thường (từ 3-5 ngày) và kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, nhất là những đối tượng là người già và trẻ nhỏ, không được chủ quan khi mắc bệnh, cần theo dõi chặt chẽ”.

hệ-thống-hô-hấp-300x290
 
Đối-tượng-ở-mọi-lứa-tuổi-đều-cần-cẩn-trọng-với-bện
Đối tượng ở mọi lứa tuổi đều cần cẩn trọng với bệnh đường hô hấp

Thùy Trang

_NTD_So 420 _In_Page_29
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.