Giá chung cư vùng ven lên đến 60-70 triệu đồng/m2, người lao động khó mua được nhà?

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ trong suốt 15 năm làm nghề, điều ông không ngờ đến là giá chung cư ngoại thành đã lên 60-70 triệu đồng/m2. Điều này khiến giấc mơ an cư của người lao động lại gặp khó.

Untitled-3

Chung cư ven đô “cao ngất”

Nhiều nghiên cứu khảo sát thị trường cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, căn hộ siêu sang. Giá bán căn hộ ở ngưỡng 50 triệu đồng/m2 trở lên.

Hầu hết giao dịch thành công trên thị trường trong nửa đầu năm chỉ tập trung vào phân khúc chung cư cao cấp, thị trường đang lệch pha cung cầu khi chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, siêu sang nhưng vắng bóng căn hộ giá vừa túi tiền.

Một số chuyên gia cho rằng, nguồn cung khan hiếm và thị trường chỉ có sản phẩm chung cư cao cấp là hai nguyên nhân đẩy giá nhà tăng vọt từ đầu năm đến nay.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản giảm mạnh từ năm 2018 đến nay. Năm 2018 nguồn cung bất động sản cả nước đạt khoảng 180.000 sản phẩm, nhưng các năm tiếp theo nguồn cung bất động sản liên tục giảm. Đến năm 2023, nguồn cung bất động sản có sự cải thiện nhẹ, tăng lên 55.000 sản phẩm nhưng chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.

Ở một hội thảo diễn ra mới đây, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bên cạnh những người mua ở thực có những người "không thiếu nhà" nhưng vẫn muốn mua để đầu tư. Trong khi nguồn cung thị trường ít ỏi, không đáp ứng được hết nhu cầu khiến "giá bị đẩy lên cao".

Theo lãnh đạo Vụ Đất đai, tình trạng này phổ biến với các phân khúc nhà ở bởi vừa tầm tiền, dễ mua bán với phần đông nhà đầu tư.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, giá chung cư tăng cao, khả năng tiếp cận nhà của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó.

"Giá chung cư ngoại thành giờ đã lên 60-70 triệu đồng một m2, điều tôi không ngờ trong suốt 15 năm làm nghề", ông Khánh nói và cho rằng, với mức lương bình quân của người lao động hiện nay nếu mua nhà họ khó đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, cho rằng nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu về nhà ở rất lớn dẫn đến hệ quả làm cho giá nhà tăng cao, nhà giá rẻ khan hiếm. Nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn cung, theo ông Điệp, là do các thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài.

Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển cần các cơ chế chính sách đồng bộ và tạo nguồn lực, lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Dẫn chứng như nhà thương mại, mặc dù giá cao nhưng nếu như tạo được động lực, phân khúc này phát triển tốt. Vậy nên, việc tháo gỡ các cơ chế chính sách là quan trọng hàng đầu, bên cạnh đó phải tạo được nguồn lực cho thị trường bất động sản phát triển.

Hàng chục nghìn căn hộ bị bỏ hoang

Có một thực tế đang diễn ra là trong khi giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, người dân muốn mua nhà nhưng khó tìm thì hiện tượng nhà bỏ hoang lại diễn ra, đặc biệt là tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không, hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn và khoảng 4.000 căn chung cư đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Tương tự, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ...

Lý giải về tình thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS phân tích: do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt. Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân mà còn làm giảm giá trị của các căn hộ, khiến người dân không muốn chuyển đến.

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, và hệ thống giao thông..., làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân. Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.

VARS cho rằng việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Do đó, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức" loại hình này để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Theo bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư  VARS: "Dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, trong khi các dự án đang triển khai “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Bởi vậy, việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý".

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Làm rõ vụ việc người nước ngoài sống trong nhà ở xã hội ở Quảng Ninh

Làm rõ vụ việc người nước ngoài sống trong nhà ở xã hội ở Quảng Ninh

sự kiện🞄Thứ năm, 03/10/2024, 07:45

Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 5524/BXD-QLN gửi UBND tỉnh Bắc Giang và Công văn 5526/BXD-QLN gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị 2 địa phương này làm rõ vụ việc người nước ngoài sống trong nhà ở xã hội.

Bức tranh trái chiều của thị trường bất động sản: Hà Nội “sốt nóng”, các tỉnh vẫn “nguội lạnh”?

Bức tranh trái chiều của thị trường bất động sản: Hà Nội “sốt nóng”, các tỉnh vẫn “nguội lạnh”?

sự kiện🞄Thứ năm, 03/10/2024, 07:44

Thị trường bất động sản Hà Nội trong vòng 10 năm trở lại đây chưa bao giờ giá tăng nóng, tăng bất chấp như hiện tại. Trong khi đó, thị trường các tỉnh, thậm chí tại TP.HCM vẫn còn chưa phục hồi rõ nét.

Thị trường căn hộ: Nguồn cung vẫn chưa tương xứng với nhu cầu sở hữu nhà của người dân?

Thị trường căn hộ: Nguồn cung vẫn chưa tương xứng với nhu cầu sở hữu nhà của người dân?

sự kiện🞄Thứ tư, 02/10/2024, 16:09

Theo thống kê, mỗi năm, nhu cầu sở hữu căn hộ đạt khoảng 50.000 căn hộ chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế, các hộ gia đình trẻ vẫn xa vời giấc mơ an cư.