Thứ năm, 15/08/2024, 14:50 PM

Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững

(CL&CS) - Ngày 15/8/2024, tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” được tổ chức tại Hà Nội, nhằm tìm kiếm giải pháp cho bài toán ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, phát triển giao thông xanh và giảm thiểu phương tiện cá nhân, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, đã trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là giao thông vận tải. Khí thải từ hàng triệu phương tiện cơ giới mỗi ngày đã góp phần đáng kể vào việc làm ô nhiễm không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

hội thảo 3

 Quang cảnh buổi tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”

Trước thực trạng này, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, phát triển giao thông xanh và giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Minh chứng là TP Hà Nội đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh. Theo đó, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, với hơn 132 tuyến buýt, trong đó có một tỷ lệ đáng kể là xe điện và xe CNG. Bên cạnh còn có hàng nghìn xe taxi điện đã được cấp phép hoạt động, cùng với hệ thống xe đạp và xe đạp điện công cộng tại nhiều quận nội thành. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh tại Hà Nội vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Việc đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng như trạm sạc, trạm nhiên liệu sạch khá lớn. Bên cạnh đó, việc thay thế toàn bộ đội xe buýt truyền thống bằng xe buýt điện cần thời gian và nguồn lực đáng kể. Ngoài ra, việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân cũng là một bài toán khó. Để thành công, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, từ việc xây dựng chính sách ưu đãi đến việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, vấn đề chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay không phải là dễ hay khó nữa mà buộc phải làm bởi cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero - phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá, chương trình toạ đàm sẽ tạo sức lan toả để người dân cùng biết và đồng hành nhằm thay đổi nhận thức và cách làm. Qua toạ đàm, các chuyên gia giúp cho thành phố đưa ra những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả và nhanh nhất. Qua đây, TP cũng rút ra được nhiều bài học tất yếu phải làm.

ktdt3

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ tại buổi tọa đàm

TP Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Việc rất quan trọng, cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường - 2 vấn đề đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Tọa đàm hôm nay có nội dung rất cụ thể và thực chất. Quy hoạch Thủ đô có 3 chuyển đổi chính trong đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ lớn.

Mục tiêu của Tọa đàm cũng như Luật Thủ đô là lấy người dân làm trung tâm, đo đếm được cụ thể người dân được hưởng lợi những gì. Hà Nội nhất trí với quan điểm của các chuyên gia là, sự quyết tâm của chính quyền, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Chúng ta đều nhận thức được mục tiêu và xác định rất rõ, vậy làm thế nào để triển khai nhanh và hiệu quả nhất?

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, có cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất để tích cực tham gia; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thời gian đi trên đường giảm rất nhiều. Đồng thời, cũng cần tính toán cơ chế, nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ và kết nối trong giao thông, phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân.

Nội dung tuyên truyền cũng rất quan trọng để người dân biết, hiểu, tự nguyện và lan toả. Cần tuyên truyền những nội dung cụ thể về lợi ích phương tiện xanh đem lại. Những ý kiến tại tọa đàm cần được tuyên truyền rộng rãi để từng sở, ngành TP vào cuộc và đem lại hiệu quả.

Thực hiện mục tiêu xanh hoá phương tiện

Theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, hiện nay cần có sự quyết tâm của nhiều người để thực hiện mục tiêu xanh hoá phương tiện. Hà Nội Metro rất tâm huyết với chủ đề tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là vấn đề chúng ta đang phải làm, buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Mới đây, vào 8 giờ ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành.

gt xanh

Đoạn đường sắt trên cao của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng, thể hiện được ưu điểm của phương tiện giao thông xanh

Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.

Khi chúng tôi tiếp nhận depot tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rộng 19ha, mất gần 2 năm để cải tạo, biến cỏ dại thành cây xanh. Chúng tôi có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn và quan trắc môi trường. Nhân viên của chúng tôi đi trong khuôn viên đường sắt nhìn thấy rác không nhặt là bị phê bình. Từ đó cho thấy, để thực hiện mục tiêu xanh hoá phương tiện cần có sự quyết tâm của nhiều người.

Chia sẻ với báo chí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thông tin, cần phải chuyển đổi hết các phương tiện thành phương tiện xanh. Để tiến đến đưa phát thải về 0, chúng ta có Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với mục tiêu này. Để thực hiện được mục tiêu đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông rất quan trọng. Ngoài xe máy, ô tô, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là xe tải. Cần phải chuyển đổi hết các phương tiện thành phương tiện xanh.

Một trong những điểm mới của Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là vùng phát thải thấp. Sắp tới sẽ có những vùng phát thải thấp, cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa. Dù có hạn chế một số tự do nhất định của người dân, người kinh doanh vận tải nhưng là cần thiết. Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Hà Nội nhưng cũng cần sự đồng hành của người dân toàn Thủ đô để hiện thực hóa quyết tâm đó. Ngay đến cả xe thu gom rác, Hà Nội cũng cần chuyển đổi sang phương tiện xanh.

Chuyển đổi sang giao thông xanh là xu thế tất yếu và đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã hội

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Việc chuyển đổi xanh là của hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ của Sở GTVT hay của ngành giao thông và của người làm giao thông.

Chúng ta sẽ chắc chắn làm được, vì phát triển xanh là xu thế tất yếu. Đầu tiên, chúng ta cần có nhiều phương tiện thay thế bằng phương tiện công cộng, không dùng nhiên liệu hóa thạch. Thứ 2 là đường xá, tài chính đầu tư hạ tầng, thứ 3 là hệ thống giao thông cần kết nối chặt chẽ, tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông tốt. Cùng với đó là có những chế tài đi kèm khi thực hiện.

Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” được tổ chức, nhằm tạo ra một diễn đàn mở, nơi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Tọa đàm tập trung vào việc làm rõ các nguyên nhân gốc rễ gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, đồng thời đánh giá những lợi ích thiết thực mà giao thông xanh mang lại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những thách thức và khó khăn trong quá trình chuyển đổi, từ việc thiếu hạ tầng đến việc thay đổi thói quen của người dân. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng đã đề xuất các giải pháp đa dạng, bao gồm cả việc xây dựng chính sách phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Cuộc thảo luận này là một diễn đàn sôi nổi để các bên liên quan cùng nhau tìm ra hướng đi hiệu quả cho một Hà Nội xanh.

Chuyển đổi sang giao thông xanh là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã hội. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” là một bước khởi đầu quan trọng để tìm ra những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Ban tổ chức cũng như các chuyên gia kỳ vọng, thông qua tọa đàm sẽ gợi mở thêm được những giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi phương tiện xanh theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra với Hà Nội, tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt, góp phần lan tỏa ý thức, tinh thần bảo vệ môi trường Hà Nội trong cộng đồng, hướng tới chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao và chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững. 

Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải đã đặt mục tiêu đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Liên Liên

Bình luận

Nổi bật

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS) - Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 13/11, giáo sư Hoàng Văn Cường (nguyên Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng thành công xây dựng đường dây 500kV mạch ba cho thấy để triển khai nhanh, hiệu quả bắt buộc phải làm chủ công nghệ.

Thu phí phương tiện vào nội đô (?)

Thu phí phương tiện vào nội đô (?)

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:20

(CL&CS) - Hà Nội vừa họp xem xét thông qua một số nội dung của Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án được dự kiến trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định vào tháng 12/2024. Theo đó, giải pháp thu phí vào nội đô đối với phương tiện cá nhân lại được hoàn thiện thêm một bước.

Tác động tích cực của đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đối với KTXH nước ta

Tác động tích cực của đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đối với KTXH nước ta

sự kiện🞄Thứ tư, 06/11/2024, 13:50

(CL&CS) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có tác động trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực.